Tàu Trung Quốc ‘ngụy trang’ liều lĩnh ở biển Đông

Điều đáng sợ từ xưa trên biển đối với ngư dân là dông bão nhưng những năm qua, các đội tàu Trung Quốc đã đe dọa người dân nghiêm trọng không kém.

LTS: Các nhóm tàu của Trung Quốc, trong đó có tàu dân quân biển, tràn xuống biển Đông để thực hiện nhiều toan tính xâm lấn khác nhau của nước này. Ngư dân các nước đang bị uy hiếp nghiêm trọng khi phải đối mặt với các nhóm tàu Trung Quốc trên biển. Hồi tháng 6 - 2019, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Philippines khiến 22 thuyền viên suýt tử nạn nếu không may mắn được tàu cá Việt Nam cứu. Trước đó, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc đâm, húc, chặn cướp hải sản.

Ngày 6-3, khi đang khai thác hải sản tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (VN)), năm ngư dân trên tàu QNg 90819 của ông Nguyễn Minh Hùng (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị một tàu Trung Quốc (TQ) phun vòi rồng, truy đuổi. Trước sự hung hăng từ phía TQ, tàu của ông Hùng kéo ga bỏ chạy và va vào đá khiến tàu bị chìm.

Tấn công, cướp hải sản

Hai cha con ông Hùng và ba bạn biển bu bám trước mũi tàu suốt bốn giờ đồng hồ chờ tàu bạn ở cùng địa phương đến ứng cứu. Rất may cả năm ngư dân được cứu vớt kịp thời. Chứng kiến ngư dân VN chới với trên biển, tàu TQ không có động thái cứu hộ nào.

“Họ chỉ đứng đó chờ đến khi tàu của anh Trịnh Văn Hiền (trú cùng địa chỉ) đến cứu vớt. Sau khi chúng tôi lên tàu, một tàu khác cũng của TQ chạy tới xua đuổi chúng tôi nhiều giờ nữa” - ông Hùng kể.

12 ngày sau trận rượt đuổi ấy, năm ngư dân được trở về với vợ con, còn chiếc tàu cùng tài sản hơn 3 tỉ đồng nằm lại giữa biển. Tài sản hai vợ chồng vay mượn, tích góp bao nhiêu năm mất sạch.

Trưa 2-6, 10 ngư dân đang nghỉ trưa trên tàu cá QNa 91441 TS do ngư dân Trần Văn Nhân (ngụ xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, đang neo đậu tại vùng biển thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa. Một tàu treo cờ TQ thả bo bo cùng một nhóm người áp sát tàu cá này của ngư dân VN. Họ dùng roi điện khống chế và cướp hơn 2 tấn mực khô. “Chúng yêu cầu mở hết hầm kiểm tra và cẩu mực đưa lên bo bo chở về tàu của chúng. Chúng còn tuyên bố: “Lần này chứ lần sau thì cắt lưới, lấy hết đồ chở về TQ nộp phạt”” - anh Nhân nhớ lại.

Gương mặt thất thần của anh Trần Văn Nhân (trái) và bạn tàu sau chuyến biển bị cướp sạch mực vào tháng 6-2019. Ảnh: THANH NHẬT 

Gương mặt thất thần của anh Trần Văn Nhân (trái) và bạn tàu sau chuyến biển bị cướp sạch mực vào tháng 6-2019. Ảnh: THANH NHẬT 

Liều lĩnh đâm húc rồi bỏ mặc

Đến bây giờ, những người trong cuộc và ngư dân VN ắt hẳn chưa thể nào quên sự kiện tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng 10 ngư dân bị một tàu thép khổng lồ của TQ rượt đuổi, đâm chìm vào tháng 5-2014. Nơi xảy ra vụ việc cách giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) của TQ, hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN năm 2014.

