Thả cá chép đúng ý nghĩa ngày ông Công ông Táo không phải ai cũng biết

Thả cá chép ngày ông Công ông Táo là nét văn hóa lâu đời ở Việt Nam nhưng thả sao cho đúng ý nghĩa thì không phải ai cũng biết.

Thả cá chép đúng cách để cá có thể “hóa rồng” đưa Táo quân về trời. Ảnh minh họa

Thả cá chép đúng cách để cá có thể “hóa rồng” đưa Táo quân về trời. Ảnh minh họa

Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại làm lễ cúng ông Công ông Táo. Đây là một nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Mục đích là để tiễn Táo quân về trời, báo cáo công việc của gia chủ một năm qua với thiên đình.

Trong lễ cúng, các gia đình thường chuẩn bị cá chép đỏ với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để làm phương tiện cho Táo quân lên chầu trời. Tuy nhiên, việc thả cá chép trong nhiều năm qua kéo theo những hệ lụy gây bức xúc cho xã hội.

Nhiều người có hành động không phải “thả” mà là đổ, ném, quăng cá, kèm theo đó là tình trạng xả túi nilon ra môi trường.

Hay tình trạng người dân đứng thả cá trên bờ, có người dưới thuyền đã chờ sẵn để kích điện, bắt lại cá chép vừa phóng sinh, tiếp tục mang bán cho những người khác … rất phản cảm.

Vì vậy, để thả cá chép đúng cách và mang đầy đủ ý nghĩa tâm linh, không phải ai cũng biết.

Theo ông Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), thả cá chính là việc làm phóng sinh, vì sự sống của cá. Do đó, cần tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh. Khi mua, người dân nên chọn những con cá chép khỏe mạnh, bơi nhanh, quẫy mạnh, không tróc vảy…

Tiếp đến, người dân cần chọn môi trường trong lành, nước sạch để thả cá chép. Khi thả cá phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ để tránh những va chạm mạnh có thể làm cá chết; không nên cầm cả xô đổ cá; không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước…

Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ.

Dân gian quan niệm rằng, thời gian thích hợp thả cá chép là trước giờ Ngọ (12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp) để Táo quân có đủ thời gian lên chầu trời.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong xã hội hiện đại ngày nay, ngày 23 tháng Chạp có khi rơi đúng ngày các gia đình phải đi làm, không chuẩn bị được thời gian để cúng đúng giờ Ngọ. Do đó, các gia đình có thể cúng trước ngày 23 tháng Chạp.

Mốc thời gian không ai quy định nhưng thông thường, người dân có thể cúng sớm trước khoảng một tuần, trong khoảng từ rằm tháng Chạp đến 23 tháng Chạp.

Bên cạnh đó, không nhất thiết phải cúng ông Công ông Táo vào lúc giữa trưa, mà có thể cúng vào bất kỳ lúc nào thuận tiện và trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, không được làm lễ sau giờ này.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh: Hành động đẹp trong ngày người Thủ đô thả cá chép sớm tiễn Táo quân ”về trời”

Từ sáng sớm nay (22 tháng Chạp) nhiều gia đình tất bật mang cá chép đến sông, hồ phóng sinh tiễn ông Công ông Táo với sự trợ giúp của các tình nguyện viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN