Tàu nghìn tỷ sẽ bán sắt vụn?
Cục Hàng hải VN đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu VN mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng.
Tuy nhiên, việc phá dỡ bán sắt vụn những con tàu này có nhiều chuyện đáng bàn.
Báo cáo Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng hải VN cho biết hiện đang có hàng loạt tàu biển của các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân neo đậu tại VN và nước ngoài trong tình trạng không còn khả năng khai thác và không đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải.
Trong đó, có 22 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài nhưng thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN, nếu muốn phá dỡ trong nước lại vướng quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ theo Luật bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Bộ GTVT đang băn khoăn vì nếu sửa luật để xử lý tàu thì không đáng, nhưng không xử lý thì gây nhiều hệ lụy về môi trường và an toàn, an ninh hàng hải.
Tàu Vinashin Atlantic neo tại phao số 0, Vũng Tàu từ năm 2009 đến nay - Ảnh: Đ.Hà
Tàu bỏ hoang
Theo Cục Hàng hải, đến cuối tháng 1/2013 có 41 tàu biển neo đậu tại các cảng VN (trong đó có 10 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài) không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải. Bên cạnh đó còn có 54 tàu biển thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài (chiếm 14% tổng tải trọng đội tàu VN, những tàu nội mang cờ nước ngoài là do quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại VN nên chủ tàu đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để hoạt động - PV).
Trong đó có 12 tàu đang neo đậu ở nước ngoài dài ngày (gồm bảy tàu của Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines, chuyển từ Vinashin sang Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines) trong tình trạng không được chủ tàu cấp kinh phí duy trì đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.
Thu được đồng nào hay đồng đó Theo một giám đốc doanh nghiệp vận tải biển, thông thường khi tàu không còn phù hợp để khai thác vì những lý do khác nhau, các chủ tàu thường tìm cách bán tàu, thậm chí phá dỡ bán sắt vụn khi không bán được vì càng để lâu càng lỗ do không khai thác vẫn mất chi phí đảm bảo điều kiện cho tàu neo đậu. Kể cả trường hợp tàu chưa quá tuổi nhưng do loại hàng hóa mà tàu đó chuyên chở không còn nhu cầu vận chuyển nhiều thì vẫn bán tàu hoặc phá dỡ để thu hồi được vốn chừng nào hay chừng nấy. |
Lý giải tình trạng trên, Cục Hàng hải cho biết việc tàu biển VN và tàu biển mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN không được đưa vào khai thác, neo đậu dài ngày, không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải là do tình trạng suy thoái kinh tế làm vận tải biển sụt giảm, dẫn tới dư thừa năng lực vận tải của đội tàu nên nhiều tàu không được đưa vào khai thác, phải nằm chờ dài ngày.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, kể cả trường hợp tàu neo chờ, chủ tàu vẫn phải cung cấp đầy đủ nhiên - nguyên liệu và bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động của tàu, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn hàng hải và đóng các loại phí, lệ phí liên quan.
Vì vậy, chi phí thường xuyên cho tàu biển, kể cả trong trường hợp không khai thác, là khá lớn. Nhưng do kinh doanh thua lỗ, nhiều chủ tàu không còn khả năng cung cấp tài chính cho tàu đã bỏ rơi tàu, dẫn đến tình trạng mất an toàn tàu và gây hoang mang cho thuyền viên, ảnh hưởng đến uy tín của đội tàu VN trên trường quốc tế.
Với những tàu thuộc dạng “bỏ hoang” đậu trong nước, cảng vụ hàng hải nhiều nơi đã phải cưỡng chế di chuyển tới vị trí an toàn, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải ở khu vực. Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy nhiều tàu đến nay trang thiết bị, máy móc không thể hoạt động được.
Đáng chú ý trong số tàu không được chủ tàu cấp kinh phí, không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải, Vinashinlines góp mặt tới bảy tàu đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài hay do nước ngoài bắt giữ. Bảy tàu này có tổng dung tích 210.089 DWT và chiếm 3% DWT đội tàu quốc gia VN, năm trong số bảy tàu này treo cờ của Panama, Liberia, Mông Cổ.
Còn hai tàu treo cờ VN thì tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại Ấn Độ từ tháng 1/2012, tàu Hoa Sen được mua về từ Ý với giá 60 triệu euro vào cuối 2007, con tàu đang là tang vật của vụ án kinh tế xảy ra tại Vinashin đang neo đậu không khai thác tại Trung Quốc từ năm 2011 tới nay.
Do neo đậu, bắt giữ dài ngày, chủ tàu không còn đủ khả năng tài chính để đảm bảo điều kiện của tàu nên nhiều thủy thủ đoàn trên các con tàu này đồng loạt kêu cứu từ nhiều tháng nay.
Gỉ sắt bong tróc trên mặt boong tàu Vinashin Atlantic neo tại Vũng Tàu từ ngày 30/5/2009 đến nay - Ảnh: Đông Hà
Bán không được, phá dỡ lại vướng luật
Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết quy định về đăng ký mua bán tàu biển đã qua sử dụng được đăng ký lần đầu tại VN giới hạn tuổi không quá 10 năm với tàu chở khách, không quá 15 năm đối với các loại tàu biển khác. Nhưng do tàu quá tuổi quy định thường có giá rẻ nên nhiều doanh nghiệp VN đã mua những tàu quá tuổi và đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để khai thác. Khi tàu quá cũ, không còn nhu cầu khai thác, chủ tàu muốn phá dỡ để thu hồi vốn.
Nhưng hiện nay nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển đang lúng túng khi phá dỡ tàu biển của chủ tàu VN nhưng treo cờ nước ngoài tại VN vì vướng cơ chế. Lý do là Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ.
Vì không bán được tàu cũng không được phá dỡ, nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính, chủ tàu buộc phải chấp nhận để tàu vạ vật ở các vùng nước nội thủy hoặc đưa tới quốc gia có giá neo đậu thấp để neo đậu dài ngày. Việc này làm phát sinh tình trạng chủ tàu bỏ rơi tàu hoặc neo đậu dài ngày trong tình trạng mất an toàn để chờ giải quyết.
Vì vậy, Cục Hàng hải báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân ở VN được phá dỡ tại VN theo quy định như đối với tàu biển mang cờ quốc tịch VN; kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi Luật bảo vệ môi trường để phù hợp thực tế hoạt động phá dỡ tàu biển tại VN.
Theo Cục Hàng hải, việc này nhằm giải quyết tình trạng tàu neo chờ dài ngày trong điều kiện không đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp các doanh nghiệp vận tải biển, cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines).
Ông Nguyễn Văn Công (Thứ trưởng Bộ GTVT): Ông Đỗ Xuân Quỳnh (tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN): Tuấn Phùng ghi |