Cảnh tượng khủng khiếp đó, đến giờ ông Lê Văn Chiến (ngư dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) có nhắm mắt cũng còn ám ảnh. Cầm lái con tàu lưới vây 500 CV cách ĐNa 90152 TS không xa, ông Chiến nhớ như in thời điểm hàng chục tàu vỏ thép gắn cờ TQ vây ráp, xua đuổi các tàu cá VN ra xa khỏi giàn khoan HD981.

“Lúc đó có tàu ĐNa 90152 TS cùng một tàu khác của ta bị đuổi chạy song song. Bất ngờ một tàu thép TQ tăng tốc, tách hai tàu của ta ra rồi đâm thẳng vào đuôi tàu ĐNa 90152 TS khiến nó quay ngang 90 độ. Từ xa nhưng tiếng la hét của anh em trên ĐNa 90152 TS nghe rõ lắm. Thế mà nó (tàu TQ - PV) không tha, nó đâm thêm cú nữa vào mạn trái tàu này cho chìm luôn, anh em trên đó nhảy hết xuống biển” - ông Chiến kể với chúng tôi.

Vượt qua nỗi bàng hoàng và tự nhủ phải cứu các đồng đội, ông Chiến bẻ lái và hô hào cùng tám tàu cá khác của VN tiến lại tạo thành vòng ngoài vây lấy ĐNa 90152 TS. Ở vòng trong, các tàu cá lần lượt thả thúng chai, phao cứu nạn để những người dưới nước bám vào, trèo lên. Một tàu cá ném dây thừng xuống để buộc vào ĐNa 90152 TS nhằm hỗ trợ lai dắt tàu. Lúc này ĐNa 90152 TS còn mỗi mũi tàu nhô lên khỏi mặt nước khoảng 1 m. Hàng chục tàu TQ tiếp tục bủa vây nhưng đội tàu do ông Chiến chỉ huy xé vòng vây, hướng thẳng đất liền.

Tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 5-2014 tại nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TẤN VIỆT 

Tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 5-2014 tại nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TẤN VIỆT 

Tàu Trung Quốc ngụy trang, ăn vạ

Ông Đặng Văn Nhân, người cầm lái tàu ĐNa 90152 TS, cho hay tàu TQ thường ngụy trang là tàu cá. Các tàu này có thân thép và cắm cờ TQ. “Khi bị đâm, chúng tôi chỉ nhìn thấy một người trên tàu TQ. Ông ta ném một chai thủy tinh vào tàu chúng tôi. Cạnh ông ta không có ai khác” - ông Nhân kể.

Theo ngư dân Nguyễn Tấn Thành (39 tuổi, Quảng Ngãi), tàu cá của TQ hầu hết là những con tàu sắt to lớn gấp 3-4 lần tàu cá VN và ít khi thấy các tàu này đánh bắt thật sự. “Biển của mình thì mình làm. Mình đâu có xâm phạm lãnh hải phía TQ đâu, sao phải chùn bước trước sự uy hiếp của tàu TQ!” - anh Nhân nói chắc nịch.

Vạch mặt kiểu “ăn vạ” của các tàu TQ, ngư dân Lê Văn Chiến (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bức xúc nói: “Các tàu TQ có sẵn kịch bản để có thể từ “bị cáo” thành “bị hại”. Bình thường, các tàu TQ bằng công suất lớn hơn sẽ truy đuổi tàu của ta. Chạy được một đoạn, nó sẽ lựa thế vượt lên, tạt đầu rồi bất ngờ giảm tốc độ để tàu mình thắng không kịp là tự đâm vào tàu nó. Mình tàu gỗ nên hư hỏng nặng hơn hết. Rồi nó lu loa lên là tàu mình đâm tàu nó. Vì vậy, mỗi khi tàu TQ truy đuổi thì tàu VN nên chạy vòng tròn để tránh bị tạt đầu. Bởi tàu gỗ VN nhỏ hơn thì vòng cua cũng nhỏ hơn, khi bẻ lái sẽ nhanh hơn tàu sắt TQ”.

Giúp ngư dân bám biển, giữ chủ quyền

Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Dương (ngụ thôn Đông An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu QNa 92345 TS, cho biết nghề khai thác mực chụp của địa phương, ngư dân chủ yếu hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa.

Anh Dương cho hay: “Cái khó của chúng tôi là hoạt động gần bờ thì không đạt năng suất, còn hoạt động ở Hoàng Sa thì nơm nớp lo sợ. Trường hợp mình đi vòng qua phía đông quần đảo Hoàng Sa thì chi phí cao, chưa kể trời có gió, bão sẽ không thể chạy vào bờ. Trước kia ngư dân tự do khai thác gần đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN) nhưng gần đây phía TQ làm mọi cách xua đuổi, ngư dân chỉ biết chạy”.

Tại Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn là một trong những địa phương có lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất VN. Chỉ tính riêng xã Bình Châu, từ năm 2018 đến nay, gần 20 lần ngư dân tố bị tàu “nước ngoài” tấn công, quấy phá.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết: “Chuyện ngư dân báo cáo bị tàu TQ xua đuổi, tấn công khá nhiều. Nhiều lúc họ bị mất tài sản. Nghiệp đoàn luôn thăm hỏi, động viên ngư dân tiếp tục bám biển. Đáng mừng là ngư dân không nản lòng, vẫn kiên cường vươn khơi”.

Bà Lê Thị Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, cho hay: “Trước sự hung hăng của các tàu TQ, Công đoàn luôn bên cạnh vận động, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm vươn khơi. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với nghiệp đoàn nghề cá các xã tổ chức tuyên truyền chủ quyền và yêu cầu ngư dân thực hiện đúng quy định của pháp luật để được Nhà nước bảo vệ”.

Tại Quảng Nam, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này, cho biết bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho bà con như đóng mới tàu cá, bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ nhiên liệu…, tỉnh còn có cơ chế riêng để khuyến khích ngư dân phát triển nghề đánh bắt hải sản xa bờ.

“Nổi bật nhất là Quỹ Hỗ trợ ngư dân, nguồn quỹ này hỗ trợ ngư dân hoán cải, nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn. Ngư dân đóng tàu công suất trên 400 CV sẽ được vay 1,5 tỉ đồng/tàu, nâng cấp tàu sẽ được vay với 200-500 triệu đồng/tàu (tùy công suất) không lãi suất trong vòng năm năm” - ông Tấn thông tin. Ông Tấn cho biết thêm tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền chủ quyền, luật pháp; đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng… giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

THANH NHẬT

Ngư dân Việt Nam không bỏ bạn biển!

Trái với hành động ngang ngược của phía TQ, khi ngư dân nước bạn gặp nạn, ngư dân VN luôn sẵn sàng cứu vớt. Đơn cử, ngày 11-7-2019, tàu cá của anh Bùi Văn Phải (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã cứu vớt 32 ngư dân TQ gặp nạn tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN). Những ngư dân này được bàn giao cho một tàu hàng TQ sau đó một ngày.

Trước đó, vào tháng 6-2019, tàu cá VN cũng cứu vớt thành công tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 (TQ) đâm chìm ở khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của VN.

Quyết không bỏ biển

Chủ tàu ĐNa 90152 TS, bà Huỳnh Thị Như Hoa, sau sự cố năm 2014 mất trắng hơn 5 tỉ đồng giá trị đóng tàu, chỉ còn trưng dụng lại một số ngư lưới cụ. Bà vẫn quyết tìm cách đóng mới con tàu ĐNa 90657 TS trị giá 7,5 tỉ đồng, do chồng bà là ông Trần Văn Vốn làm thuyền trưởng, trở lại ngư trường Hoàng Sa. “Trong cái khó lại tìm thấy sự vững vàng nếu mình quyết tâm” - ông Vốn nói. theo bà Hoa, nghề biển là cái nghiệp không thể bỏ được vì biển chính là nguồn nuôi sống cả gia đình.

Còn anh Nguyễn Huỳnh Bá Biên (thuyền viên tàu ĐNa 90152 TS) khi vừa về đến đất liền phẫn nộ nói: “… Tôi rất bất bình trước tội ác của tàu TQ. Nhưng chúng tôi không sợ mà bỏ biển, vì biển Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam nên chúng tôi vẫn tiếp tục bám biển”.

GIẢI PHÁP TỪ CÁC CHUYÊN GIA

Cần khiếu nại lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế

Các nước bị tổn hại nên khiếu nại lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế (gọi tắt là IMO, một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại London, Anh; có chức năng tập trung vào an toàn, an ninh và tác động môi trường của hàng hải quốc tế - PV), yêu cầu các cuộc điều tra chung dựa theo quy định UNCLOS.

Từ đó họ có thể lên tiếng cáo buộc TQ vi phạm các quy định về việc va chạm tàu trên biển.

GS JAMES KRASKA, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ

Khi đâm va phải thực hiện nghĩa vụ cứu nạn

Trong khu vực biển Đông, hầu như chỉ có tàu TQ đâm va vào tàu nước khác. Tôi không rõ đây có phải là chủ trương của nhà nước TQ hay không nhưng nếu có thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Các nước cần giáo dục ngư dân của mình để tránh các trường hợp đâm va. Khi đã xảy ra đâm va, tàu thuyền phải thực hiện nghĩa vụ cứu trợ người bị nạn.

Các tàu cá hoạt động trên biển phải bật các thiết bị giám sát hành trình và các công cụ khác, thí dụ đèn chiếu sáng để thông báo cho các tàu thuyền khác về vị trí của mình. Thiết bị giám sát hành trình ngoài việc tránh đâm va còn giúp các nước quản lý tốt đội tàu đánh cá của mình, chống đánh bắt cá trái luật, không thông báo và không được quản lý (IUU).

PGS-TS VŨ THANH CA, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo VN

Nắm chắc luật pháp quốc tế

Để ứng phó phù hợp với tàu TQ còn phải hiểu luật pháp quốc tế. Ngày 10-2-2015, khi điều khiển tàu SAR 412 đến ứng cứu tàu BĐ 95427 TS mắc cạn, có nguy cơ bị chìm tại vùng biển gần đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của VN, tàu chúng tôi bị một tàu hải cảnh, một tàu hải quân và một máy bay của TQ quấy rối. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên quyết nói: “Đây là tàu cứu nạn VN, các ông không được cản trở và không có quyền cản trở”. Phía TQ tiếp tục mở súng ống trên tàu ra đe dọa nhưng chúng tôi vẫn quyết định cho hạ xuồng cứu hộ cứu các ngư dân.

Ông PHAN XUÂN SƠN, cựu thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng, Cục Hàng hải VN

Trang bị kỹ lưỡng cho các tàu khi ra khơi

Cần đúc kết kinh nghiệm thực tế từ những trường hợp các phương tiện đánh bắt và tuần tra, không chỉ ở VN và còn các quốc gia khác, từng bị các tàu TQ thuộc các lực lượng phi quân sự, dân quân biển quấy rối hay cố ý va chạm. Từ đó hiểu rõ chiến thuật và cách thức khiêu khích, tấn công của tàu TQ để tìm đối sách phù hợp.

Thêm nữa, các phương tiện đánh bắt và tuần tra cần được trang bị kỹ lưỡng bao gồm gia tăng trọng tải, độ dày vỏ tàu cũng như lắp đặt các thiết bị cảnh báo, cảnh cáo cũng như chống va chạm đủ mạnh để có thể đáp trả hữu hiệu những động thái kém thân thiện từ các lực lượng TQ.

CHÂU HUY NGỌC, SCIS ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

ĐỖ THIỆN ghi

‘Hòa bình kiểu Trung Quốc’ rất nguy hiểm ở biển Đông

Mỗi bước leo thang ở biển Đông, Trung Quốc lại cho thấy nước này không đồng nhất giữa lời nói và hành động, giữa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TẤN VIỆT - THANH NHẬT ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN