Tè bậy giữa đường: Không có nhà vệ sinh thì "đi" vào đâu?

Sự kiện: Thời sự

“Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có nhà vệ sinh công cộng thì người dân biết đi vào đâu?”, GS.TS, Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Tè bậy giữa đường: Không có nhà vệ sinh thì "đi" vào đâu? - 1

Hình ảnh một người đàn ông tè bậy giữa phố lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Bộ Y tế vừa cho biết, hiện Việt Nam vẫn còn hơn 5 triệu người phóng uế bừa bãi ra môi trường. Điều này gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều biển tự chế "cấm đái bậy" chứng tỏ nhiều người, nhiều nơi xảy ra hành vi này.

Tại Hà Nội, trong thời gian qua, hình ảnh người tham gia giao thông thản nhiên đứng “tè bậy” giữa đường đông người vẫn liên tục xuất hiện.

Cách đây không lâu, một người đàn ông đỗ xe ô tô ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội thản nhiên đi vệ sinh vào dải phân cách. Hình ảnh phản cảm này nhanh chóng gây "bão mạng" vì khiến nhiều người bức xúc. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, tìm ra "thủ phạm" và phạt 200.000 đồng.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ thản nhiên ngồi “phóng uế” ở hè đường Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Hình ảnh này tiếp tục khiến dư luận xôn xao và chia sẻ trên mạng xã hội.

Bày tỏ quan điểm về hành vi “tè bậy”, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu Văn Hóa cho rằng, đây là những hành vi không đẹp, tồn tại trong xã hội văn minh.

“Hành vi tè bậy trên đường rất phản văn hóa. Tự những người tè bậy phải biết xấu hổ, vì điều này không những làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn tạo ra hình ảnh xấu cho đô thị. Tôi nghĩ cần xem xét lại chế tài xử phạt ra sao và thực thi nó như thế nào để có thể răn re được người vi phạm ”, GS.Ngô Đức Thịnh nói.

Tuy vậy, theo ông Thịnh, xã hội còn rất nhiều khoảng trống cần phải bù đắp để văn minh tinh thần hoặc lối sống phù hợp kịp với văn minh vật chất. Bởi thực tế, còn quá thiếu nhà vệ sinh công cộng.

“Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có nhà vệ sinh công cộng thì người dân biết đi vào đâu?”, GS Thịnh cho hay.

Vì thế, GS. Ngô Đức Thịnh đề xuất cần phải thiết kế nhà vệ sinh công cộng cho người dân sử dụng, theo một quy chuẩn. Ngoài ra, cần vận động người dân giữ gìn đô thị lành mạnh bằng cách ủng hộ hành vi tốt, loại trừ hành vi xấu, tránh những lời hô hào chung chung. Bên cạnh đó, để hạn chế hành vi tè bậy nơi công cộng, mỗi người nên lựa chọn và học cách ứng xử phù hợp và văn minh nhất.

Tè bậy giữa đường: Không có nhà vệ sinh thì "đi" vào đâu? - 2

GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, cần thiết phải xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng. (Ảnh: Phạm Hải) 

Trong khi đó, Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, “tè bậy” là hậu quả tất yếu của một nền văn minh lúa nước khi ngồi bất cứ chỗ nào từ bụi chuối, bờ tre, gốc cây… đều có thể “tè”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn phân tích, hành động “tè bậy” là một thói quen hình thành từ văn hóa thổ nhưỡng là điều không tránh khỏi. Thói quen đó ai cũng mắc, và ai cũng thông cảm, gật đầu bỏ qua. Tuy nhiên, hiện nay, xã hội văn minh, không còn là lũy tre làng, mà là nhà cao cửa rộng nên không thể giữ mãi thói quen “tè” bừa bãi được.

“Tôi đã từng chứng kiến một chuyện vừa buồn cười vừa thương, đó là có người ngồi tè bậy nhưng lại chỉ cầm ô che mặt chứ không che phần dưới. Điều này chứng tỏ, họ vẫn ý thức được hành vi này là xấu, nên họ xấu hổ”, TS.Trần Hữu Sơn kể.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, thói quen xấu này khó bỏ vì cơ sở hạ tầng chưa đủ tốt, các nhà vệ sinh công cộng còn quá ít, và kém. Nếu người dân tìm mỏi mắt một nhà vệ sinh thì họ sẽ... tiện đâu “tè bậy” ở đó.

Ngoài ra, nên xây dựng ý thức cộng đồng. Nếu làm được như vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề triệt để, tận gốc. Bên cạnh đó, cũng nên xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm đối với người vi phạm nếp sống văn minh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN