Tàu chiến TQ đi vòng quanh Nhật Bản
Tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên xuyên phá "chuỗi đảo thứ nhất" - tách biệt Trung Quốc với Thái Bình Dương - và đi vòng quanh Nhật Bản.
Ngày 3/7, báo chí nhà nước Trung Quốc đồng loạt lên tiếng tung hô sức mạnh hải quân của nước này sau khi vài chiếc tàu chiến Trung Quốc hoàn thành chuyến đi đầu tiên vòng quanh Nhật Bản.
Từ lâu Bắc Kinh đã nuôi tham vọng vươn ra biển lớn với việc hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh hồi năm ngoái và chuyến hải trình vòng quanh Nhật Bản lần này được coi là tín hiệu mang tính biểu tượng trong bối cảnh Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp quyết liệt nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Tàu chiến Trung Quốc trên biển Hoa Đông
Du Wenlong, một chuyên gia nghiên cứu tại học viện Lục quân Trung Quốc đã khoe khoang trên tờ Nhân dân Nhật báo rằng Trung Quốc đã “vượt qua tất cả những điểm khó khăn nhất” trong chuỗi đảo kéo dài từ phía bắc Nhật Bản cho tới Philippines, hay còn gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” án ngữ và tách biệt Trung Quốc khỏi Thái Bình Dương.
Trước đây, Trung Quốc luôn coi “chuỗi đảo thứ nhất” là một thứ vũ khí lợi hại mà Mỹ lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương. Dọc theo chuỗi đảo này là những lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Trung Quốc cho rằng trong thế “kìm kẹp” này, hải quân Trung Quốc bị ép chặt trong các vùng biển nông không có đất dụng võ và không thể triển khai tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình.
Với việc tàu chiến Trung Quốc đột phá qua được chuỗi đảo thứ nhất này, Du cho rằng hải quân Trung Quốc giờ “đã có khả năng phái và hỗ trợ tàu chiến đến và tác chiến ở những khu vực cách xa đất liền”.
Lược đồ minh họa "chuỗi đảo thứ nhất" (Ảnh: Japan Times)
Nhân dân Nhật báo cho biết những lời bình luận của Du được đưa ra chỉ vài ngày sau khi 5 tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên đi vòng quanh Nhật Bản.
5 tàu chiến này trở về cảng vào ngày 28/7 sau khi vượt qua eo biển Soya nằm giữa Nhật Bản và Nga rồi xuôi xuống vùng biển phía đông Nhật Bản và băng qua eo biển Miyako ngoài khơi Okinawa.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết máy bay tuần tiễu của họ đã phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển nằm giữa Okinawa và nhóm đảo Miyako ở phía tây nam nhưng không đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng ngày càng gia tăng khi nước này tăng cường sức mạnh hải quân và thể hiện thái độ hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền tranh chấp với các quốc gia khác.
Không chỉ tranh chấp nhóm đảo Senkaku với Nhật Bản, Trung Quốc còn đòi sở hữu hầu như toàn bộ Biển Đông với tuyên bố về “đường lưỡi bò” phi lý và trắng trợn của mình.
Ou Jianping, chuyên gia Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã từng lớn tiếng tuyên bố: “Hải quân Trung Quốc cần phải vươn mình trở thành hải quân biển xanh bởi tất cả những nguy cơ ‘xâm lược’ Trung Quốc trong thời đại hiện nay đều đến từ biển.”
Để thực hiện tham vọng đó, ngoài việc tăng cường sức mạnh hải quân và liên tục tiến hành tập trận trên biển, Trung Quốc còn thực hiện chiến lược “ngũ long hợp nhất”, gộp năm lực lượng hành pháp trên biển gồm Cảnh sát biển của Bộ Công an, Cục An toàn Hàng hải, Hải giám, Ngư chính và Hải quan thành lực lượng Cảnh sát biển thống nhất để tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước này trên các vùng biển tranh chấp.