Tàu TQ đâm chìm tàu VN: 6 giờ khống chế, ngăn cứu người
“6 người Trung Quốc nhảy lên tàu. Chúng tát tôi 2 cái, sau đó bắt tôi lái đuổi tàu của anh Khanh".
Bà Năng nghẹn ngào đón con Võ Văn Cầu. Ảnh: H. Văn
Cả 5 thuyền viên trên tàu cá QNg 90479 bị Trung Quốc đâm chìm trưa 9/7 khi đang hành nghề ở Hoàng Sa là thành viên trong một gia đình. Họ gồm ông nội Võ Băng (72 tuổi), hai con trai Võ Văn Lựu (52 tuổi, thuyền trưởng) và Võ Thanh Hương, cháu nội 17 tuổi Võ Văn Cầu. Con rể của thuyền trưởng Lựu là thầy giáo cũng có mặt trên tàu.
15h30 chiều qua (13/7), tàu QNa 95001 do anh Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã cập cảng Tịnh Kỳ đưa đại gia đình thuyền trưởng Lựu gặp nạn từ Hoàng Sa trở về
Bàng hoàng, giận dữ
Khuôn mặt bơ phờ, vừa bước lên bờ ngư dân Võ Văn Lựu lắc đầu: “Hết rồi, tàu chìm. Hơn 1 tấn cá. 3 tỷ đồng đóng tàu còn vay mượn”. Theo lời ông Lựu: Khoảng 8 giờ sáng 9/7, hai chiếc tàu của ông và anh Khanh đang đánh bắt ở tọa độ 16 độ12 phút vĩ độ bắc - 111 độ 43 phút kinh độ đông thì có hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 xua đuổi.
Tàu 46102 đuổi tàu ông Lựu, còn tàu 56103 đuổi tàu anh Khanh. Khoảng 12 giờ chúng khống chế, áp sát. “Sáu người Trung Quốc nhảy lên tàu. Chúng tát tôi 2 cái, sau đó bắt tôi lái đuổi tàu của anh Khanh. Chúng lục soát khắp tàu. Một lát sau tàu Trung Quốc 46102 đi bên cạnh đâm vào tàu của tôi. Nước vào, tàu hỏng máy rồi chìm”, ông Lựu kể.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh kể, khi thấy tàu của ông Lựu bị chìm, các ngư dân lóp ngóp trên biển, anh chạy đến để vớt 5 ngư dân thì tàu Trung Quốc khống chế không cho tiến lại gần. Suốt nhiều tiếng đồng hồ từ trưa mãi đến 6 giờ tối, khi tàu Trung Quốc bỏ đi, anh mới dám chạy đến vớt 5 ngư dân. “Hành động của phía Trung Quốc là rất độc ác, tàn bạo với ngư dân tay trắng chúng tôi. Chúng tôi rất căm giận”, ngư dân Khanh uất ức nói.
Thầy giáo và giấc mơ Hoàng Sa
Chuyến đi đầu tiên ra Hoàng Sa để “lấy thực tế về kể cho học trò nghe về biển đảo quê mình” của thầy giáo Nguyễn Trung Hậu – con rể ông Lựu, lại là dịp giúp thầy chứng kiến sự tàn bạo của tàu Trung Quốc với ngư dân Việt Nam.
“Chúng tôi bị dồn hết lên mũi tàu, bắt đưa tay ôm đầu. Khoảng 30 phút sau thì tôi nghe có tiếng động rất lớn, sau mới biết là bị tàu lớn của Trung Quốc đâm vào làm vỡ mạn. Con tàu bị ngập nước rồi chìm dần, 5 ông cháu, cha con chúng tôi vừa bơi bám vào mũi tàu còn nhô lên, cứ thế suốt nhiều giờ đồng hồ mà chúng không cho tàu bạn đến cứu” .
Ra đón chồng thoát chết trở về, cô giáo Võ Thị Nỉ khóc nghẹn. Hai vợ chồng chị đang là giáo viên hợp đồng của trường THCS Sơn Dung huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi. Chị dạy môn tiếng Anh, anh Hậu là giáo viên môn Thể dục.
“Hồi giờ ảnh vẫn mong một lần được ra Hoàng Sa, nay đến hè mới thực hiện được, tận mắt chứng kiến biển trời Hoàng Sa, rồi sau kể cho học trò nghe. Vậy mà suýt bỏ xác ở ngoài ấy” – chị Nỉ nghẹn ngào, ôm chặt đứa con gái đầu lòng Nguyễn Tố Uyên vừa tròn 3 tháng tuổi trên tay.
6 lần đổi tàu, 5 lần vượt cạn một mình
Bà Nguyễn Thị Năng - vợ thuyền trưởng Lựu, kể vợ chồng làm nghề biển 30 năm nay. Đây là con tàu thứ 6 của gia đình. Đổi tàu liên miên cũng chỉ vì liên miên gặp nạn. Năm 1994, ông Lựu và 11 thuyền viên đang đánh bắt trên biển Hoàng Sa gặp bão, chiếc tàu bị sóng dữ nhấn chìm, may mắn người được tàu bạn cứu thoát nạn.
Rồi vợ chồng vay mượn được hơn 30 cây vàng đóng tàu mới vươn khơi. Nhưng đến năm 2010 thì bị Malaysia bắt giữ. Con tàu bị tịch thu còn ông Lựu bị giam giữ 9 tháng tù. Quen nghiệp biển, ăn sóng nói gió nên ra tù vợ chồng lại vay mượn đóng tàu mới hành nghề lặn.
Những năm gần đây, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc dí đuổi. Chuyến biển tháng 3/2014 tàu ông Lựu bị tàu Trung Quốc chặn lấy sạch thủy hải sản đánh bắt được. Lỗ nặng. Chuyến biển tháng 6/2014 lại gặp tàu Trung Quốc rượt đuổi, tàu bể máy. Vừa rồi, trong chuyến biển tháng 5/2015 tàu lại bị đâm va thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Chuyến đi lần này, con tàu ông Lựu xuất bến từ ngày 2/7 đến ngày 9/7 bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Bà Năng xót xa, con tàu vừa bị đâm chìm trị giá 3 tỷ đồng là tiền vay mượn ngân hàng và bà con xóm, đến nay vẫn chưa trả xong. Mỗi chuyến biển đầu tư khoảng 150 triệu đồng nhưng thời gian gần đây tàu Trung Quốc cứ “lăm le”, lúc lấy hết hải sản, khi thì làm hư hỏng rồi đâm chìm.
Lấy chồng nghề biển, cả 5 đứa con đều được sinh ra khi chồng đang giữa biển khơi. Ba đứa con gái lần lượt tên Nguyễn Thị Nỉ, Nguyễn Thị Niềm, Nguyễn Thị Nở. Quá mong mỏi có đứa con trai nối dõi nên khi sinh được hai đứa con trai thì đặt tên Võ Văn Cầu và Võ Văn Niệm.Vậy mà rồi cứ phải cầu niệm hoài vì cái nghề đi biển nhiều sóng gió.
Như lần này, cả gia đình từ cha con, ông cháu cùng đi một chuyến tàu ra Hoàng Sa, bị bọn ác ôn tấn công cướp bóc, còn đâm chìm tàu muốn lấy đi mạng của tất cả mọi người. Bà bảo, may mà cả nhà 5 người thoát chết, chứ không thì không dám nghĩ tiếp…
Ngư dân 17 tuổi Võ Văn Cầu, con út của thuyền trưởng Lựu đang học lớp 11, kể: “Lúc đầu em cũng rất sợ. Nhưng khi thấy mấy người Trung Quốc tát vào ba thì em rất tức giận. Không ai trên tàu khóc cả dù con tàu chấp chới mép nước. Sau này em sẽ theo nghề của cha”. |