Tết tha hương của những đứa trẻ mang bệnh hiểm nghèo

Các ông bố, bà mẹ có con mắc bệnh nặng không được sum vầy cùng gia đình lặng lẽ đếm từng giờ, từng khắc…

Một buổi chiều giáp Tết, chúng tôi tìm đến xóm trọ của những em bé đang điều trị ngoại trú gần Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chỉ cách cổng bệnh viện chưa đầy 200m, con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo với những ngôi nhà lụp xụp, không gian xung quanh được người dân tận dụng tối đa để kinh doanh.

Luống cuống chưa biết hỏi ai, bỗng chúng tôi thấy một chị trung niên một tay cầm chậu quần áo, một tay bồng đứa con trai khoảng 2 tuổi với vẻ mặt khắc khổ.

Hỏi ra mới biết chị là “khách hàng” của khu trọ này. Chị vừa đưa con điều trị hóa chất trong Viện Nhi Trung ương về. Bước vào khu trọ, chúng tôi ngỡ ngàng vì cái được gọi là khu trọ lại tuềnh toàng và chật chội đến vậy.

Phòng chưa đầy 15m2, kê phản chật kín, chỉ chừa một khoảng nhỏ chừng một người đi vừa. Dăm chiếc chăn mỏng, cùng vài cái gối, vài ba bộ quần áo treo trên cái giá tạm bợ.

Chị Nguyễn Thị Lan (Thanh Hóa) bảo: “Chúng tôi chỉ cần chỗ đặt lưng, không phải nằm ghế đá hay hành lang bệnh viện lúc mưa gió. Tiền có thì dành để mua thuốc cho con, chứ lấy đâu mà ở khu rộng rãi”.

Tết tha hương của những đứa trẻ mang bệnh hiểm nghèo - 1

Thằng bé mắt trong veo, nhưng có vẻ mệt mỏi, nằm im trong vòng tay mẹ. Chắc biết mẹ vất vả, nên dù đau nhưng bé không khóc.

Vừa ôm con, chị bảo: “Cháu bị ung thư máu, mỗi tuần ba lần vào viện truyền hóa chất. Trước kia được điều trị nội trú, nhưng cháu không thể nằm mãi trong viện được nên phải nhường giường bệnh cho người khác. Quê tôi ở Thanh Hóa, mỗi lần đi đi về về, tiền xe đã hết mấy trăm, thôi thì tá túc tạm nơi đây, chứ cứ đi đi về về thì tốn gấp mấy”.

Giá thuê phòng trọ là 15.000 đồng/ngày/người (bao gồm cả điện nước) cũng chật vật với những người như chị Lan. Bởi sống ở Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ, phải cân nhắc, tằn tiện từng đồng.

Chị Lan cho biết, hai năm nay gia đình không còn quây quần trong ngày Tết nữa, giờ mẹ con chị nằm ở nhà trọ đón giao thừa và ăn Tết.

Lại thêm một cái Tết xa nhà của mẹ con chị. “Nhưng biết làm sao, cũng vì sức khỏe của con. Muốn về nhà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng sợ khi về, cháu bị làm sao thì lại ân hận” – chị Lan nghẹn lời.

Tại xóm trọ nhỏ này, hàng chục người có hoàn cảnh tương tự, nhiều em nhỏ vừa mới xong ca chạy thận.

Ở đây mỗi mảnh đời lại có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều không giấu nổi vẻ mệt mỏi và bùi ngùi khi nhắc đến Tết.

Cháu Trần Thị Lan Hương (14 tuổi, Hà Tĩnh) bị bệnh suy thận thận mãn tính. Bệnh của Hương được phát hiện cách đây 4 năm.

Đây là cái tết thứ 2 xa nhà của Hương. Năm nay, em 14 tuổi nhưng cân nặng chưa đầy 30kg. Bệnh nặng, Hương phải nghỉ học để điều trị. Hai năm nằm viện cũng là hàng trăm đợt em phải lọc máu.

Đôi mắt của Hương cứ thế ngấn lệ khi chúng tôi hỏi: “Sắp đến Tết rồi, em mong ước điều gì nhất”.

“Em chỉ mong được về quê ăn Tết cùng bố và các em. Em cũng mong mình khỏi bệnh, để bố mẹ đỡ vất vả”.

Ngước ánh mắt ra phía cửa, em nói tiếp: “Em cũng muốn đi học, để đền đáp công lao của bố mẹ”.

Chị Nguyễn Thị Loan, (mẹ cháu Hương) kể: Bệnh của Hương ở tuyến tỉnh không thể xử lý. Hai mẹ con nằm ở nhà trọ, 2 ngày vào viện lọc máu một lần. Lẩm nhẩm tính, chị cho biết, tiền ăn, tiền ở, tiền thuốc điều trị, hết khoảng 10 triệu/1 tháng.

Nghe con gái nói những lời này, chị Loan cũng ứa nước mắt ôm con vào lòng, đứa con gái tội nghiệp của chị khiến chị phải gầy và già đi nhiều so với tuổi, nhưng trong tâm nguyện, chị vẫn mong được gánh đau đớn của con, để bệnh tật đừng phá tan giấc mơ của con.

“Tết này, mặc dù không có điều kiện, nhưng chị Loan cũng dành dụm để mua cho em bộ quần áo mới”, người mẹ gầy gò lạc giọng.

Tết tha hương của những đứa trẻ mang bệnh hiểm nghèo - 2

Những ông bố, bà mẹ, ngồi đếm từng giờ trong nhà trọ

Cũng là “khách ruột” của nhà trọ trong ngõ nhỏ ở gần Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu Ngô Quỳnh Phương (2 tuổi, Thanh Hóa) bị ung thư máu với cái đầu trọc lóc.

Không còn đủ sức dù chỉ nhếch một nụ cười, Phương nằm lăn lóc, thỉnh thoáng cố nhướng đôi mắt nhìn chúng tôi. Chị Nguyễn Thị Trang chia sẻ, Tết đến, chị hy vọng con sẽ không còn đau đớn bởi kim tiêm, hóa chất. Chị sẽ cố xin cho cháu về nhà sum vầy cùng gia đình trong dịp Tết.

Chị Trang cho biết: “Tết là dịp để sum vầy nhưng với những gia đình đang có con mắc bệnh nặng như chúng tôi, Tết lại đầy buồn tủi. Tôi lặng lẽ ngồi đếm từng giờ, từng khắc chờ đợi ngày Tết trôi qua để phố phường trở về sự ồn ào, đông đúc vốn có”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN