Tết lạc quan của người vợ hiến tạng chồng cứu 4 người, từ chối vào hộ nghèo

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Chị Hòa cho biết, ngày cuối cùng của năm, 3 mẹ con chị sẽ dọn dẹp lại nhà cửa, nấu cơm và cùng nhau đón năm mới.

Chị Hòa hiến tạng chồng cứu 4 người xa lạ

Chị Hòa hiến tạng chồng cứu 4 người xa lạ

3 mẹ con cùng nhau đón Tết

Anh Đặng Trịnh Bộ (43 tuổi, ở xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) không may bị tai nạn giao thông khi đang đi chở hàng thuê vào cuối tháng 8/2023. Sau đó, anh Bộ được chuyển đến Bệnh viện Nông Nghiệp cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán anh bị xuất huyết não, tim đã ngừng đập. Đột ngột nhận tin giữ, chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi) cố giữ bình tĩnh, nén nỗi đau, vượt lên điều tiếng, chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để xin được hiến tạng của chồng. Trái tim, lá gan và 2 quả thận của anh Bộ đã được ghép và cứu sống 4 bệnh nhân khác.

Sau gần 5 tháng rời xa chồng, chị Hòa tinh thần cũng ổn định hơn, chị đã quay trở lại cuộc sống, tiếp tục làm việc và nuôi 2 con.

Cuối năm, không khí Tết tràn ngập đường quê, nhà nhà tất bật để chuẩn bị chào đón năm mới. Gia đình chị Hòa cũng không ngoại lệ.

Chị Hòa kể, chị vừa mới xin việc vào một công ty đi làm giờ hành chính (từ sáng đến 5h chiều) được 1 tuần nay, công việc chủ yếu là lau chùi, dọn dẹp.

“Tôi rất vui vì tìm được công việc phù hợp và có một khoản lương cố định để chăm lo cho các con. Hôm nào được nghỉ hay hết giờ làm tôi vẫn tranh thủ đi lượm ve chai. Tôi sẽ cố gắng thực hiện lời hứa thay anh ấy chăm các con”, người phụ nữ 38 tuổi nói.

Tết lạc quan của người vợ hiến tạng chồng cứu 4 người, từ chối vào hộ nghèo - 2

Những lúc rảnh hay cuối tuần chị vẫn tranh thủ đi nhặt ve chai

Những lúc rảnh hay cuối tuần chị vẫn tranh thủ đi nhặt ve chai

Chia sẻ về Tết Giáp Thìn, chị cho hay, những ngày cuối năm, tranh thủ lúc rảnh ai thuê gì chị cũng nhận. Cố gắng sắm cho các con có bộ quần áo mới đón Tết. Năm nay vắng chồng, 3 mẹ con chị cũng ăn Tết đơn giản.

“Tôi gói ít bánh chưng, mua cân thịt, khoanh giò về mấy mẹ con cùng ăn. Đào đã có sẵn ngoài vườn, chỉ việc đem vào nhà trang trí thôi. Tết bây giờ không cầu kì, phức tạp như trước”, chị Hòa nói.

Chị bảo, chị luôn lạc quan trong cuộc sống, vì chị còn 2 con là điểm tựa. Chị đi làm đến sát Tết mới nghỉ, ngày cuối cùng của năm, 3 mẹ con sẽ dọn dẹp lại nhà cửa, nấu cơm và cùng nhau đón năm mới. Chị sẽ có phần thưởng nhỏ động viên các con cố gắng học hành trong năm tới.

Cho đi là còn mãi

Nhắc về người chồng quá cố, chị Hòa kể, anh Bộ là người khuyết tật, nhưng rất chịu khó. Hằng ngày, anh lái xe ba gác từ xã Quất Động (huyện Thường Tín) vào trung tâm TP Hà Nội, chở hàng thuê.

Những giấy khen của anh Bộ

Những giấy khen của anh Bộ

“Năm 2006, tôi và anh ấy quen nhau, khi tôi đang đi làm giúp việc ở trên phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Lúc đó, tôi bán giúp chị chủ nhà tấm pallet gỗ và có gọi xe của anh ấy”, chị Hòa nhớ lại lần gặp nhau đầu tiên giữa mình và chồng.

Thấy người đàn ông chân tay lành lặn chỉ ngồi trên xe, không xuống phụ giúp nâng đồ, chị trách móc. Nhưng khi thấy anh Bộ đi xuống, lưng cong gập, chị Hòa mới biết đã hiểu nhầm anh. Kể từ đó, chị dần có thiện cảm với người đàn ông này.

Quen anh Bộ, chị cũng không giấu hoàn cảnh của mình, mẹ bỏ đi khi chị mới được 3 tuổi, bố bị mù lòa, tâm thần. 15 tuổi, chị đã từ Sóc Sơn vào trung tâm Hà Nội để làm giúp việc và nhặt ve chai. Hiểu hoàn cảnh của chị, anh Bộ lại càng thương chị hơn. Từ đó, cả hai quyết định tìm hiểu nhau.

Hai năm sau, họ về chung một nhà, chị Hòa chuyển đến sống trong căn nhà nhỏ ở xã Quất Động của gia đình anh Bộ. Mỗi sáng, anh Bộ chạy xe ba gác chở rau thuê, được 100.000 đồng/chuyến, hôm nào nhiều thì 150.000 đồng. Còn chị Hòa đi xe buýt lên Hà Nội làm giúp việc, nhặt ve chai.

Chị Hòa luôn sống lạc quan, để nuôi 2 con thay chồng

Chị Hòa luôn sống lạc quan, để nuôi 2 con thay chồng

Năm 2011, sau khi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng anh Bộ vay mượn thêm, xây căn nhà 1 tầng. Một năm sau, chị Hòa đón bố đẻ từ bệnh viện tâm thần về phụng dưỡng.

Đến năm 2015, khi con trai lên 3 tuổi, chị Hòa bị sụt cân nghiêm trọng. Đi thăm khám bác sĩ thông báo, chị mắc ung thư tuyến giáp, giai đoạn 1. Không buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, tháng 6/2023, chị Hòa phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ. Hai tháng sau, chị xạ trị.

“Ngày tôi đang điều trị ở bệnh viện cũng là ngày anh ấy bỏ 3 mẹ con tôi, chẳng kịp dặn dò gì”, chị Hòa chia sẻ.

Quyết định hiến tạng chồng cứu người, có người thân nói chị làm vậy anh ra đi không nguyên vẹn và đau đớn. Chị mỉm cười nói, đó là tâm nguyện khi còn sống của anh, nếu ai cũng nghĩ thế, thì ai sẽ cứu những người bệnh mòn mỏi chờ ghép tạng?.

"Cho đi là còn mãi. Anh ấy vẫn tiếp tục sống cùng tôi và các con, theo một cách thật đặc biệt", chị Hòa tâm sự.

Chị Hòa cũng đăng ký hiến tạng.

Chị Hòa cũng đăng ký hiến tạng.

Chồng mất, thấy hoàn cảnh chị Hòa khó khăn lại bệnh tật, thôn vận động chị làm đơn xin vào hộ nghèo nhưng chị kiên quyết từ chối. Chị bảo, nhường suất đó cho những người kém may mắn hơn, chị chỉ xin giảm học phí cho 2 con đang học lớp 6 và lớp 7.

“Tôi có nhà có cửa, có ruộng, còn sức khoẻ tôi vẫn đi làm kiếm tiền nuôi các con được”, chị nói.

Các con chị cũng ý thức về ý nghĩa việc hiến tạng của bố và vẫn hay nhắc về bố như một niềm tự hào to lớn nhất!

Bà Tuyết cho biết, do nhà chật nên năm nay bà không mua cành đào để bày biện mà sẽ mua cho hai cháu bộ quần áo mới đón Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Na ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN