Tàu ngầm tự chế sẽ được chạy thử ngoài biển?

Sau hơn 2 tiếng chạy thử nghiệm trên hồ, tàu ngầm tự chế Trường Sa đã vận hành trơn tru. Nhiều người dân theo dõi tàu ngầm chạy thử đã phải trầm trồ, ngợi khen.

8h sáng ngày 28/3, ông Nguyễn Quốc Hòa, ở Thái Bình, chủ nhân của tàu ngầm tự chế Trường Sa đã đưa tàu ra hồ rộng 3ha để thử nghiệm bánh lái, chân vịt, hệ thống điện tử. Ông Hòa thuê 2 xe cần cẩu chở tàu ngầm ra hồ. Khu hồ thử nghiệm nằm ở khu công nghiệp Vĩnh Trà, TP. Thái Bình. Trong buổi sáng thử nghiệm, hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã đến xem ông Hòa trình diễn tàu ngầm.

Đúng 10h, tàu ngầm Trường Sa được đưa xuống hồ trước sự hò reo, cổ vũ của người dân. Sau đó, tàu ngầm dần dần được thả xuống hồ chìm đến hai phần ba thân tàu. Đến 10h30 phút, ông Hòa bám vào móc cần cẩu để ra điều khiển tàu ngầm.

Tàu ngầm tự chế sẽ được chạy thử ngoài biển? - 1

Sau hơn 2 tiếng thử nghiệm, ông Hòa đã ngừng việc chạy thử tàu ngầm

Sau tiếng máy nổ rú lên, khói phụt ra ở phía sau, tàu ngầm bắt đầu hoạt động. Ông Hòa đã điều khiển con tàu chạy quanh hồ. Cứ thế, tàu ngầm chạy vòng 1 rồi đến vòng 2… Sau hơn 2 tiếng vận hành, ông Hòa đã bước lên tàu và ngừng việc thử nghiệm.

Ông Hòa nói: “Sau khi chạy thử nghiệm tàu ngầm, tôi thấy hệ thống chân vịt, bánh lái, cánh tà của tàu ngầm Trường Sa hoạt động tốt. Giờ có thể kết luận là tàu ngầm Trường Sa hoạt động hoàn hảo”.

Tàu ngầm tự chế sẽ được chạy thử ngoài biển? - 2

Ông Hòa bước ra khỏi tàu ngầm với khuôn mặt rạng rỡ

Theo ông Hòa, trong quá trình điều khiển tàu, không khí bên trong tàu hơi ngột ngạt bởi nhiệt độ lên tới 23 độ C. Khi vận hành tàu, ông nhìn đường hướng qua camera ở trên nóc tàu.

Trong quá trình chạy tàu, ông Hòa cũng gặp phải một sự cố nhỏ, tàu ngầm đã phải giảm tốc gấp khi gặp phải chỗ nước nông. “Khi đó, tôi sợ tàu bị kẹt, nhưng một lúc sau tôi đã lùi được tàu ra”, ông Hòa kể.

Khi chạy thử nghiệm, nhiều người dân thấy khói phát ra từ khoang tàu. Ông Hòa giải thích đó là do ông rút một ống của hệ thống tuần hoàn không khí độc lập ra. Ông làm như vậy với mục đích thử các tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi vận hành tàu để nghiên cứu các phương án khắc phục.

“Trong quá trình chạy thử, có lúc tôi định cho tàu lặn xuống nhưng không được vì thân tàu đã kịch xuống đáy hồ. Nếu để tàu ngầm lặn được thì ít nhất hồ phải sâu 6m, trong khi đó, nời tôi đang thử nghiệm chỉ sâu có 3m”, ông Hòa chia sẻ.

Tàu ngầm tự chế sẽ được chạy thử ngoài biển? - 3

Người dân bắt tay chúc mừng ông Hòa

Theo ông Hòa, sau khi thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa lặn và nổi trơn tru, ông sẽ thử nghiệm tàu ở ngoài biển. Tuy nhiên, ông băn khoăn là điều này phải phụ thuộc vào Bộ Quốc Phòng, Chính Phủ Việt Nam. Sau lần thử nghiệm này, ông sẽ hoàn tất các thủ tục giấy tờ gửi tới các cơ quan chức năng xin cấp phép thử ngoài biển.

Phóng viên đặt câu hỏi, nếu giả sử con tàu không được cấp phép, ông sẽ có phương án gì. Ông Hòa lạc quan nói rằng: “Tôi không tin rằng con tàu sẽ không được cấp phép bởi vì với trí tuệ của người Việt mình thì không có lý do gì để vùi dập nó, để nó phải chạy trong ao”.

Chứng kiến ông Hòa chạy thử tàu ngầm, anh Nguyễn Quang Vinh, ở TP Thái Bình cho hay, anh đọc tin tức trên mạng Internet nên biết việc ông Hòa chế tàu ngầm. Hôm nay, anh đã quyết định đi xem buổi thử nghiệm tàu ngầm.

“Lúc đầu tôi cũng nghĩ với một khối sắt nhỏ thế làm sao mà tàu chạy được. Tuy nhiên, sau khi xem ông Hòa chạy thử, tàu ngầm hoạt động tốt nên tôi đã nghĩ khác. Ý tưởng của ông Hòa rất đáng được hoan nghênh, giờ lại chạy thử thành công nữa thì càng tuyệt vời”, anh Vinh bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Trường Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN