Tây Phi: Đối phó Ebola bằng hàng rào, súng đạn

Các nước Tây Phi đã phải áp dụng một biện pháp dập dịch cổ xưa để đối phó với "tử thần" Ebola.

Đại dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi khủng khiếp và vượt tầm kiểm soát tới mức các chính phủ ở đây đã phải áp dụng một chiến thuật đối phó đã không được dùng trong suốt một thế kỷ qua, đó là lập “vành đai vệ sinh”, một hàng rào bao quanh khu vực nhiễm bệnh mà không bất cứ người nào bên trong được phép ra ngoài.

Chiến thuật “hàng rào vệ sinh” từng được sử dụng rất phổ biến trong thời kỳ đại dịch Cái chết Đen thời trung cổ. Lần cuối cùng chiến thuật này được áp dụng là khi biên giới giữa Nga với Ba Lan bị đóng cửa vào năm 1918 để ngăn chặn dịch sốt phát ban lây truyền sang phía tây.

Trong thời kỳ trung cổ, những “hàng rào vệ sinh” khắc nghiệt nhất là nơi nhốt giữ những con người đáng thương, để mặc họ tự vật lộn với tử thần cho đến khi đại dịch qua đi.

Hơn một thế kỷ sau, kế hoạch lập hàng rào vệ sinh mới lại được thông báo vào ngày 1/8 trong một cuộc họp khẩn ở Guinea với sự tham gia của đại diện 3 nước Guinea, Sierra Leone và Liberia, những quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch Ebola.

Tây Phi: Đối phó Ebola bằng hàng rào, súng đạn - 1

Đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người ở Tây Phi

Theo kế hoạch này, ba quốc gia trên sẽ lập hàng rào cách ly một khu vực nằm giữa ngã ba biên giới, nơi xuất hiện 70% số ca nhiễm Ebola bị phát hiện từ trước tới nay.

Từ tuần trước, lực lượng quân đội lăm lăm súng đạn trong tay đã bắt đầu phong tỏa các con đường dẫn vào khu vực này ở Liberia và Sierra Leone. Dịch Ebola bắt đầu xuất hiện ở miền nam Guinea từ tháng 12 năm ngoái nhưng ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên từ tháng Ba tới nay, virus Ebola bắt đầu phát tán với tốc độ khủng khiếp và gây ra đại dịch ở Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chiến thuật hàng rào vệ sinh trên có thể giúp các nước Tây Phi kiểm soát được đại dịch, tuy nhiên họ cũng cảnh báo về nguy cơ biện pháp này bị lạm dụng và khiến các nạn nhân lâm vào thảm cảnh như thời trung cổ.

Các chuyên gia này khẳng định rằng bất cứ biện pháp hàng rào vệ sinh nào cũng phải tạo điều kiện cho hoạt động chăm sóc y tế và cung cấp lương thực, nước uống cho những người bên trong. Bác sĩ Martin Cetron, chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ khẳng định: “Chúng ta không còn sống trong thời kỳ để dịch bệnh tự dập tắt và coi đó là cái giá của việc kiểm soát đại dịch.”

Thuật ngữ “hàng rào vệ sinh” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1821, khi Pháp điều 30.000 binh sĩ tới Pyrenees để ngăn chặn một đợt dịch sốt nguy hiểm không lây lan ra khỏi biên giới Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, hành động lập “hàng rào vệ sinh” tự nguyện đầu tiên lại diễn ra vào năm 1665, khi dân làng Eyam ở nước Anh với dân số 350 người đã tự nguyện đóng cổng làng cách ly với thế giới bên ngoài để chống chọi với bệnh tật.

Người dân ở các làng khác đến giúp họ bằng cách đặt thức ăn ở bên ngoài hàng rào bằng đá do dân làng Eyam dựng lên xung quanh nơi họ ở. Chỉ một phần tư dân số của làng sống sót qua đợt dịch này, nhưng dịch bệnh đã không lan sang nơi khác.

Giờ đây, tại một khu vực rộng lớn ở Sierra Leone có diện tích gần bằng Jamaica, lực lượng quân đội đã dựng lên các chốt kiểm soát để phong tỏa toàn bộ mọi tuyến đường. Binh sĩ kiểm tra chứng minh thư và đo nhiệt độ của bất kỳ người nào tìm cách ra khỏi khu vực này. Liberia cũng đã bắt đầu áp dụng biện pháp tương tự ở Monrovia.

Tây Phi: Đối phó Ebola bằng hàng rào, súng đạn - 2

Các binh sĩ Sierra Leone ôm súng canh gác bên ngoài hàng rào vệ sinh

Người dân trong khu vực hàng rào vệ sinh này đã bắt đầu lo sợ rằng họ sẽ chết vì đói khát, bởi giá lương thực ở đây đã tăng vùn vụt. Rất nhiều nông dân đã chết vì Ebola, trong khi các thương gia không được ra khỏi làng nên không buôn bán được gì. Hiện chính phủ Sierra Leone và Liberia vẫn chưa công bố bất cứ kế hoạch tiếp tế lương thực, thuốc men và nước uống nào.

Kể từ khi virus Ebola bắt đầu được phát hiện ở châu Phi vào năm 1976 đến nay, khu vực này đã chứng kiến sự bùng phát của gần 20 đợt dịch Ebola, và tất cả đều bị dập tắt bằng chiến thuật giống nhau, đó là các chuyên gia y tế của phương Tây tới đây, phối hợp với các nhân viên y tế ở tại để lập các khu cách ly dã chiến điều trị cho bệnh nhân.

Các chuyên gia này cũng giám sát hoạt động chôn cất, khử trùng cho những người thiệt mạng, liên hệ với các nạn nhân còn sống và đưa những người bị ốm vào viện. Họ tự bảo vệ mình bằng găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ, thuốc khử trùng.

Tuy nhiên, lần này đại dịch lây lan với tốc độ nhanh quá mức tưởng tượng ở 3 đất nước liền kề nhau vốn vừa trải qua những cuộc nội chiến đẫm máu. Các nhân viên y tế quốc tế lần này đã tỏ ra bị động và không được trang bị đầy đủ cho đại dịch, khiến một số bác sĩ cũng bị nhiễm bệnh và thiệt mạng.

Sự lây lan khủng khiếp đó đã khiến các chiến thuật khống chế dịch bệnh gần đây trở nên vô tác dụng, và hàng rào vệ sinh được coi là biện pháp cuối cùng để dập dịch. Hy vọng với biện pháp “cổ xưa” này, đại dịch Ebola sẽ được kiểm soát hiệu quả ở Tây Phi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo NYT) ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN