Tàu ngầm 182 - Hà Nội và hành trình 8 năm bảo vệ chủ quyền biển đảo
Chiếc tàu ngầm cấp chiến dịch đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam mang tên 182 - Hà Nội đã cập Quân cảng Cam Ranh 8 năm trước và mang dấu mốc quan trọng cho lực lượng tàu ngầm hiện đại của Việt Nam trong hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Quang cảnh Lễ tiếp nhận Tàu ngầm 182 - Hà Nội tại Quân cảng Cam Ranh
Trọng trách đặc biệt
Đại tá Nguyễn Văn Quán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189 (nguyên Thuyền trưởng đầu tiên của Tàu 182) cho biết: Là kíp tàu ngầm đầu tiên được cử đi học tập, huấn luyện thuỷ thủ tàu ngầm tại Liên bang Nga, làm cơ sở cho quá trình tiếp nhận, huấn luyện làm chủ những tàu ngầm Kilo 636 hiện đại, mỗi cán bộ, thủy thủ của tàu luôn ý thức được trọng trách đối với việc học tập, quản lý và sử dụng một tài sản rất lớn của đất nước.
Ngay từ những ngày đầu, Đại tá Quán và đồng đội luôn tự nhủ phải làm tốt để không phụ lòng tin của Đảng, của Quân đội và Nhân dân. Sau thời gian huấn luyện chuyển giao bên nước bạn với vô vàn gian nan, thử thách, ngày 3/1/2014, sau hơn một tháng hải trình vượt qua 3 đại dương, tàu ngầm Kilo 636 mang tên 182 - Hà Nội đã cập Quân cảng Cam Ranh an toàn.
“Vào giờ phút ấy, tất cả những người lính tàu ngầm chúng tôi đều hiểu rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt trọng trách, lòng tin và cả niềm tự hào đối với lực lượng tinh nhuệ, đặc biệt”, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Quán xúc động nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng trong Lễ tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên mang tên Thủ đô Hà Nội.
Nhớ lại giai đoạn khó khăn, thử thách của những ngày đầu huấn luyện ở nước Nga, Đại uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng máy hầm tàu kể: "Khó khăn nhất đối với chúng tôi lúc đó là việc học ngoại ngữ và tin học bởi tài liệu 100% bằng tiếng Nga, trong khi đây đều là những trang bị mới và hiện đại, kinh nghiệm thì hoàn toàn chưa có gì và đặc biệt tài liệu lại khan hiếm. Do tính bảo mật của nước bạn, nên sau mỗi giờ học chính khóa, giảng viên thu lại toàn bộ tài liệu đưa lên phòng bảo mật, thiết bị ghi âm không được mang theo. Chúng tôi đã chia nhau mỗi người cố gắng chép lại một đoạn bằng tiếng Nga, sau đó dịch sang tiếng Việt để làm bộ tài liệu riêng cho mình".
Không ngừng học tập
Cũng theo Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dũng, sau thời gian tiếp nhận, huấn luyện chuyển giao, làm chủ tàu ngầm hiện đại, cán bộ, thủy thủ tàu ngầm của ta đã khẳng định cho các chuyên gia, giảng viên Nga thấy rằng, người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng ý chí và nghị lực thì không hề nhỏ.
“Những gì họ làm được chúng tôi cũng làm được. Bây giờ chúng tôi đã làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật trên tàu ngầm. Hiện mỗi cán bộ, thủy thủ trên các tàu ngầm vẫn không ngừng cố gắng huấn luyện để làm chủ những bước cao hơn nữa", Đại úy Dũng nói.
Đưa Tàu ngầm 182 rời tàu vận chuyển Roldock Sea để chính thức gia nhập Hải quân nhân dân Việt Nam, tháng 1/2014
Những ngày đầu tàu mới về nước, Lữ đoàn còn rất nhiều khó khăn, cơ sở bờ, trang bị kỹ thuật chưa đồng bộ, kinh nghiệm quản lý khai thác tàu chưa có. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, sự đoàn kết quyết tâm vượt khó của cán bộ, thủy thủ Tàu 182 nên chỉ sau 6 tháng huấn luyện với chuyên gia Nga, kíp tàu đã độc lập vận hành khai thác và được Bộ Tư lệnh Hải quân tin tưởng, đưa vào đội hình chiến đấu của Quân chủng trước 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Không dừng lại ở đó, với trách nhiệm là kíp tàu đi đầu, mỗi cán bộ, thuỷ thủ tại các vị trí chiến đấu đã tự tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm của mình, kết hợp đọc, tra cứu, dịch các tài liệu chuyên ngành, ghi vào sổ tay và giao cho các đồng chí Trưởng ngành (trên tàu ngầm có 5 ngành) tổng hợp thành tài liệu, để gửi lại cho các kíp tàu sau nghiên cứu và học tập.
Tàu ngầm 182 và thủy thủ đoàn chuẩn bị cập cảng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi biển
Thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi, Thuyền trưởng tàu ngầm 182 - Hà Nội cho biết, huấn luyện kíp tàu ngầm là công việc tỉ mỉ, có kỷ luật, đòi hỏi mỗi thành viên phải quyết tâm cao, nỗ lực rèn luyện để vượt qua thử thách về tâm lý và thể lực, nắm bắt kỹ thuật và thao tác thành thục các trang bị được phân công.
“Vinh dự và tự hào bao nhiêu thì trách nhiệm càng nặng nề bấy nhiêu. Vì thế, ngay từ những ngày đầu, bản thân mỗi cán bộ, thủy thủ luôn tự nhủ phải thực sự nỗ lực phấn đấu. Bên cạnh học tập để làm chủ con tàu, phải rèn luyện ý chí quyết tâm, lòng quả cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Thiếu tá Khôi khẳng định.
Dâng hiến sức trẻ cho Tổ quốc
Tại Lữ đoàn 189, những buổi rèn luyện thể lực không mệt mỏi, những bài tập với mô hình tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm bài bản đã giúp cho các thủy thủ có sức khỏe dẻo dai và bản lĩnh chính trị vững vàng. Điều này được thể hiện qua những chuyến lặn biển dài ngày, điều khiển con tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của người chiến sĩ tàu ngầm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
“Dù gian nan vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn nguyện dâng hiến sức trẻ cho Tổ quốc, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thiếu tá Phạm Văn Quý, Trưởng ngành Thông tin - Radar nói.
Tàu ngầm 182 - Hà Nội trong Lễ thượng cờ cấp quốc gia
Phát huy những thành tích từ những ngày đầu, đến nay, Tàu ngầm 182 - Hà Nội luôn được cấp trên tin tưởng và giao những nhiệm vụ quan trọng, khó khăn. Tàu đã thực hiện thành công nhiều chuyến đi biển an toàn tuyệt đối; trong đó có những chuyến đi biển dài ngày, lặn liên tục nhiều ngày đêm ở các độ sâu khác nhau trong điều kiện thời tiết sóng gió lớn; trinh sát kết hợp huấn luyện ở những vùng biển trọng yếu...
Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên trong lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam, Tàu 182 đã bắn thành công tên lửa từ lòng đại dương, khẳng định khả năng làm chủ tất cả vũ khí, trang bị hiện đại trên tàu.
Trung tá Lê Trung Hiếu, Chính trị viên Tàu ngầm 182 chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự, tự hào là những người lính được phục vụ trên tàu ngầm mang tên Thủ đô Hà Nội thân yêu. Các thế hệ cán bộ, thủy thủ Tàu 182 đã luôn quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu xây dựng lực lượng tàu ngầm với 3 đặc biệt: “Đoàn kết đặc biệt, kỷ luật đặc biệt, bí mật đặc biệt”. Điều đó góp phần viết lên truyền thống của Lực lượng tàu ngầm Hải quân nhân dân Việt Nam “Đoàn kết, kỷ luật, bí mật, quyết thắng” sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong mọi tình huống”.
Bia mục tiêu bị tên lửa từ Tàu ngầm 182 bắn trúng trong năm 2017
8 năm qua, Tàu ngầm 182 - Hà Nội liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, “Đơn vị huấn luyện giỏi”; ba lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Quân chủng Hải quân lựa chọn là điển hình tiên tiến tham dự Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 2015-2020. Đặc biệt, năm 2021, tập thể tàu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
“Tàu ngầm là phương tiện chiến đấu đặc biệt, cho nên phải có những con người với lòng trung thành đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt, tính kỷ luật đặc biệt và giữ bí mật đặc biệt” - Đại tá Nguyễn Văn Quán |
Phần lớn thời gian trong năm ẩn mình trong lòng đại dương bao la của Tổ quốc, những “con cá quả” lớp Kilo 636 hiện đại...
Nguồn: [Link nguồn]