Tết đảo xa của những người gác luồng biển
Ngày 29-30 Tết là những chiếc tàu hàng cuối cùng về nghỉ ngơi. Có năm cả trạm còn hai người ở lại trực.
Trưởng trạm QLĐT nội địa Ba Mom Nguyễn Văn Tính quan sát những chuyến tàu hàng cuối năm.
Đảo nhỏ không có dân, chỉ có mấy anh em trực bảo đảm luồng tuyến. Khi những chiếc tàu hàng cuối cùng về nghỉ Tết đi ngang đảo, người trên tàu vẫy tay chào: “Ở lại đảo ăn Tết vui vẻ”, anh em càng rưng rưng nỗi nhớ nhà.
Tuyến luồng“đầu sóng, ngọn gió”
Ngày cuối năm, chúng tôi đón đò máy để lên tàu kiểm tra luồng tuyến của Trạm Quản lý đường thủy nội địa đảo Thắng Lợi (Vân Đồn, Quảng Ninh, thuộc Công ty CP Quản lý đường sông số 3) đang neo làm nhiệm vụ bảo dưỡng cột đèn tại Km2 khu vực Vũng Đục, Cẩm Phả. Trong cơn gió bấc mang theo lạnh giá từ biển, những chiếc tàu hàng, tàu khách, tàu đánh cá và dân sinh đi lại qua đây đã có thêm các mặt hàng Tết, được đưa từ bờ ra phục vụ người dân các xã đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô.
Trạm trưởng Phạm Văn Vinh chia sẻ, anh em của trạm đang trên đường kiểm tra, bảo dưỡng phao tiêu, báo hiệu toàn tuyến và đây là điểm đón gần bờ thuận tiện nhất. “Năm nào trước khi anh em nghỉ đón Tết Nguyên đán, chúng tôi cũng phải “làm một vòng” để sơn sửa báo hiệu, kiểm tra luồng tuyến phục vụ tàu thuyền đi lại an toàn”, anh Vinh nói và cho biết, trụ sở của trạm nằm ở đảo Thắng Lợi, cách bờ khoảng một giờ đi tàu.
Trạm trưởng Phạm Văn Vinh cho biết, trạm gồm 5 người, có nhiệm vụ quản lý, bảo trì hơn 70km luồng tuyến đường thủy quốc gia đi qua khu vực các đảo như: Quan Lạn, Ngọc Vừng, Cô Tô. Nơi đây quanh năm sóng gió khắc nghiệt, nhất là 18km luồng từ Cửa Đối ra đảo Cô Tô, nơi thường có những con sóng bạc đầu làm không ít khách đi du lịch đảo Cô Tô mệt lử vì tàu nghiêng ngả, lắc lư. Đây có lẽ cũng là luồng đường thủy “đầu sóng, ngọn gió” nhất trong hệ thống đường thủy quốc gia.
Hai công nhân tên Hùng và Hưng góp chuyện: “Ai lần đầu công tác tại trạm mà không bị say sóng mới lạ. Bọn em khi mới đến đều vài lần nôn thốc, nôn tháo, mật xanh mật vàng”.
Trên suốt hành trình ra trụ sở trạm, tôi để ý thấy mỗi khi tàu cập vào các cụm đá nhỏ anh em đều neo tàu chắc chắn, nhịp nhàng hỗ trợ vận chuyển đồ nghề, vật tư, thiết bị để bảo trì các cột báo hiệu đều nằm trên vách đá. “Chiếc cột này cao 4,5m gió đã thổi tung áo thế kia, có những cột báo hiệu cao 15,7m đấy. Chỉ cần chủ quan sẽ rơi mất đồ nghề, để tàu va quệt vào đá lẻ, thậm chí tai nạn”, Trạm trưởng Vinh cho biết.
Tết trên đảo... không dân
Hỏi chuyện trực đón Tết trên đảo, anh em trạm Thắng Lợi bảo, trước kia thiếu thốn đủ bề nhưng từ năm 2014 đến nay, điện lưới đã được kéo ra đảo nên đã đỡ hơn nhiều.
Trong ba trạm quản lý bảo trì của công ty là Ba Mom (TX Quảng Yên), Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), Vĩnh Thực (TP Móng Cái), thì chỉ có trạm Ba Mom là thiệt thòi nhất vì trên đảo không có dân cư, lại chưa có điện lưới.
Đến trụ sở Trạm Quản lý đường thủy đảo Ba Mom mới thấy cuộc sống của anh em “nhà đèn” nơi đây biệt lập với bên ngoài. Trên hòn đảo nhỏ, chỉ ngôi nhà trạm hai tầng đã được xây dựng từ cách đây hơn nửa thế kỷ với 5 - 7 người ở. Hàng ngày, anh em ngoài những lúc trên tàu chỉ quanh quẩn trong mấy trăm mét vuông nhà trạm hoặc chèo mủng đi thăm mấy gia đình làm thuyền chài, nuôi cá lồng gần đó. Anh em mỗi người một quê, thường một vài tháng mới về nhà một lần. Ai được về nhà nghỉ phép phải hẹn trước tàu khách tuyến Cát Hải - Hòn Gai chạy qua trạm, rồi chèo mủng ra đón.
Nói như trạm trưởng Nguyễn Văn Tính: “Công việc nào cũng có đặc thù, ở Ba Mom cũng thế nhưng nói thật, mấy anh em chưa vợ nếu cứ ở “chặt” đây lâu quá chắc khó lấy được vợ”.
Kể chuyện trực và đón Tết trên đảo, Trạm trưởng Nguyễn Văn Tính nói: “Năm nào anh em ở lại trực cũng góp gạo với 3-4 gia đình thuyền chài gần đó, tìm vách núi nào bằng phẳng nấu bánh, cùng ăn chung bữa Tất niên. Anh em ở đảo luôn được lãnh đạo đơn vị ưu tiên đến thăm hỏi trước Tết. Đêm Giao thừa lãnh đạo công ty đều gọi điện chúc mừng và động viên anh em làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông ngày Tết”.
Hơn nửa thế kỷ qua, đã có hàng trăm người làm việc, trực Tết trên đảo Ba Mom để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy tuyến luồng Ba Mom - Hạ Long. Mỗi khi nhắc kỷ niệm ngày trực Tết trên đảo, những người từng có thời gian hàng chục năm công tác tại đảo như Trạm trưởng Tính vẫn ngậm ngùi.
“Ngày 29 - 30 Tết là những chiếc tàu hàng cuối cùng về nghỉ ngơi. Có năm cả trạm còn hai người ở lại trực. Buổi chiều vắng vẻ, anh em đứng ra hành lang nhà trạm nhìn xuống biển, có lúc gặp tàu người quen đi qua vẫy tay chào và chúc “ở lại ăn Tết vui vẻ” lại càng thấy rưng rưng nỗi nhớ nhà”, anh Tính kể.