Tàu phá băng Nga kẹt cứng trong băng Nam Cực
3 tàu phá băng của nhiều quốc gia đang hối hả tiến xuống Nam Cực để giải cứu một con tàu Nga đang bị kẹt cứng ở đó.
Ngày 25/12, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (AMSA) nhận được tín hiệu cấp cứu qua vệ tinh của một con tàu phá băng của Nga đang bị kẹt cứng trong lớp băng dày cách đất liền khoảng 1.500 hải lý.
Người phát ngôn AMSA cho biết họ nhận được yêu cầu cứu hộ từ thuyền trưởng của tàu Akademik Shokalskiy, một tàu gia cường phá băng được Nga chế tạo vào năm 1984 để nghiên cứu đại dương, và thuyền trưởng cho biết con tàu này đang bị kẹt cứng trong băng không thể di chuyển được.
Vì con tàu này ở quá xa đất liền, nên Úc không thể điều máy bay hoặc tàu cứu hộ thông thường tới giúp đỡ. Hiện có 3 tàu phá băng đang tới khu vực trên để giúp đỡ con tàu bị mắc kẹt, tuy nhiên họ phải mất hai ngày mới tới được địa điểm cứu hộ.
Tàu phá băng Akademik Shokalskiy bị kẹt cứng trong băng Nam Cực
Phóng viên Chris Turney của tờ Guardian (Anh) đang có mặt trên con tàu bị mắc kẹt này đã gửi thông điệp về tòa soạn: “Con tàu gần nhất mang tên Rồng Tuyết của Trung Quốc phải mất hơn một ngày mới tới được vị trí của tàu Shokalskiy. Tàu phá băng Astrolabe của Pháp từ căn cứ Dumont D’Urville ở Nam Cực cũng sẽ đến đây vào cùng thời điểm.”
Tàu phá băng thứ ba mang tên Aurora Australis của Úc ở xa nhất cũng đang trên đường tới giải cứu tàu gặp nạn của Nga. Phóng viên Turney mô tả: “Chúng tôi hiện đang mắc kẹt trong lớp băng dày và cần được giúp đỡ để thoát ra. Thật bực mình vì chúng tôi chỉ cách đại dương có 2 dặm. Tuy nhiên mọi người trên tàu vẫn ổn và giữ vững được tinh thần.”
Mặc dù bị mắc kẹt trong băng song các thành viên trên tàu vẫn tưng bừng chào đón Giáng sinh và chương trình nghiên cứu khoa học vẫn được tiếp tục ngay tại chỗ vì họ biết rằng tàu phá băng của Trung Quốc đang rất gần với vị trí của mình.
Tàu Shokalskiy rời cảng Bluff ở New Zealand từ hôm 8/12 với 48 hành khách và 20 thủy thủ tiến về phía Nam Cực theo hành trình mà nhà thám hiểm vĩ đại Douglas Mawson từng đi trước đây.