Tết Hàn Thực: Cả nhà ngồi nặn bánh trôi
Hôm nay - ngày Tết Hàn Thực (mùng 3/3 âm lịch), trên khắp các con phố của Thủ đô Hà Nội, người dân lại nhộn nhịp làm bánh trôi, bánh chay.
Trong không khí se lạnh của cái rét Nàng Bân của Thủ đô, trên tuyến phố Hàng Gai, Hàng Điếu, Yên Thái… nhiều người dân lại tấp nập mua bán bột nếp, đường phèn, đậu xanh để chuẩn bị cho ngày “tết bánh trôi bánh chay”.
Bà Nguyễn Thị Hằng (54 tuổi, ở phố Hàng Da) cho biết: Hôm nay là ngày lễ Hàn Thực nên bà đã dậy từ sớm đi mua 2kg bột và nguyên liệu phụ trợ để làm món bánh trôi, bánh chay đặt lên bàn thờ cúng gia tiên.
“Hơn chục năm nay, cứ đến ngày này, tôi lại làm 2 món bánh trôi, bánh chay với mong muốn tưởng nhớ về tổ tiên và cũng là để gia đình sum vầy”, bà Hằng nói.
Nhiều người dân mua bánh thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết Hàn Thực
Cầm trên tay túi bột gạo nếp vừa mua, anh Nguyễn Hữu Mạnh (phố Hàng Nón) chia sẻ: “Hôm nay vợ đi làm sớm nên tôi mua bột về để tối cả gia đình cùng làm món bánh trôi, bánh chay. Dù gia đình có hơi bận, nhưng khi làm bánh ở nhà, các con sẽ thấy háo hức và hồi hộp chờ ăn bánh hơn”.
Trên con phố Yên Thái (phường Hàng Gai), nhiều gia đình còn huy động cả nhà tham gia làm bánh trôi, bánh chay bán cho người dân. Tại đây, những sản phẩm bánh trôi bánh chay vừa vớt ra đĩa đã được khách mua ngay.
Chị Mai, chủ một cửa hàng trên phố Yên Thái cho hay, là ngày lễ, biết sẽ đông khách, chị đã huy động 4 người thân trong gia đình tham gia làm bánh. Tuy vậy vẫn không kịp làm bánh để bán.
“Đầu giờ sáng, người dân đến mua đông nghẹt. Mỗi người thường mua một cặp bánh trôi, bánh chay. Sau buổi sáng, tôi bán được hơn 50kg bột nếp nặn ra thành phẩm”, chị Mai nói.
Bánh trôi, bánh chay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở Việt Nam, hai loại bánh này thường xuất hiện vào dịp Tết Hàn Thực (ngày 3/3 âm lịch hàng năm). Với mong muốn tưởng nhớ về những người đã khuất, đồng thời lưu giữ phong tục cổ truyền, người dân thường làm 2 loại bánh này đặt lên bàn thờ gia tiên và sau đó "thụ lộc". |
Theo chị Mai, bánh trôi, bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn Thực của người Việt. Những ngày này, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè. Tại một số vùng ngoại thành Hà Nội, người dân còn làm bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên.
Bánh trôi, bánh chay là loại bánh dễ làm, nhưng để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ. Gạo làm bánh phải kén được nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 hoặc 9 phần nếp với 1 đến 2 phần gạo tẻ. Nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, với những miếng đường đỏ thắm, rắn đanh, hương thơm mát.
Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước sôi để nguội cho săn trở lại rồi mới vớt ra, bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm hạt vừng trắng rang thơm ngậy.
Dù cuộc sống bận rộn, nhưng trong ngày Tết Hàn Thực, nhiều gia đình vẫn không quên những món bánh đặc trưng này.
Một số hình ảnh ghi lại trong ngày "tết bánh trôi, bánh chay":
Bột nếp để làm bánh trôi, bánh chay
Đậu xanh dùng làm nhân bánh chay
Nhân đường phên cho bánh trôi
Đông khách mua, chị Mai (phố Yên Thái) huy động tới 4 người thân làm bánh bán
Bé Tuấn Anh, 6 tuổi cũng tham gia làm bánh giúp mẹ ở cửa hàng trên phố Hàng Điếu
Bánh luộc xong vớt ra để nguội và bán cho khách
Cho vừng rắc lên bánh trôi đã chín
Bà Chính ở Phố Hàng Điếu mua bánh bày cúng tổ tiên
Khách nước ngoài ăn bánh trôi trên phố
Bánh trôi bánh chay sau công đoạn chế biến thành phẩm