Tây "bênh" người ăn thịt chó
Rất nhiều khách nước ngoài chỉ trích việc ăn thịt chó của người dân các nước châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, chính một số người Tây lại cho rằng quan điểm như thế là áp đặt văn hóa, rằng việc ăn thịt chó không liên quan gì đến đạo đức.
Về vấn đề này, luật sư người Mỹ Dan Haris nêu ý kiến khá thú vị trên trang China Law Blog như sau:
Đầu năm 2011, gia đình tôi đang đi trên con đường ngoại thành Hà Nội thì con gái tôi bảo: “Bố nhìn những con chó kia sắp bị ăn thịt kìa. Eo ơi!”.
Dù không nhìn (vì tôi nghĩ đó là những con chó sống đang bị nhốt trong lồng), tôi cố gắng xoa dịu con gái: “Những con chó đó không phải để ăn, mà để nuôi làm thú cảnh”. Cô con gái 13 tuổi của tôi cười và bảo: “Chúng đã bị quay và cắt đầu đi rồi bố ạ”.
Trên cả quãng đường còn lại, chúng tôi chỉ nói về khía cạnh đạo đức của việc ăn thịt một số động vật và liệu người Mỹ có quyền áp đặt giá trị văn hóa của mình lên những nước khác hay không. Tôi chỉ muốn thảo luận vấn đề này với bọn trẻ, chứ không muốn tìm ra giải pháp cho một vấn đề phức tạp đang gây tranh cãi.
Trước khi ai đó kết tội tôi về điều gì, thì hãy để tôi được giải thích một chút. Gần 20 năm qua tôi không ăn bất kỳ loại thịt nào. Tôi không thích con vật nào đó bị giết để phục vụ bữa ăn của tôi, nhưng tôi không nghĩ điều đó giúp tôi trở thành người sống đạo đức hơn những người khác. Đạo đức của một người dựa trên tổng thể các yếu tố. Hitler cũng là một người ăn chay.
Tôi cũng thích nuôi chó. Nhưng mặt khác, tôi không thấy người ăn thịt chó với người ăn thịt bò, cừu non khác nhau về đạo đức như thế nào. Phông văn hóa khác nhau khiến người này nghĩ việc ăn thịt chó là bình thường còn người khác thấy ghê tởm. Đây là vấn đề tranh cãi phức tạp.
Một bài báo đăng trên tờ Bưu điện Washington năm ngoái giải thích khá hay về việc ăn thịt chó ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam, nơi vừa có thói quen ăn thịt chó vừa có nhiều người nuôi chó làm cảnh, coi chó như bạn.
Cuộc tranh luận là dấu hiệu của sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế và văn hóa. Nhiều thế kỷ qua, thịt chó là món ăn yêu thích của nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là vào mùa đông. Nhưng số lượng người nuôi chó cảnh tăng vọt trong những năm gần đây khi nền kinh tế Trung Quốc tạo ra tầng lớp trung lưu giàu lên nhanh chóng. Họ có cả thời gian và tiền bạc dành cho những người bạn bốn chân. Cùng với nhiều cửa hàng bán chó cảnh ra đời, các nhóm hoạt động vì quyền động vật trước kia chẳng có tiếng nói gì thì giờ ngày càng được nhiều người ủng hộ.
Hơn 1.000 con chó được giải cứu ở Trung Quốc khi đang trên đường bị chở đến nhà hàng hôm 8/3/2013
Bài báo trên Bưu điện Washington tập trung vào vụ việc được nhiều người chú ý khi chiếc xe tải chở chó đến các nhà hàng bị chặn lại giữa đường. Từ vấn đề này, sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu đã bộc lộ.
“Tôi vẫn không hiểu việc chở chó như thế này thì có gì là vô đạo đức. Người ta vẫn ăn bò và cừu đấy thôi. Có gì khác đâu”, người lái xe tải nói. Nhận xét về những người đấu tranh đòi quyền cho chó mèo, người lái xe nói: “Họ chỉ là một nhóm người giàu chỉ biết nuôi chó cảnh và chẳng có việc gì làm”.
Bênh chó là coi thường người nghèo
Bên cạnh đó, một số ý kiến nêu lên vấn đề khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng tăng - để mô tả bản chất của cuộc xung đột, mang tính biểu tượng: Một người lái xe thuộc tầng lớp lao động bị một người đi xe Mercedes chặn lại giữa đường, và người đi xe sang trọng này đang trên đường đến resort với bạn gái.
Họ cũng nói có những người đối xử tốt với chó nhưng lại cư xử tệ với người nông dân.
“Suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa, việc nuôi chó cảnh bị coi là tư bản. Chỉ có những người giàu sang và kiêu căng mới nuôi chó và để chúng cắn người nghèo. Vì thế, nhiều người vẫn ngụ ý rằng nếu anh đối xử tốt với thú cưng thì anh đối xử với những người yếu thế hơn chẳng ra gì”, Jiang Jinsong, giáo sư triết học ở ĐH Thanh Hoa, giải thích.
Một cư dân mạng đã phản ứng một cách cực đoan theo cách này. Phẫn nộ trước việc nhiều nhà hoạt động đấu tranh cho động vật mà không cần biết đến cuộc sống của nhiều người nghèo ở nông thôn, một cư dân mạng người Quảng Châu đe dọa trên mạng rằng sẽ mỗi ngày giết chết một con chó cho tới khi các nhà hoạt động vì động vật dùng số tiền họ quyên góp được cho người nông dân nghèo thay vì dùng cho chó.
“Tôi nghĩ tôi phải làm điều gì đó để đại diện cho những người bình dân. Tôi lớn lên tại một làng quê nghèo. Chúng tôi nuôi một con chó để giữ nhà và một con để thịt vào Tết âm lịch vì chúng tôi không có tiền mua thịt lợn. Tôi không hiểu việc đó thì có gì sai”, anh Zhu Guangbing, 35 tuổi, tác giả của thông điệp đăng trên trang tiểu blog Sina Weibo, nói.
Một xe tải đang chở rất nhiều chó đến các nhà hàng ở Trung Quốc
Những người đấu tranh vì động vật phản bác lại bằng lý luận rằng đối xử tốt với động vật sẽ dẫn tới hành vi đối xử tốt với con người.
“Nhiều người cho rằng bảo vệ động vật là điều điên khùng. Nhưng đó là vấn đề văn minh. Giúp mọi người yêu những con vật nhỏ cũng là giúp họ biết yêu thương con người hơn”, nhà hoạt động tên Wang nói.
Các nhóm bảo vệ động vật cho rằng Trung Quốc không có luật chống đối xử thô bạo với động vật, và khoảng 10 triệu con chó, trong đó có nhiều chó lang thang và chó lạc, bị nhốt trong điều kiện kinh khủng và giết thịt mỗi năm.
Vậy, có nên ban hành luật cấm ăn thịt chó không? Theo ý kiến của luật sư Dan Haris, luật giúp định hướng con người làm những điều đúng đắn, nhưng nếu vượt quá xa mong muốn của mọi người thì luật sẽ bị phớt lờ, hoặc thậm chí bị chống đối. Dù người Mỹ và châu Âu không chấp nhận được việc ăn thịt chó của người châu Á thì họ cũng không thể đưa ra luật quốc tế cấm ăn thịt chó đối với những người thuộc nền văn hóa, dân tộc khác.
____________
Đón đọc bài "Ăn thịt chó ảnh hưởng gì đến đạo đức?" vào 19 giờ ngày 13/4/2013.