Tết của người cha nuôi nấng những con “ma rừng”
Không cần quần áo mới, không cần tiền lì xì… những đứa trẻ bất hạnh chỉ ước một lần được sum họp bên những người thân yêu, được quây quần bên mâm cơm ấm cúng.
Người nuôi nấng “con ma rừng”
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm căn nhà của ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nằm cuối con đường đất bụi mù. Ông Nhật là người đã dành cả “thanh xuân” để chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 100 đứa trẻ bất hạnh.
Khi chúng tôi đến, ông Nhật đang cùng các con đang hối hả dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Mỗi người một việc, mỗi người một tay làm cho không khí càng thêm rộn rã.
Ông Nhật quây quần bên đàn con
Nhiều năm nay, ông Đinh Minh Nhật đã mở rộng vòng tay, cưu mang, nuôi nấng những “con ma rừng” bất hạnh. Ông nhật kể rằng, khoảng 11 năm về trước, trong một lần đến ngôi làng vùng sâu chơi, tận mắt ông chứng kiến một bé gái mất mẹ khi vừa chào đời. Dân làng định đem chôn sống theo hủ tục bao đời nay của người Jarai. Họ cho rằng những đứa trẻ bất hạnh đó là “con ma rừng”, nó đã khiến mẹ chết, nếu để lại, “con ma rừng” ấy sẽ hại cả buôn làng.
Không muốn đứa bé chết oan uổng, ông Nhật chịu phạt vạ cho làng để ôm đứa bé về nuôi nấng. Những ngày đầu làm bố, ông Nhật phải chạy vạy khắp nơi để xin sữa cho đứa bé đỏ hỏn. “Con ma rừng” bất hạnh ấy được ông Nhật đặt cho cái tên Đinh Hồng Phúc với mong muốn con gặp được may mắn, hạnh phúc trong phần đời còn lại.
Cũng trong năm đó, ông Nhật lại gặp “Thúi”, một đứa trẻ sinh ra không có hậu môn, cơ thể luôn có mùi nên bị người thân bỏ lại ở hố rác ven đường. Khi ông Nhật phát hiện ra “Thúi” thì người “Thúi” đã tái nhợt, ruồi bu khắp cơ thể, nằm thoi thóp trong tấm chăn mỏng, khó có thể giữ được mạng sống.
Sau đó, ông đưa đứa trẻ về rồi tất tả xuống TP HCM để chữa trị. Tại đây, “Thúi” được phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông, các bác sĩ còn phát hiện “Thúi” mắc bệnh Down không thể tự sinh hoạt hay nhận thức được gì. Tuy nhiên, ông Nhật không mảy may suy nghĩ mà chỉ biết rằng phải cứu bằng được, mặc dù con khiếm khuyết nhưng vẫn là một con người.
Thời gian rảnh rỗi, ông Nhật dạy học cho những người con của mình
Không chỉ có Phúc, “Thúi” ,tất cả 106 đứa trẻ đang sống với ông mỗi cháu đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Có cháu bị bố mẹ bỏ rơi, có cháu vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình không thể chăm sóc được nên cha nhận về nuôi và cho đi học.
Với ông Nhật, mỗi người con đến sống với cha là một mảnh đời, một câu chuyện khác nhau. Ông chỉ mong mình có sức khỏe để có thể chăm sóc các con nên người.
Không có tiền sắm tết
Vào dịp tết đến, xuân về, như bao người khác, lũ trẻ ở đây cũng mong được quây quần bên gia đình mình gói bánh chưng và được cùng cha mẹ đi du xuân, nhận lì xì. Thế nhưng, những đứa trẻ bất hạnh ấy làm gì có cha mẹ, gia đình. Hai chữ đoàn viên đối với các em dường như là giấc mơ chập chờn mỗi tối.
“Những đứa trẻ ở đây đều có hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, các con đều thiếu tình thương của gia đình. Tết lại là dịp để gia đình sum vầy, quây quần bên nhau nên mình muốn các con cũng được trọn vẹn niềm vui đó.”, ông Nhật tâm sự.
Khi thấy bạn bè được bố mẹ dẫn đi chơi, mua sắm quần áo, tụi nhỏ cũng tủi thân lắm. Có đứa ôm chân ông khóc mà nói: “Con không cần quần áo mới cũng được, con chỉ cần được bố mẹ dẫn đi chơi Tết. Chỉ cần được biết bố mẹ là ai thôi”. Mỗi lần như vậy, ông Nhật xót xa vô cùng. Ông chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà an ủi lũ nhỏ.
Tết cận kề, lũ trẻ phụ giúp ông Nhật dọn dẹp lại nhà cửa
Để các con bớt tủi thân, cứ đến gần tết, ông Nhật lại tổ chức cho lũ trẻ tập gói bánh và nấu bánh chưng. Tụi nhỏ phân công nhau, đứa đi xin lá chuối, đứa vo gạo, chẻ lạt. Tiếng í ới, rộn ràng làm cho không khí tết thêm chộn rộn.
“Mình hay kể chuyện, tâm sự với các con. Bên cạnh đó, tạo cho chúng những công việc mang tính tập thể trong gia đình. Từ đó các con sẽ cảm nhận được tình cảm gia đình ở đây, vơi bớt nỗi nhớ mong về gia đình ruột thịt. Mình chỉ biết dành hết tình cảm chăm sóc dạy dỗ các con, để bù đắp nỗi trống vắng trong các con. Hy vọng mình có nhiều sức khỏe để có thể lo cho các con có cuộc sống tốt đẹp...”, ông Nhật chợt bỏ lửng câu nói rồi nhìn ra phía cửa nhà.
Sao không buồn cho được khi cái tết đang gần kề, cũng là lúc lòng ông Nhật rối như tơ vò. Hơn 100 đứa trẻ là hơn 100 cái miệng ăn, chuyện ăn uống sinh hoạt hằng ngày đã khó chứ nói gì đến chuyện sắm tết.
“Tôi đã nuôi nấng hàng chục đứa con, hơn ai hết tôi biết rõ nỗi khổ tâm của chúng. Tôi chỉ ước không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi, mất cha, mẹ nữa. Thực sự bây giờ tôi đã có tuổi rồi, không còn sức để nhận nuôi các con được nữa…”, ông Nhật tâm sự, những giọt nắng chiều rọi xuống mái tóc muối tiêu của người đàn ông đã ở bên kia con dốc cuộc đời.
Ông Nguyễn Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Ia H’lốp cho biết, ông Đinh Minh Nhật đã nhận nuôi hơn 100 đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh khác nhau, có cháu bị bố mẹ bỏ, có cháu hoàn cảnh gia đình khó khăn... Theo vị chủ tịch xã, ông Nhật là một tấm gương người tốt, việc tốt. Nhờ có ông nên nhiều đứa trẻ bất hạnh được đến trường học con chữ. Do đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ để các em thuận lợi cho việc đến trường. Bên cạnh đó cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho ông Nhật và các cháu trong những dịp lễ, Tết. |
Nước mắt chảy trên gò má vốn đã sạm đi vì khổ cực, chị Hải dù vui mừng vì năm nay có lẽ là cái Tết no đủ nhất...
Nguồn: [Link nguồn]