Thắc mắc với “giấy nợ” phạt nguội

Trường hợp không rõ người lái xe vi phạm, phía CSGT yêu cầu chủ xe phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều đó không hợp lý.

CSGT TP.HCM đang mở đợt cao điểm truy lùng những xe vi phạm giao thông đã bị ghi hình nhưng chủ xe chây ì đóng phạt. Biện pháp cứng rắn này được nhiều người ủng hộ, tuy vậy cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc xử phạt đối với những trường hợp không xác định được người vi phạm (chủ xe cho bạn bè mượn xe hoặc những đơn vị cho thuê xe tự lái).

CSGT: Chủ xe phải biết ai lái!

Ngày 2/12, khi vừa lái ô tô bốn chỗ 51A-713… qua hầm Thủ Thiêm, ông L. bị CSGT dừng xe và cho biết xe ông từng năm lần bị camera “chộp” lỗi chạy quá tốc độ, đã được thông báo ba lần nhưng chưa đóng phạt. Ông L. nhìn nhận chiếc xe trên của ông nhưng ông thường cho bạn bè, người quen sử dụng nên không thể biết ai đã vi phạm và bị ghi hình.

“Theo quy định, người lái xe phải chịu trách nhiệm về các vi phạm khi sử dụng chứ chiếc xe có vi phạm đâu mà “kéo” chủ xe vào. Nếu được thông báo sớm ngay sau khi có vi phạm, tôi có thể nhớ ai đã mượn xe để yêu cầu họ đóng phạt. Đằng này để một thời gian dài mới thông báo thì làm sao tôi nhớ hết được” - ông L. nói.

Ông Hoàng Minh Nhựt, chuyên cho thuê ô tô tự lái ở quận 12, cũng thắc mắc: “Thực tế việc thuê xe chỉ diễn ra dăm ba bữa và khi người thuê trả xe làm sao tôi biết họ có vi phạm, có bị ghi hình không để “níu áo”. Cả tháng sau khi họ trả xe rồi CSGT mới thông báo, bắt tôi nộp phạt là không hợp lý”.

Thắc mắc với “giấy nợ” phạt nguội - 1

Ông T., một trong số ít chủ xe không phàn nàn, thắc mắc trước các lỗi vi phạm đã bị ghi hình vì ông nói mình là người duy nhất sử dụng chiếc ô tô phạm lỗi. Ảnh: MP

Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, hiện CSGT chỉ nhắc nhở những người chưa đóng phạt. Kể từ ngày 12/12, nếu vẫn không đóng phạt, chủ xe có thể bị giữ giấy tờ xe hoặc tạm giữ xe. “Có thể sẽ gặp trường hợp xe không chính chủ hoặc không rõ người lái xe vi phạm. Trong trường hợp này, chúng tôi yêu cầu chủ xe phải xác định được người đã lái xe vi phạm bị ghi hình” - Thượng tá Trà nói.

Nhưng nếu không xác định được người vi phạm thì sao? Thượng tá Trà cho hay chủ xe phải biết đã cho ai thuê, ai mượn chứ nói không biết ai chạy là vô lý. “Tài sản của anh, anh không thể nói không biết ai là người chạy xe được. Do vậy, chủ xe phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phương tiện của mình. Nếu CSGT phát hiện chủ xe giao cho người không đủ điều kiện (không có bằng lái hoặc bằng lái không phù hợp - NV) thì sẽ xử phạt thêm lỗi này” - ông Trà nhấn mạnh.

Có thể phạt sai đối tượng

Theo TS Vũ Văn Nhiêm, Phó Trưởng khoa Hành chính-Nhà nước, ĐH Luật TP.HCM, việc yêu cầu chủ xe có nghĩa vụ xác định người vi phạm là hợp lý nếu thông báo vi phạm được gửi sớm, trong ngày có hành vi vi phạm. “Nhưng thực tế nhiều người cho thuê xe trong 1-2 ngày và người thuê phạm luật giao thông nhưng một tháng sau chủ xe mới nhận được thông báo. Những trường hợp này CSGT cứ thu giữ giấy tờ xe là không hợp lý” - TS Nhiêm nói.

Luật sư Trần Đình Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 chỉ xử phạt chủ xe về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe. Các nghị định không có điều khoản buộc chủ xe phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm do người khác đủ điều kiện chạy xe phạm luật giao thông.

Liên quan đến việc phạt nguội, khoản 2 Điều 56 Nghị định 34/2010 yêu cầu chủ xe phải phối hợp để xác định người đã lái xe vi phạm bị ghi hình nhưng không nêu biện pháp chế tài khi chủ xe “không phối hợp”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định vi phạm hành chính được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm được tiến hành khi xác định được người vi phạm. “Như vậy, khi chưa xác định được người vi phạm thì CSGT sẽ không được lập biên bản xử phạt” - luật sư Nam nhận định.

Cũng theo ông Nam, một nguyên tắc nữa của luật này là muốn xử phạt thì phải chứng minh người dân có lỗi. Nhưng hiện nay trong nhiều trường hợp, CSGT không thực hiện theo nguyên tắc này mà quy trách nhiệm về phía chủ xe, thông qua việc tạm giữ giấy tờ xe, thậm chí giữ xe để cưỡng chế chủ xe đóng phạt cho những vi phạm giao thông đã được ghi hình. Điều này có thể dẫn đến phạt sai đối tượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Phong (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN