Tết dè sẻn sau một năm đại dịch COVID-19 hoành hành

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nhiều gia đình phải lên kế hoạch, thắt chặt chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhiều người bỏ phố về quê vì không bám trụ được sau những ngày tháng phong tỏa. Ảnh NLĐ

Nhiều người bỏ phố về quê vì không bám trụ được sau những ngày tháng phong tỏa. Ảnh NLĐ

Đại dịch tác động đến mọi mặt của đời sống

Năm 2021 vừa qua đi, để lại sau nó là những ký ức về một năm của đau thương, mất mát, kinh tế buồn… do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân do dịch bệnh. Những người ở lại lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bởi đại dịch với các biến chủng mới vẫn còn len lỏi đâu đó trong xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố từng là tâm dịch với hàng trăm ngàn, hàng triệu ca nhiễm. Việc phong tỏa, giãn cách xã hội để kiềm chế, dập dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như cuộc sống của người dân.

Những cuộc di dân rầm rộ từ thành thị về quê diễn ra từ Bắc vào Nam. Hàng ngàn người không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt chạy xe máy hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc, từ Bắc về Nam, về Trung… vì không còn đủ tiềm lực tài chính để bám trụ nơi xứ người.

Trong bối cảnh, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với các biến chủng mới thì Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến. Trên mạng xã hội nhiều người bình luận rằng, Tết này còn sống là may rồi, không nói gì đến ăn Tết to hay nhỏ. Câu nói nửa đùa, nửa thật ấy khiến người ta phải suy ngẫm.

Quả thực, dịch bệnh đã tác động quá lớn đến đời sống của nhiều người dân, nhất là những người làm công ăn lương, người lao động nghèo, lao động tự do… Vừa lo phòng, chống dịch vừa phải lo kinh tế. Dù đã được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm, hỗ trợ nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng lên nhiều tầng lớp người.

Dịch COVID-19 khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa

Dịch COVID-19 khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa

Thắt chặt chi tiêu dịp Tết

Chị Nguyễn Thị Hiên trú tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm vừa qua chị phải 2 lần “nhảy việc” do bị công ty nợ lương. Từ một nhân viên kinh doanh lương tháng hàng chục triệu đồng, hiện chị làm công việc trái nghề, đó là kế toán với mức lương gần 6 triệu đồng. 

Chồng chị Hiên, anh Hà Trọng Hùng – một kỹ sư điện nước cũng phải ở nhà nhiều tháng trời trông con do các công trình của công ty anh phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các nguồn thu nhập của gia đình bị suy giảm nên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vợ chồng anh chị quyết định không về quê ăn Tết.

“Năm nay là năm đầu tiên tôi không về quê ăn Tết. Ở lại thành phố vừa tiết kiệm được một khoản chi phí đi lại, vừa có cơ hội tìm thêm việc làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, chị Hiên tâm sự.

Mọi chi tiêu trong gia đình cũng được chị Hiên thắt chặt hơn. Chị không còn mua sắm nhiều như những năm trước mà cân nhắc những thứ gì thật cần thiết mới mua. Điều đó giúp gia đình chị tiết kiệm được một khoản kha khá so với mọi năm.

Chị Triệu Thị Hân – công nhân một khu công nghiệp ở Bắc Giang cũng cho hay, trong đợt dịch vừa qua, chị phải nghỉ việc tạm thời 4-5 tháng. Số tiền 2 vợ chồng chị dành dụm được mấy năm qua dần cạn kiệt nên việc mua sắm dịp Tết cũng phải tính toán đủ đường.

“Thịt, giò, bánh chưng thì Tết không thể thiếu nên gia đình tôi vẫn mua nhưng số lượng vừa đủ chứ không nhiều như các năm trước. Khoản quần áo mới cho bố mẹ năm nay cắt hết, tôi chỉ mua cho các con mỗi đứa bộ quần áo mới để các cháu vui vẻ”, chị Hân tâm sự.

Chị Hân nói thêm, dịp Tết năm nay, chị chỉ nghỉ ngày mùng 1 còn đăng ký tăng ca đi làm ngày mùng 2, mùng 3 tại công ty. Chị bộc bạch: “Ngày Tết, mọi người ở nhà quây quần với gia đình, mình phải đi làm cũng tủi thân lắm nhưng thu nhập ngày Tết cao hơn, nghĩ đến con, nghĩ đến gia đình tôi phải tự động viên bản thân”.

Còn chị Lê Thu Huyền (quê Thanh Hóa), chủ một shop quần áo trên đường Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, do dịch COVID-19 nên cửa hàng chị gần như đóng cửa cả năm, cộng thêm sinh viên, người lao động về quê nhiều nên hàng ế ẩm.

Trong khi đó, tiền thuê cửa hàng và nhân viên chị Huyền vẫn phải trả hằng tháng. Cầm cự được đến gần cuối năm, chị quyết định trả cửa hàng, thanh lý quần áo và đi làm văn phòng với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng.

Trước khi về quê ăn Tết, chị Huyền tất bật đi đổi tiền lẻ. Chị tâm sự: “Mọi năm làm ăn được, Tết về quê mừng tuổi các cháu ít thì cũng 20 ngàn, 50 ngàn… năm nay, cửa hàng lỗ vốn, tôi chỉ đổi tiền 10 ngàn, 20 ngàn về mừng tuổi các cháu. Chỉ lo mừng tuổi ít đi, các cháu chê ít thì xấu hổ lắm.

Hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ được khống chế để việc làm ăn, buôn bán của người dân được trở lại bình thường”.

Đó có lẽ không chỉ là mong ước của riêng chị Huyền, mà của rất nhiều người. Dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Việc tiêm phòng vắc xin được bao phủ đang mở ra cơ hội mới cho nhiều người.

Ngày cuối năm, Hà Nội ghi nhận thêm 2.724 ca mắc COVID-19 

Tối 31/1 (29 Tết Nguyên đán), Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 2.724 ca mắc COVID-19, trong đó có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN