Thả gái mại dâm: Ngày về của… phấn son
Tháng 6/2012, Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2013, Luật này sẽ được áp dụng vào thực tế. Điều này có nghĩa, tất cả những người có hành vi bán dâm đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, trung tâm giáo dục lao động xã hội (quen miệng hơn gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm – K.H) sẽ được trở về với xã hội.
Rõ ràng, Luật Xử lý vi phạm hành chính có ý nghĩa rất nhân văn.
Nên buồn hay vui (?)
Dẫu muốn dẫu không cũng cần phải thừa nhận rằng, TP.HCM đã có những khu tạm gọi là “khu đèn đỏ”… Đó là những tuyến đường mà người có nhu cầu mua dâm luôn được phục vụ dưới các hình thức như massage, karaoke, nhà hàng… Không dừng lại ở đó, việc mua bán dâm đang diễn ra vô cùng thuận lợi, khi mà ngồi ngay tại nhà hay bất cứ ở đâu đó, người có nhu cầu chỉ cần truy cập vào mạng internet để tìm hiểu giá cả, lấy số điện thoại và… gọi.
Rõ ràng, nhu cầu mua bán dâm là một nhu cầu có thực. Ở các nước ngay trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, chính phủ các nước đã xem đây là một nghề hợp pháp. Có quy định hẳn hoi về khu vực hoạt động, hình thức kinh doanh, thuế.
Tuy nhiên, ở một nước còn nặng quan điểm về truyền thông Á Đông như Việt Nam, thì mãi cho đến nay, hành vi mua bán dâm vẫn là một điều cấm kị. Những danh từ miệt thị dành cho phụ nữ có hành vi bán dâm đã thể hiện điều đó.
Tiếc rằng, dư luận đã quá vội vã khi nhận định rằng, hành vi mua bán dâm chỉ có lỗi từ một phía. Đó là những phụ nữ bán dâm, còn người mua bán dâm, gần như được xem là “nạn nhân”.
Ngay cả truyền thông, đáng lý là kênh thông tin hữu hiệu trong việc “cân bằng về nhận thức” lại đang có chiều hướng xuê xoa bằng cách “tấn công” phụ nữ có hành vi bán dâm, thay vì hướng mũi “tấn công” ấy vào cả những người có hành vi mua dâm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng đưa ra nhận định khi thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Việc bỏ biện pháp này là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý; hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là phù hợp”.
Nhưng, không phải ai cũng đồng thuận như vậy. Còn có rất nhiều các ý kiến tranh cãi khác…
Vẫn chưa có những quy định, chính sách nhằm giúp đỡ gái mại dâm thoát hẳn với “nghề” (Ảnh minh họa)
Trung tâm Giáo dục lao động và quản lý, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đang quản lý 79 phụ nữ có hành vi bán dâm, 8% trong số họ nhiễm phải căn bệnh HIV. Bên cạnh đó, họ không có chuyên môn, nghề nghiệp, nơi cư chú ổn định. Thế nên, việc họ có thể tái hòa nhập cộng đồng là vô cùng khó khăn. Và không có gì đảm bảo họ sẽ không tiếp tục bán dâm để mưu sinh. Đáng lo lắng nhất, là vẫn chưa có những quy định, chính sách nhằm giúp đỡ họ thoát hẳn với “nghề”.
Với mức phạt hành chính mới theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có hành vi bán dâm sẽ bị xử phạt 300 ngàn đồng cho lần vi phạm đầu tiên và sẽ tăng lên 5 triệu đồng cho lần vi phạm thứ hai.
Mức xử phạt này, cảm giác là chỉ có sức nặng đối với những người có hành vi bán dâm “bình dân”. Còn lực lượng cao cấp hơn, như chân dài, người mẫu, á hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên… thì mức phạt tiền trên chỉ là “muỗi”.
Có ý kiến nêu ra, đối với “lực lượng nhan sắc cao cấp có danh vọng” nếu phát hiện có hành vi bán dâm, phải chịu mức phạt nặng. Đồng thời, cấm hành nghề biểu diễn. Bởi họ có đầy đủ điều kiện để kiếm tiền mà không cần phải mưu sinh bằng “vốn tự có”.
Ý kiến này rất… cổ điển. Thứ nhất, “nhan sắc cao cấp có danh vọng” chỉ lấy hoạt động biểu diễn làm điều kiện để nâng giá trong cuộc mua bán phấn son. Kế đến, hành vi bán dâm của họ là để đảm bảo cuộc sống vương giả. Hơn nữa, điều kiện tiên quyết nhất chính là “ý thức về nghề nghiệp” của họ quá cao, không gì là xóa bỏ được.
Trở lại vấn đề thời sự nóng về Luật Xử lý vi phạm hành chính, liệu có thể đưa ra nhận định, đây là bước dọn đường cho một sự đồng thuận về sự hợp pháp của hành vi mua bán dâm (?).
Bởi đã có ý kiến, việc minh bạch hành vi mua bán dâm sẽ tạo điều kiện để các cơ quan quản lý kiểm soát tình hình tốt hơn. Đặc biệt là về vấn đề tệ nạn, bệnh truyền nhiễm… kiểu như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã làm.
Thế nhưng, vẫn có nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn. Họ cho rằng, thừa nhận mua bán dâm là hợp pháp, vô hình trung đạp đổ các giá trị văn hóa truyền thống.
Cái gì là đạp đổ văn hóa truyền thống chứ (?), nâng tầm một hành vi sơ đẳng lên đến mức thượng đẳng đến thế là cùng.
Nói thì dễ lắm, ai nói cũng được cả. Đặc biệt là về vấn đề mà hầu như trừ đàn ông ra, còn phụ nữ luôn ghét cay ghét đắng. Dường như, họ quên mất là, tình dục là một nhu cầu luôn luôn có thật. Trẻ con nói, Việt Nam vốn dĩ mặc định “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”. Hơn nửa thế kỷ trước, không phải đã có câu nói rất nổi tiếng liên quan đến nhân vật Công tử Bạc Liêu đầy huyền thoại “Người mình ngộ lắm. Tiểu tiện thì ngoài đường, âu yếm trong bụi rậm”.
“Kinh doanh vốn tự có” như là cứu cánh cuối cùng cho tất cả họ (Ảnh minh họa)
Do đặc tính nghề nghiệp, tôi cũng từng tiếp xúc với những người phụ nữ có hành vi bán dâm. Đời ai cũng nhiều bất trắc. Có thể câu chuyện là do họ nghĩ ra, cũng có thể câu chuyện là có thật. Tôi không có thói quen nghi ngờ phụ nữ, chưa bao giờ tôi nghi ngờ phụ nữ.
Có cô bé quê ở Cà Mau, mẹ nợ nần tứ tung, lãi gấp đôi tiền vay. Không biết ai chỉ dạy, lần mò lên Sài Gòn tìm đại gia để bán đi thanh tân với hy vọng kiếm được vài mươi triệu để về quê trả tiền cho mẹ.
Có cô gái khác, thương gia đình, thương em. Thấy hàng xóm lên Sài Gòn, ít lâu về đến quê là vàng đeo đỏ tay, nói cười rổn rảng. Hỏi ra mới biết hàng xóm lên trên này làm nghề tiếp viên quán bia. “Công việc nhẹ nhàng lắm, ngồi chịu khó cho tụi nó sờ mó một chút, là có tiền thôi”, hàng xóm bảo. Có vậy, là lên Sài Gòn. Rồi từ tiếp viên quán bia trở thành gái mại dâm chuyên nghiệp hồi nào không hay.
Có cô gái khác, đang là sinh viên của một trường chuyên đào tạo diễn viên. Yêu đương đắm đuối, có thai với cậu sinh viên cùng trường. Cậu sinh viên sau lúc thỏa mãn bỏ người chạy lấy của, về quê thì lại không đành. Vay mượn để sinh con xong, lại dạt ra khu Thị Nghè làm gái đứng cầu trả tiền lãi. Bị bắt vào trung tâm vài lần, bắt ra lại làm nghề tiếp. Biết làm gì khác bao giờ. Mỗi lần cô đi trung tâm, “đồng nghiệp” may mắn chưa bị bắt ở nhà thay cô chăm con.
Vậy đó, “kinh doanh vốn tự có” như là cứu cánh cuối cùng cho tất cả họ. Tôi không lạm bàn đến những “cô nàng kinh doanh vốn tự có” cao cấp đang được truyền thông tung hô ở thời điểm này.
Nhiều, còn rất nhiều những câu chuyện như vậy mà tôi biết. Kể ra, mất công độc giả lại bảo “Nghe cave kể chuyện, nghe con nghiện trình bày”. Nhưng với những gì tôi chứng kiến, chỉ thấy những cô “danh vọng bán phấn son” là có được cuộc sống vương giả. Còn lại, “hành nghề bình dân” chỉ thấy cái cảnh, sáng giang hồ đòi nợ, chiều ma cô thúc tiền công, tối bị khách làng chơi chơi trò hội đồng… Thời gian cho những giang hồ, ma cô, khách làng chơi có thể là cơn nghiện đang sầm sập kéo đến.
Với cái nhìn đầy miệt thị của đám đông, phụ nữ có hành vi bán dâm cũng tự kỷ ám thị, liệt mình vào thành phần “suy đồi” của xã hội. Từ tư duy yếm thế này, họ sống như đang phá nát cuộc đời mình.
Bản thân của họ đã là những bi kịch, liệu chúng ta có nên nhân danh văn hóa truyền thống hay gì gì đó để vô tình hoặc hữu ý, đẩy họ đến tận cùng của sự bất hạnh hay không (?).
Hành vi mua bán dâm, đoán chắc không thể chỉ xảy ra một chiều. Không gã đàn ông nào không có nhu cầu mua dâm lại bị “cưỡng ép” phải đi mua dâm bắt buộc cả. Thay vì cứ ra rả “nâng cao nhận thức, lòng tự trọng” cho phụ nữ có hành vi bán dâm, thì quan trọng hơn là phải “nâng cao nhận thức, lòng tự trọng” cho những người chuẩn bị có hành vi mua dâm.
Bấy lâu nay, không ngăn chặn được nhận thức hành vi của người mua dâm, đám đông quay sang chỉ trích cay nghiệt và đổ thừa toàn bộ cho lực lượng… bán dâm.
Tài đến thế là cùng. Không có cầu thì sao mà có cung. Không có những gã đàn ông thích tòm tem, thì làm sao có gái bán dâm. Không có những gã đàn ông bị ám thị bản năng, thì phấn son xuống đường “bán tình” cho không khí à (?).
Và nếu như, thừa nhận tình dục là một khía cạnh tất yếu của cuộc sống, thì cũng đã đến lúc phải thừa nhận nhu cầu “mua – bán” tình dục là nhu cầu có thật.
Cá nhân tôi nghĩ, không thể để ý thức quyết định sự phát triển khách quan của đời sống. Vấn đề là, sự phát triển khách quan ấy cần được định hướng, đảm bảo và kiểm soát hợp lý.
Không gì ngây thơ và ấu trĩ bằng việc cứ la làng lên rằng “bán dâm thu nhập rất cao” để rồi ngồi cân đong đo đếm, song rốt cuộc lại phán như đúng rồi về… sự suy đồi của xã hội.
Những ngày tháng 10 này, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, Cơ quan Công an TP HCM và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP đã tổ chức 430 cuộc truy quét người có hành vi mua bán dâm nơi công cộng. Kiểm tra, phát hiện 81 vụ bán dâm tại các cơ sở kinh doanh, bắt gần 600 người (tăng hơn 100% so với năm 2011).
Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội của thành phố đã phát hiện gần 5.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm trong tổng số hơn 9.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ bị kiểm tra. Trong đó, có 49 cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động mại dâm và 75 cơ sở có hành vi khiêu dâm, kích dục.
Đồng thời, hiện tại trên toàn địa bàn thành phố có 70 tuyến đường, tụ điểm được những người bán dâm chọn làm nơi hoạt động. So với năm 2011, tăng thêm 28 tuyến đường, tụ điểm…