Tập đoàn Siemens muốn cung cấp đầu máy, toa xe đường sắt tốc độ cao

Sự kiện: Thời sự

Hà Nội - Ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Siemens (Đức), bày tỏ quan tâm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, có thể cung cấp giải pháp về đầu máy, toa xe.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 26/2, ông Roland Busch đồng thời cho biết có thể cung cấp hệ thống tín hiệu đường sắt, chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với ba kịch bản được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến bộ ngành. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Kết luận của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước năm 2030. Các đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens tại cuộc gặp chiều 26/2. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens tại cuộc gặp chiều 26/2. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc gặp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn Siemens nghiên cứu tham gia một số gói thầu xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam như tuyến metro 2 tại TP HCM; chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt như đào hầm metro.

Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11 km, trong đó 9,3 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao. Đây là tuyến tàu điện thứ hai ở TP HCM với tổng đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, sau metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất turbine điện gió; lĩnh vực giao thông vận tải (như sản xuất xe điện...); chuyển đổi số, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển của Siemens tại Việt Nam, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong đó có Siemens đến đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, hiệu quả.

Siemens là tập đoàn lớn của Đức, có nhiều kinh nghiệm và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh. Tập đoàn có 320.000 nhân viên, doanh thu toàn cầu 78 tỷ euro vào năm 2023. Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với ba chi nhánh văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.

Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Siemens tham gia dự án điện mặt trời ước tính đóng góp một tỷ kWh điện vào hệ thống điện của quốc gia mỗi năm; cung cấp thiết bị và giải pháp bảo vệ, tự động hóa hàng trăm trạm biến áp 110 kV-220 kV và hàng chục trạm 550 kV. Tập đoàn cũng thúc đẩy tự động hóa và số hóa tại Việt Nam như giúp Tân Cảng Sài Gòn tối đa năng suất, giảm thời gian giải phóng tàu....

Về giao thông vận tải, Siemens hợp tác với Việt Nam hiện đại hóa hệ thống tín hiệu đường sắt ga Vinh; thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; chiếu sáng đường sân bay Nội Bài; hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất...

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN