Tết Việt mênh mang trên Biển Hồ
Trong cuộc đời đi sứ của mình, tôi đã đón nhiều cái tết ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn không thể quên được cái tết đến với bà con người Việt trên Biển Hồ mênh mông xa xứ…
Một đời kiều
Ngày 23.1.2006, nhân dịp Tết Bính Tuất, tôi đi thăm một xóm Việt kiều trong đó có nhà bà Võ Thị Lền, 66 tuổi, ở tổ 35-36, ấp Tua Rka, phường Chắc Ăng Crôm, quận Miên Chây. Đây là một xóm nghèo ven sông Mekong, gần thủ đô Phnom Penh. Gọi là nhà vì bà Lền sống ở đây chứ thật ra nó không phải là cái nhà, nó là cái lều, mà lại là cái lều sàn vì nó được bắc trên mấy cái cột khẳng khiu to bằng cổ tay. Một mình bà trên chiếc lều rộng chừng 5-6m2, ngồi ôm gối, tóc bạc rối tung, mắt lòa ngước lên nhìn chúng tôi nhưng chắc không trông thấy gì bởi vì tôi thấy bà phải chú ý nghe ngóng bằng đôi tai của mình.
Cuộc sống thường nhật của người Việt trên Biển Hồ ở Campuchia. Bùi Minh Dũng
Tôi hỏi có biết tết đến rồi không, bà nói không. Tôi hỏi quê bà ở đâu, bà bảo lâu ngày không nhớ nữa. Lại hỏi con cháu họ hàng có ai, lại trả lời không còn ai. Thế là 3 không. Tôi sợ, không dám hỏi từ sáng tới giờ đã ăn gì chưa. Bởi vì chưa hỏi đã muốn khóc, mà không dám khóc, thể diện nào mà muốn khóc ở chỗ này!
Một lần khác tôi đi thăm bà Võ Thị Kim Loan ở ấp Sen Sốc, phường Khmuôi, quận Rút-xây Keo. Nơi này cách sông Mekong xa hơn, nằm giữa cánh đồng khô hạn, dễ cháy, bụi bận cả ngày. Bà Loan cũng ở trong lều, nhưng không phải lều sàn như bà Lền. Họ là Việt kiều đấy, theo cách gọi của một số người thì họ là “kiều” ở Campuchia, sống nghèo khổ không lấy đâu ra tiền mà về dưới, tức là về quê.
Cứ mỗi lần đi thăm bà con về là trong lòng tôi lại nặng nề tâm sự, lại thấy như mình còn có nhiều thiếu sót với bà con, day dứt muốn làm một cái gì đó cho bà con. Đến cái giếng khoan giá khoảng trên dưới 200 đôla mà họ cũng không thể có để khoan lấy một cái cho cả xóm. Thấy tội quá, anh em trong sứ quán lại góp, không đủ thì “bấu véo” làm kinh phí, đem tặng bà con thì nhiều cũng được dăm bảy cái. Vẫn biết những cố gắng xưa nay cũng nhiều đấy, cũng đậm đà đấy nhưng vẫn chỉ như muối bỏ bể. Các cụ xưa nói tiền vào chỗ khó như gió vào chỗ trống thật chẳng sai.
Biển Hồ cực lắm ai ơi…
Bây giờ ở Campuchia cũng đã có nhiều Việt kiều làm ăn khấm khá, có cuộc sống dễ chịu hơn nhưng phần nhiều vẫn sống trôi nổi trong nhà thuyền trên mặt nước Biển Hồ. Tôi đã mấy lần đi Biển Hồ thăm bà con, được gặp chị Tuyết lúc ấy là Chi hội trưởng Chi hội Việt kiều Giàng Pháo thuộc khu vực Biển Hồ tỉnh Công Pông – chnăng. Chị dẫn tôi đi thăm bà con, đi huỳnh huỵch trên ván thuyền, nhảy ào ào từ thuyền này sang thuyền khác, luôn miệng cười nói chào hỏi. Rồi chị đưa tôi về nhà, tức về thuyền của chị, cho xem ảnh thời kháng chiến, lúc ấy tuy còn trẻ nhưng trông chị đã giống như một người đàn ông thuyền chài thực thụ. Rồi chị thết tôi một bữa cơm có món canh chua nấu với lòng và đầu cá Sủ cùng một chén nước mắm gan cá. Đây là một trong số ít những bữa cơm tuyệt nhất trong đời Đại sứ của tôi. Tôi hỏi tại sao chỉ đãi Đại sứ toàn lòng và đầu cá thì chị cười rằng, bao nhiêu phần thân cá đã đem phơi khô hết rồi, người dân vào mua cá thì chỉ ăn đầu và lòng cá thôi. Mùa làm cá thì gan cá cũng nhiều, người ta mới mang gan cá ấy ra làm thành một thứ nước mắm tuyệt ngon, được ít lắm nên nhà nào giữ lại cho nhà ấy. Chị cười đọc cho tôi nghe câu ca: Biển Hồ cực lắm ai ơi/Đêm thời mổ cá ngày thời đem phơi!
Cả đời chị sống ở Biển Hồ, những câu chuyện chị kể về tôm cá Biển Hồ, về cuộc chiến đấu chống bọn Pôn Pốt ở Biển Hồ và cuộc sống của ngư dân Việt trên Biển Hồ chứa đựng những khổ ải nhưng đầy ắp chất lãng mạn. Tôi đã đi nhiều nơi, đã được gặp nhiều người ở Biển Hồ nhưng dù họ là ai, trong hoàn cảnh nào, ở đâu tôi cũng đều thấy hai chữ Tổ quốc như ngọn đuốc sáng ngời trong lòng bà con.
Ở Campuchia còn có nhiều người Việt cần đến những gói quà tết, dăm cân gạo, một gói mì chính, mấy lon nước ngọt cũng đủ làm cho nhiều người nghèo cảm nhận được tình cảm ấm nồng của đồng bào đùm bọc lẫn nhau nhân ngày xuân đến. |