Tàu SE 19 chở 160 người mắc kẹt trong lũ dữ Quảng Bình
Sáng 15/10, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình và ngành Đường sắt vẫn đang tìm cách tiếp cận ga Lệ Sơn, nơi đoàn tàu SE 19 và 160 người đang mắc kẹt do đường sắt ngập lũ.
Đường sắt bị ngập lụt, chia cắt, ngành đường sắt đang họp khẩn để cứu tàu.
Theo báo cáo nhanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong những ngày qua, trên phạm vi tỉnh Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên sông Gianh lên nhanh gây sạt lở mái ta luy âm nền đường từ km456+000 - km456+090 (chiều sâu khoảng 12-18m).
Hiện nay, tất cả các tuyến đường bộ vào khu vực này đã ngập nặng khiến các phương tiện không thể đi vào. Trong khi đó, nguồn lương thực dự trữ trên tàu và tại ga đã sắp hết. Phía đường sắt phải đặt mua lương thực, rồi dùng xe gòng chuyển từ ga Minh Lệ vào.
Trên tàu hiện có 132 hành khách, còn lại là nhân viên phục vụ của tàu và lái tàu. Ông Nguyễn Như Hòa - Trưởng ga Lệ Sơn cho biết: “Phương án chuyển tải hiện không thể thực hiện được, do nước chảy xiết khiến các phương tiện như xe ô tô, xuồng và ca nô đều không thể di chuyển vào trong được”.
Nước ngập đến tận mái nhà ở Quảng Bình
Đáng ngại, do ga gần sông Gianh mà mực nước sông đang dâng nhanh. Đến nay nước đã lên mấp mé sân ga. Dự đoán trong ngày hôm nay ga sẽ bị ngập, tàu SE 19 và hành khách sẽ gặp nguy hiểm.
Vì vậy, ngành Đường sắt tỉnh Quảng Bình đang tổ chức họp khẩn tìm cách gia cố đường ray để đưa tàu về Phúc Tự, Bố Trạch nơi gần QL1 nhất để chuyển tải hành khách trên tàu.
Khoảng cách từ mép điểm sụt đến mép ray ngoài cùng là 1,2m. Để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phong tỏa khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn 2 lần (lần 1 từ 17 giờ 25 phút đến 18 giờ 44 phút trả đường với tốc độ 5km/giờ; lần 2 từ 22 giờ 15 phút, tiếp tục phong tỏa khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn và trả đường 5km/giờ vào 7 giờ 56 phút sáng ngày 14/10).
Tuy nhiên, đến chiều 14/10, tại khu vực các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng với diễn biến phức tạp nên vùng sạt lở tiếp tục mở rộng, tính đến ngày 15/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm.
Hiện, Tổng Công ty Đường sắt đã phong tỏa khu gian và dừng 10 đoàn tàu khách và 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong khu vực bị ảnh hưởng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra.
Các đơn vị trong khu vực đã điều động 100% số công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Hơn 40 chuyến tàu nằm chờ trong "rốn lũ" Sáng 15.10, do tiếp tục có mưa lớn nên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn từ Vinh đến Quảng Bình vẫn bị ngập cục bộ nhiều điểm, tàu không thể chạy được, trong đó có 9 điểm sạt lở rải rác trên 100km. Ngoài ra, nhiều điểm trên Quốc lộ 1 bị ngập gây tắc đường, ô tô xếp thành hàng dài. Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có khoảng 21 điểm đường sắt từ Nghệ An vào Quảng Bình bị ách tắc. Hiện ngành Đường sắt bắt đầu thực hiện phương án chuyển tải đối với 132 hành khách, trong đó có 96 hành khách là người nước ngoài đang mắc kẹt trên tàu SE19 tại ga Lệ Sơn, nhà ga bị cô lập bởi nước lũ. Phương án được cơ quan chức năng đưa ra trong chiều hôm nay sẽ cho ca nô vào ga Lệ Sơn chở hành khách ra UBND xã gần đó sau đó sẽ chuyển hành khách bằng ô tô vào Đông Hà và từ Đông Hà đi tàu vào Đà Nẵng. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Bộ GTVT), tính đến 7h30 ngày 15.10, ngành đường sắt đã giải tỏa được 2 đoàn tàu khách trên tuyến qua khu vực ngập nước. 23 đoàn tàu khách khác và hơn 20 đoàn tàu hàng phải nằm chờ đường qua tỉnh Quảng Bình. Trung bình mỗi đoàn tàu có khoảng 500 hành khách, tàu hàng có khoảng 600 tấn. Đường sắt Bắc Nam bị chia cắt khiến các đoàn tàu xuất phát từ phía Bắc phải tạm dừng ở khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An. Các tàu từ phía Nam đi ra phải dừng tại ga Huế, Đà Nẵng. Bộ GTVT đã có Văn bản chỉ đạo TCT ĐSVN khẩn trương chuẩn bị và cấp phát thức ăn, nước uống cho hành khách đi tàu; hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm; đề xuất và thực hiện phương án giải toả hành khách nếu thời gian ách tắc kéo dài. Dương Thanh |