Tát nhân viên đổ xăng: "Tôi tát để cảnh cáo"

Nam thanh niên tát nhân viên cây xăng cho hay, do có việc bận, phải đi gấp nên anh đã không làm lớn chuyện. Trong lúc bực tức, anh đã tát nhân viên đổ xăng để cảnh cáo.

Clip: Khách hàng tát nhân viên cây xăng vì nghi bị gian lận:

Ngày 27.10, anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - nam thanh niên trong clip "tát nhân viên cây xăng vì nghi gian lận" cho biết, gần tối ngày 25.10, anh lái xe ô tô Kia Cerato 4 chỗ từ đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) về nhà.

Khi đi qua cầu Chương Dương, thấy đèn báo sắp hết xăng, anh Vượng chạy thẳng về cây xăng trên đường Trần Cung, yêu cầu đổ đầy bình.

“Sau khi đổ xăng xong, nhân viên thông báo với tôi là đổ được 56,6 lít, hết tổng số tiền 1.020.000 đồng. Khi đó tôi khá bất ngờ, bởi bình xăng xe tôi chỉ chứa được khoảng 50 lít. Tôi đã đổ xăng ở nhiều cây xăng khác nhau, chưa bao giờ hết hơn 50 lít. Trong lúc bực tức, tôi có tát nhân viên đổ xăng một cái để cảnh cáo”, anh Vượng thông tin.

Tát nhân viên đổ xăng: "Tôi tát để cảnh cáo" - 1

Anh Vượng cho biết anh tát nhân viên đổ xăng là để cảnh cáo

Theo anh Vượng, thông thường khi đèn báo ô tô sắp hết xăng thì trong bình vẫn còn xăng, không thể cạn ngay được. “Như vậy, nếu tôi cố đi đến lúc cạn bình thì phải được thêm 50 hoặc 60km nữa (ước chừng còn 7-8 lít xăng). Trong trường hợp bình vẫn còn xăng, nhân viên đổ xăng có đổ đầy bình cho tôi cũng không thể lên đến con số 56,6 lít”, anh Vượng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng tại sao khi nghi nhân viên đổ xăng gian lận, anh Vượng không yêu cầu làm rõ mà vẫn trả tiền?

Anh Vượng nói rằng: “Lúc đó tôi hỏi nhân viên đổ xăng là quản lý có ở đây không. Nhân viên đổ xăng nói quản lý đã về nhà. Thêm nữa, lúc đó tôi có việc bận, phải đi gấp, cũng không có ý định làm lớn chuyện nên đã trả tiền và đi”.

“Sau khi sự việc được đăng tải trên báo, nhiều người đã chia sẻ, bàn tán. Do vậy, tôi muốn làm rõ để mọi người hiểu hơn về câu chuyện đã xảy ra. Tôi sẵn sàng gặp quản lý cây xăng để làm sáng tỏ vấn đề”, anh Vượng nói thêm.

Tát nhân viên đổ xăng: "Tôi tát để cảnh cáo" - 2

Chiếc xe ô tô 4 chỗ, nhãn hiệu Kia Cerato của anh Vượng

Trước đó, một đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh va chạm giữa nhân viên cây xăng và khách hàng tại cây xăng trên đường Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo clip, sau khi đổ xăng cho anh Vượng, nam nhân viên cây xăng đã thông báo: “Của anh hết 56 lít xăng”.

Thấy vậy, anh Vượng liền phản ứng: “Mày biết bình xăng ô tô của tao bao nhiêu lít không? 50 lít, 18 nghìn/lít mà đổ lên hơn 1 triệu thì chúng mày bịp tao à?”. Nam nhân viên đổ xăng bối rối, cúi mặt xuống trả lời: “Em chỉ là người bơm xăng thôi”.

Ngay sau đó, anh Vượng tát vào mặt nam nhân viên đổ xăng và dọa: “Lần sau bỏ cái kiểu này đi nhé!” rồi hỏi: “Bao nhiêu tiền?”. Rồi anh Vượng rút tiền ra trả và lên xe bỏ đi.

Tát nhân viên đổ xăng: "Tôi tát để cảnh cáo" - 3

Bình chứa xăng của xe ô tô Kia Cerato

Trao đổi với phóng viên ngày 26.10, ông Trịnh Đức Hiệp, quản lý tại cây xăng trên cho biết, nhân viên bán xăng bị khách phản ứng là Nguyễn V.T.

Theo ông Hiệp, ông có nghe nhân viên T. kể lại rằng, khi nhân viên đổ xăng bơm được 960.000 đồng đã rút vòi bơm ra khỏi bình. Tuy nhiên, anh Vượng yêu cầu bơm thêm 34.000 đồng. Tiếp theo khách lại đến gần hơn và bảo bơm cho đến khi nào sờ tay vào thấy đầy thì mới thôi, nhân viên đổ xăng đã bơm thêm được 31.000 đồng nữa thì rút vòi ra.Tổng số tiền bơm xăng cộng lại là 1.020.000 đồng (tính ra khoảng 56,6 lít xăng).

Anh Hiệp cho hay, sau khi nắm bắt được thông tin, ông đã kiểm tra hệ thống camera giám sát và thấy rằng nhân viên của cây xăng đã tuân thủ đúng trình tự theo tiêu chuẩn bán hàng và quy định của công ty.

Tại cây xăng, cơ chế “cò” (vòi bơm) luôn ở chế độ tự động, khi nhân viên nhấc vòi ra khỏi máy để bơm xăng cho khách, thì bảng báo luôn về chế độ “more” và khi xăng bơm vào bình mà chạm đến đầu vòi thì sẽ tự ngắt. Bảng điện tử trên cây xăng sẽ hiện số tiền khách phải trả.

Anh Nguyễn Quyết Thắng, giám đốc một trung tâm sửa chữa xe trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) cho biết, đối với dòng xe ô tô Kia Cerato, nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng đổ 50 lít xăng, đây được hiểu là mức an toàn đối với người dùng.

Trong trường hợp bình xăng cạn (không còn một giọt nào) thì khi đổ đầy hết cỡ, bình xăng có thể chứa được tối đa 55-56 lít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN