Tàu TQ hung tợn: Ngư dân vẫn quyết ra biển Hoàng Sa
Từng ngày trôi qua, hàng vạn ánh mắt của những ngư dân ở các làng biển của tỉnh Quảng Ngãi vẫn đổ dồn ra vùng biển Hoàng Sa để dõi theo mọi diễn biến trên biển - nơi ngư trường Hoàng Sa của Tổ quốc.
Họ trông ngóng, nắm thông tin từng tàu cá của ngư dân là người thân của họ đang mưu sinh ở Hoàng Sa. Họ theo dõi cả lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Hoàng Sa của Việt Nam đang bị giàn khoan và tàu Trung Quốc xâm lấn, tấn công phi pháp.
Ngóng tin từ Hoàng Sa
12h trưa, trong ngôi nhà nhỏ nằm khuất sâu trong xóm biển ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), có gần 20 người (già có, trẻ có và đều là những ngư dân, người nhà ngư dân) đang hướng lên màn hình tivi xem tin tức về diễn biến trên biển Đông ở quần đảo Hoàng Sa thông qua các kênh tin tức thời sự.
Ngư dân Bùi Ngọc Lượng nhìn chăm chăm vào màn hình tivi. Thi thoảng ông Lượng đưa tay chỉ vào màn hình đang đưa tin, hình ảnh về vụ tàu Trung Quốc cản trở, tông tàu của lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam khi đang làm nhiệm vụ trên biển rồi nói trong sự tức tối: “Coi kìa bà con, Trung Quốc làm gì kỳ lạ vậy. Trông dị quá đi. Vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam mà tự dưng Trung Quốc lại qua xâm lấn, đặt giàn khoan rồi còn tông tàu của Việt Nam. Thấy quá phi lý”. Hàng chục ngư dân ngồi cạnh nghe ông nói thế cũng tán đồng và phản đối hành động của Trung Quốc.
Rồi ông Lượng quay sang chúng tôi, nói trong bức xúc: “Mấy ngày nay không ngày nào tôi không theo dõi tin tức về tình hình ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tôi thấy việc làm của Trung Quốc như vậy là quá phi pháp. Quốc tế đều lên án nhưng không hiểu sao Trung Quốc lại chây ì, không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Ngư dân ở những làng biển theo dõi tin tức ở Hoàng Sa từng giờ qua tivi
Từ hôm Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những chiếc Icom ở các đài canh liên tục hoạt động. Chiếc Icom cộng đồng đặt ngay trong nhà của ông Nguyễn Thanh Nam, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cũng được ông liên tục mở để thu thập tình hình bà con ngư dân đánh bắt trên biển ở ngư trường Hoàng Sa.
Với lấy chiếc Icom, ông Nam gọi trực tiếp cho ngư dân đang đánh bắt ngoài vùng biển Hoàng Sa để hói thăm tình hình tàu Trung Quốc có rượt đuổi ngư dân không.
Từ ngoài Hoàng Sa, tiếng của ngư dân Võ Bá Nha truyền về qua Icom: “Tàu thuyền của bà con ngư dân mình ở Hoàng Sa thì vẫn đánh bắt bình thường, rất đông tàu ở đây. Nhưng mấy ngày nay tàu Trung Quốc liên tục rượt đuổi nên anh em ngư dân trên các tàu đánh bắt gặp khó khăn. Chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục đánh bắt chứ chưa về đâu.”.
Ông Nam lại nói khích lệ: “Tinh thần là anh em cứ bám biển, cứ ở đó đánh bắt chứ đừng có sợ gì cả. Hoàng Sa là của Việt Nam mình. Bây giờ ngoài đó có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển rất nhiều nên có gì thì đều có thể hỗ trợ tàu cá của bà con mình nên bà con cứ yên tâm đánh bắt nghen”. “Nhất định thế” – ngư dân Nha nói trước khi nghe tiếng sóng giữa Hoàng Sa lấn át qua Icom.
Ông Nam là người đang “quản” chuyện đi biển của 10 tàu cá của ngư dân xóm Gành Cả, xã Bình Châu đi biển ở Hoàng Sa. Hàng ngày, mọi chuyện xảy ra trên biển đều được ngư dân trên 10 tàu cá thông tin đầy đủ cho ông Nam cập nhật. “Lên Icom liên tục để nắm bắt tình hình đánh bắt của ngư dân ở Hoàng Sa. Trong đất liền mình có thông tin gì thì cũng thông báo cho anh em ngoài biển biết để có sự ứng phó kịp thời. Anh em đánh bắt ở Hoàng Sa đều thể hiện lòng quyết tâm giữ biển Hoàng Sa của Tổ quốc mình” – ông Nam nói. Trong những ngày qua, các đài Icom cộng đồng ở những địa phương ven biển Quảng Ngãi liên tục duy trì hoạt động để nhận tin từ Hoàng Sa từng giờ.
Chung lòng giữ biển
Ngồi trên cabin tàu, ngư dân Nguyễn Thanh Trà, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi liên tục dùng Icom hỏi thăm tin tức từ các tàu cá đang đánh bắt ở Hoàng Sa. “Tôi đang lấy đá, dầu để ra Hoàng Sa đây. Tình hình bà con mình đánh bắt ở đó thế nào?. Giàn khoan của Trung Quốc đã rút ra khỏi vùng biển của mình chưa?”, ngư dân Trà hỏi dồn dập một tàu cá đang ở Hoàng Sa.
“Đi Hoàng Sa lúc nào anh em chúng tôi cũng thường hỏi thăm tin tức như thế. Bây giờ ra khơi chúng tôi cứ làm. Sống nghề biển thì phải bám biển để giữ biển đảo quê hương. Bà con cả nước cùng ngư dân chúng tôi phải cùng cố gắng để gìn giữ chủ quyền quê hương đất nước của mình”, ông Trà nói.
Chị Bùi Thị Nhân có 3 người con đi biển Hoàng Sa cũng bảo: “Tôi động viên con mình yên tâm ra khơi, ra Hoàng Sa để đánh bắt. Ngư trường Hoàng Sa đã nuôi sống gia đình tôi nên bằng mọi giá các con tôi cũng sẽ cùng với nhiều ngư dân trong làng chung lòng giữ biển”.
Ông Nguyễn Thanh Nam liên tục gọi Icom nhận tin từ Hoàng Sa
Nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến đi Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân Quảng Ngãi cũng được đưa xuống tàu. Trong ngày hôm nay lại có thêm hàng chục tàu cá công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi đã khởi hành phiên biển mới.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi đang có 2.400 tàu cá đánh bắt xa bờ, chủ yếu trên hai ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Quảng Ngãi đang quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống trên biển bằng tất cả lòng yêu biển.
“Bây giờ nhà nước cũng ủng hộ nhiều vấn đề nhiên liệu, rồi có tàu bảo vệ cho ngư dân hành nghề trên biển, cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới để đi ra biển làm nên tôi cũng mạnh dạn bám biển miết vậy thôi. Ông bà cha mình hồi xưa bám trụ ở Hoàng Sa, Trường Sa nên mình cứ theo tục lệ ông bà là cứ bám biển Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân Lê Đủ, chủ tàu QNg-965545S nói.
Lúc này, những ánh mắt vẫn tiếp tục dõi theo về hướng biển nơi Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Quảng Ngãi trên đường ra Hoàng Sa hành nghề
Hơn 40.000 ngư dân Quảng Ngãi vẫn một lòng bám biển
Hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, đá lạnh vươn khơi
Ngư dân chung lòng giữ biển, bảo vệ ngư trường
Quyết không bỏ biển
Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi hành nghề trên biển