Vài năm trở lại đây, cứ dịp gần đến Tết, cư dân mạng lại sôi nổi tranh luận chuyện xóa bỏ hay giữ lại ngày Tết cổ truyền.
Nếu nhìn lại, trong một năm liệu còn bao nhiêu ngày lễ mang ý nghĩa bản sắc của dân tộc, của riêng người Việt Nam hay thay vào đó là niềm vui với ngày lễ tình nhân Valentine, Noel, Halloween.... hay hàng chục ngày lễ lớn nhỏ khác mang hơi hướng văn hóa phương Tây?
Tết là dịp để người con xa xứ cả năm có dịp trở về, quây quần cùng người thân ôn lại những câu chuyện trong năm, cùng nhau hướng tới một năm mới với những điều an lành.
Từ ngàn xưa tới nay, ngày Tết vẫn vậy, là khi kết thúc 12 tháng của một năm, là khi đào nở, hoa khoe sắc, rạng rỡ đón xuân, cũng là lúc người thân tìm về với nhau, quây quần bên mâm cơm ấm áp, chia sẻ cho nhau những câu chuyện chân tình, để thấy gia đình là điều tuyệt vời nhất, và cái Tết là khoảng thời gian thiêng liêng để hàn gắn những yêu thương.
Dẫu biết Tết là văn hóa, mà văn hóa có thể thay đổi theo thời gian, thế nhưng, cũng đừng bóp méo ngày Tết cổ truyền bằng những cơn say liên miên, chiếu bạc khắp nơi hay chỉ là một kỳ nghỉ lễ không hơn không kém.
Theo phong tục xưa, Tết Nguyên Đán ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng 23 tháng chạp cho tới ngày mùng 7 tháng Giêng. Sau ngày cúng ông Công ông Táo chầu trời, người dân lại tấp nập rủ nhau đi sửa soạn, sắm đồ dùng vật dụng cho Tết với quan niệm dù no dù đói thì Tết đến mọi thứ đều phải đầy đủ, sung túc mới mong một năm làm ăn phát đạt, "mã đáo thành công".
Ngày nay, khi cái đói nghèo đã không còn đeo bám, quan niệm “ăn no mặc ấm” cũng dần chuyển lên giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp”. Với lối sống hiện đại, việc sắm Tết của người dân thành thị phần lớn thu gọn lại trong chiếc màn hình vi tính. Mọi thứ đều có thể trao đổi qua 1 cú click chuột.
Những phiên chợ ngày Tết tấp nập hoa đào, bánh chưng xanh, mực tàu giấy đỏ giờ chỉ đa phần chỉ phục vụ cho tầng lớp trung niên và người già.
Nhắc đến phong vị Tết xưa, không ai lại không nhớ cái mùi hăng hắc, cay cay tỏa ra từ chiếc bếp đốt toàn củi gộc luộc bánh chưng. Ngay từ tờ mờ sáng 28 Tết, các bà các cô đã tất bật đi chợ mua lá dong, thịt lợn, đậu xanh...
Để có một nồi bánh chưng thơm ngon dâng lên ông bà tổ tiên thì các nguyên liệu cũng phải được chuẩn bị vô cùng kỹ càng. Gạo nếp phải mua đúng chuẩn nếp cái hoa vàng, ngâm qua đêm, ướp nước lá giềng; thịt phải chọn thịt vai sấn nửa nạc nửa mỡ, vừa mềm vừa thơm thịt, đỗ phải chọn loại bở, bùi... thì bánh mới ngon. Lá dong cũng được rửa sạch, tước sống và để ráo nước từ mấy hôm trước rồi mới đem gói. Trời rét căm căm nhưng trẻ con nhà nào cũng háo hức quây quần bên nồi bánh chưng, không quên vùi khoai vào bếp củi để rồi ngủ quên từ lúc nào không biết.
Ngày nay, công việc bận bịu, nhịp sống cứ ào ào trôi qua, chẳng mấy ai còn nhớ đến cách gói bánh chưng sao cho chặt, cách luộc bánh sao cho ngon.
Giờ đây người ta chỉ đơn giản ra chợ đặt mua dăm bảy chiếc bánh chưng vậy là xong cái Tết, thậm chí nhiều nơi còn cung cấp dịch vụ bán cỗ nguyên mâm, mang đến tận nhà và bày giúp gia chủ.
Phong tục Tết ngày xưa không thể thiếu tiếng pháo, tiếng pháo nổ đúng vào thời khắc giao thừa báo hiệu một năm cũ đã qua, một mùa xuân mới đã về.
Việc đốt pháo đêm giao thừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi, tiễn đưa một năm cũ với những nỗi vui buồn để đón năm mới với nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, trong các ngày lễ Tết trước đây, đã xảy ra rất nhiều trường hợp thương vong đáng tiếc do đốt pháo. Vì vậy, việc đốt pháo đã bị cấm. Năm nay, bắn pháo hoa đêm giao thừa cũng đã được xóa bỏ để tiết kiệm chi phí.
Ngày nay, không ít gia đình dùng kỳ nghỉ Tết làm một chuyến du lịch xa nhà, đón giao thừa ở miền đất mới, nơi có những phong tục lạ, phong cảnh đẹp. Họ dường như đã quên, có những người bà, người mẹ chỉ chờ ngày Tết để sum họp con cháu, để vơi đi phần nào những suy tư của tuổi già, và quan trọng, họ cần con cháu những giờ phút này hơn bao giờ hết.
Tất bật mưu sinh hơn 350 ngày ròng rã, những ngày cuối năm, hơi ấm của gia đình, của quê hương lại lan tỏa khắp ngõ ngách nơi người tha hương trú ngụ.
Một chút hương đồng gió nội, một nồi bánh chưng với đống củi cay nồng mùi khói, một hũ dưa hành mẹ muối nửa tháng trời chờ con, chiếc giò xào bố nắn từng thanh tre cho tròn trịa… những hình ảnh bình dị đó, đừng để trở thành kí ức xa xôi.
Hãy để chuyến tàu cuối năm, đưa ta về với nơi bình yên đó, nơi có ông bà, bố mẹ, anh chị em từng chung mâm cơm, từng rơi nước mắt, từng cười ròn rã cả một tuổi thơ.
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |