Tàu ngầm tự chế sẽ được cấp phép thử ngoài biển?
Kỹ sư chế tạo tàu ngầm Trường Sa cho biết, sáng ngày 8/3, đoàn đại biểu Ủy viên thường vụ quốc hội đã xuống và được tận mắt chứng kiến ông điều khiển tàu ngầm lặn nổi nhịp nhàng trong bể thử nghiệm. Sau khi xem xong ai cũng ngạc nhiên và họ hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để ông có thể đưa tàu ngầm ra biển thử nghiệm trong thời gian tới.
“Tàu ngầm Trường Sa sẽ vươn ra biển”
Đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa. Ông Hòa cho biết, sáng nay, tiến sĩ Khoa học, Phan Xuân Dũng, Ủy viên ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đã cùng 10 người khác xuống xem ông trình diễn tàu ngầm Trường Sa. Sau quá trình lặn thử nghiệm 15 phút tại khu bể ông Hòa đã cho tàu nổi lên khỏi mặt nước.
“Khi tôi mở nắp tàu bước ra, ai cũng ngạc nhiên, vỗ tay chúc mừng. Một thành viên trong đoàn đã thốt lên rằng: Thật tuyệt vời!. Sau đó đại diện của đoàn đã nhảy xuống tàu chụp ảnh lưu niệm cùng tôi”, ông Hòa kể.
Tàu ngầm Trường Sa do ông Hòa chế tạo
Ông Hòa cho biết thêm, đoàn đã yêu cầu ông kiểm tra tính khả hệ thống AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập), hệ thống quan trọng nhất của tàu ngầm. Sau khi thấy ông trình diễn thành công, cả đoàn đã tin tưởng, ủng hộ và hứa rằng khi về sẽ làm việc với các bên liên quan để tạo điều kiện tối đa cho ông mang tàu ngầm ra biển thử nghiệm trong thời gian tới.
Ngày 7/3, Viện Kỹ thật Hải quân, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình cũng đến và ông Hòa đã trình diễn khả năng lặn nổi của của tàu ngầm. Tàu ngầm Trường Sa lặn bắt đầu từ hơn 13h đến 15h30 trong bể xi măng sâu 4,5 m, dài 10 m và rộng 3,7 m.
Theo ông Hòa, lúc đầu mọi người yêu cầu ông cho tàu lặn xuống, sau đó vài phút phải cho tàu nổi lên. Sau đó, họ lại tiếp tục yêu cầu ông cho tàu lặn liên tiếp trong thời gian dài để kiểm chứng thêm một lần nữa.
Qua 7 lần thử nghiệm tàu ngầm đã có thể lặn nổi, nhịp nhàng
“Sau khi tôi trình diễn xong, một thành viên trong đoàn Hải quân đã nói rằng trước đây bản thân họ cũng còn bán tín bán nghi về khả năng của tàu ngầm. Tuy nhiên, sau khi xem xong tôi trình diễn họ đã tin là tàu có thể lặn, nổi. Thậm chí, lúc theo dõi tàu ngầm lặn lâu quá, thử đi thử lại nhiều lần, một số người đã yêu cầu tôi cho tàu ngừng và không cần xem thêm nữa", ông Hòa kể lại.
Lần thử nghiệm tàu ngầm ngày 8/3, là lần thử nghiệm thứ 7 ông Hòa thực hiện tại bể. Những lần thử nghiệm trước tàu ngầm đều hoạt động tốt, chỉ có sai sót một số lỗi nhỏ. Ông Hòa cho hay, ông đang tính trong khoảng thời gian tới sẽ mang tàu ngầm ra một cái hồ lớn để thử nghiệm hệ thống chân vịt, cánh quạt, bánh lái, camera. Hồ thử nghiệm ở gần nhà, rộng khoảng 3ha, sâu từ 2,5 đến 3m.
Thay thế công nghệ để tàu có thể chứa được 6 người
Ông Hòa cũng nghiên cứu thay hệ thống AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) lắp đặt bên trong tàu ngầm. Hệ thống AIP mới sẽ nhỏ, gọn hơn và có công suất lớn hơn.
“Thiết kế ban đầu của tàu ngầm, hệ thống AIP lắp đặt bên trong tàu chiếm quá nhiều diện tích nên chỉ ngồi một người. Tuy nhiên, hiện nay tôi đang nghiên cứu thay thế hệ thông AIP mới nhỏ hơn, có công suất lớn hơn và có thể chứa được 6 người ngồi”, ông Hòa nêu dự định.
Ngày 7/3, đoàn bên Viện Kỹ thật Hải quân, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình cũng sang và ông đã trình diễn khả năng lặn nổi của của tàu ngầm.
Ông Hòa nói rằng, trước đây hệ thống AIP chưa làm thì nghe có vẻ khó nhưng hiện nay đã thử nghiệm thành công rồi thì ông hoàn toàn có thể thay đổi nó sao cho phù hợp với con tàu. Tàu ngầm khi thử nghiệm ở môi trường rộng hơn hoàn toàn có thể ngồi được nhiều người.
Về thiết kế của con tàu, kể từ sau tết Nguyên Đán, ông Hòa cùng các đồng nghiệp hoàn thiện tàu ngầm, khắc phục các nhược điểm về kỹ thuật và thẩm mỹ. Hiện tại tàu có hình dáng gọn hơn, không còn thanh ngang, thanh dọc phía trên nóc, cũng không có cánh ở phía trước nữa.
Một vài thông số trước đây của tàu cũng đã được giảm xuống để đảm bảo an toàn, như tầm đi xa của tàu ngầm chỉ còn chạy được gần 100 km, tốc độ tàu giảm xuống còn 10 hải lý, thời gian lặn khoảng 3 đến 5 tiếng.
Ngày 8/3, Tiến sĩ Khoa học, Phan Xuân Dũng, Ủy viên ban thường vụ quốc hội, chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường đã cùng 10 người khác xuống xem ông trình diễn tàu ngầm Trường Sa. Đoàn đã tặng quà cho ông Hòa nhân dịp tàu ngầm thử nghiệm thành công.
“Lần đầu tiên thử nghiệm tàu ngầm, khi bước ra khỏi tàu, tôi đã có cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Tôi cảm thấy vui vì người Việt Nam đã có thể chế tạo hệ thống AIP hoạt động hoàn hảo. Cái vui hơn là mình đã có thể chế tạo ra tàu ngầm, dù đó mới dừng lại ở việc thử nghiệm. Hiện tại tôi có thể nói là tàu hoạt động thành công, mọi thứ vẫn đang chạy đúng như kế hoạch”, người chế tàu ngầm chia sẻ.
Theo thiết kế, tàu ngầm Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.
Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Điều đặc biệt hơn, công nghệ AIP trên tàu ngầm ông Hòa sử dụng, đây là công nghệ tiên tiến, mới có một số ít nước phát triển như Pháp, Thụy Điển áp dụng thành công.
Khoảng giữa tháng 12/2013, anh Nguyễn Văn Thắng, 44 tuổi, ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm máy bay trực thăng và được báo chí đưa tin. Tuy nhiên, đến khoảng cuối tháng 2/2014, anh Thắng cho biết, hai công an quận Long Biên đã đến nhà lập biên bản yêu cầu gia đình phải viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm chiếc máy bay. Ngoài ra, anh Thắng phải tháo gỡ một số bộ phận như: máy nổ, cánh... ra khỏi chiếc máy bay. Gia đình anh Thắng chỉ đồng ý ký vào cam kết ngừng chế tạo, thử nghiệm máy bay. Về yêu cầu gỡ động cơ ra khỏi chiếc máy bay, anh Thắng đã không đồng ý. Trước việc anh Thắng bị cấm nghiên cứu chế tạo máy bay, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã có phản ứng không đồng tình. |