Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay"

Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết Ban quản lý chợ hiện không có chức năng, nghiệp vụ để kiểm tra các loại dư lượng chất độc hại có trên trái cây.

Táo của Trung Quốc nổi tiếng màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giới nghiên cứu cảnh báo loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài (Sơn Đông, Trung Quốc) rất có hại cho sức khỏe vì được trồng bằng phương pháp ủ bọc nhựa rất độc hại. Mặc dù “công thức” trồng táo này luôn được giữ kín, song các nông dân thừa nhận với tờ Chinawhisper rằng chất bột được dùng trong các bọc nhựa để bọc táo chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại) có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như nôn mửa, co giật, sốt, bất tỉnh… Loại túi đã bị cơ quan Trung Quốc cấm sử dụng từ lâu.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 1

Táo sẽ được bọc trong túi nhựa tẩm thuốc trừ sâu cực độc sẽ tiếp xúc trực tiếp với trái táo từ khi còn xanh đến khi chín

Ngày 15/6, khảo sát thị trường TPHCM, các cửa hàng có bán táo, lê cho biết người tiêu dùng đang “quay lưng” với mặt hàng này. Giá táo được bán từ 35.000-40.000 đồng/kg. Hầu hết người bán hàng đều giới thiệu đó là táo nhập từ... Mỹ chứ không phải Trung Quốc (?).

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 2

Người dân vùng ven thiếu thông tin sẽ không biết gặp nguy cơ có thể ăn trúng táo, lê có độc! (Ảnh: Chí Linh)

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng trái cây các loại về chợ hàng đêm thời gian trước đây chiếm khoảng 15-20% tổng lượng hàng hóa tại chợ, trong đó 1/3 là các loại trái cây có nguồn gốc Trung Quốc, như: táo, lê, cam, quýt... Ban quản lý chợ hiện không có chức năng, nghiệp vụ để kiểm tra các loại dư lượng chất độc hại có trên trái cây (khâu này thường được thực hiện ngay tại các cửa khẩu).

Khi hàng về chợ, ban quản lý chỉ giám sát xem các lô hàng đã được dán đầy đủ giấy kiểm dịch thực vật hay không để cho phép hàng vào chợ. Do vậy, chỉ có lực lượng kiểm tra tại các cửa khẩu mới trả lời được có táo, lê nhiễm độc nhập từ TQ nhập về thị trường trong nước hay không.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 3

Với người tiêu dùng bình thường, rất khó phân biệt táo, lê bày bán ngoài chợ có xuất xứ từ đâu (Ảnh: Chí Linh)

Cũng theo Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, sau thông tin nông sản Trung Quốc nhiễm chất độc, số lượng các loại trái cây từ nước này nhập về chợ đã giảm rất mạnh. Cụ thể, ngày hôm qua (14/6), có 2.000 tấn trái cây đưa về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thì chỉ có 56 tấn nhập từ Trung Quốc, còn lại chủ yếu là hàng trong nước và một số nước như Chile, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng vẫn trông chờ cơ quan chức năng sớm kiểm tra toàn diện táo, lê từ Trung Quốc nhập về Việt Nam. Bởi nguồn hàng này vẫn bán rất chạy cho người lao động, nhập cư nghèo… ở nhiều vùng nông thôn, vùng ven thành phố, các chợ nhỏ lẻ. Đây là những đối tượng biết rất ít thông tin về sự nguy hại của táo trồng bằng công nghệ cực độc ở Trung Quốc.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 4

Táo, lê ngoài chợ bày bán tràn lan (Ảnh: Chí Linh)

Theo những người đi chợ, biện pháp để tránh mua phải táo Trung Quốc nhiễm độc là mua hàng ở siêu thị. "Có thể phân biệt loại nào là nhập về từ nước nào vì giá của nó sẽ chênh lệch rất rõ”, chị Mai ở chợ Bà Chiểu nói.

Tại gian hàng trái cây của siêu thị Co.op Mart, Gò Vấp, các loại táo được đề rõ nguồn gốc từ 3 nước nhập về là: Mỹ, Newzealand và Trung Quốc. Theo đó, giá táo Mỹ là 56.900 đồng/kg, táo Newzealand có giá 55.900/kg, còn táo Trung Quốc chỉ có giá 39.900 đồng/kg.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 5

"Bí quyết" để có được hình thức đẹp mắt của táo Trung Quốc là được bọc kín trong các túi nhựa chứa hóa chất độc hại

Để tìm hiểu thêm thông tin về táo Fuji, chúng tôi đã có mặt tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Lượng trái cây các loại về chợ hàng đêm chiếm khoảng 30 – 40% tổng lượng hàng hóa tại chợ, trong đó 1/3 là các loại trái cây có nguồn gốc nhập khẩu, phần lớn nhập từ Trung Quốc, tập trung vào một số loại trái cây như cam, lê, đào, nho... và táo Fuji. Khi được hỏi về tên loại táo này, các chủ cửa hàng đều trả lời đây là “táo ngọt” hoặc táo Trung Quốc với giá bán từ 380.000 – 420.000 đồng/thùng 10 kg: 24 quả đối với hàng loại 1 và 28 quả đối với hàng loại 2.

Bà H., chủ một cửa hàng chuyên thu mua các loại nông sản tại chợ đầu mối Long Biên về phân phối cho các tiểu thương tại khu vực Hà Nội cho biết, các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn được các tiểu thương tại các sạp hàng hoa quả nhỏ lẻ ưa chuộng vì dễ bán. Mặc dù trái cây trong nước tươi hơn, an toàn hơn nhưng chỉ phù hợp mua về ăn, còn dùng làm quà biếu, thăm người bệnh hay đồ cúng lễ thì dưa vàng, táo, lê… vẫn là lựa chọn hàng đầu. Trong một buổi sáng, bà H. có thể “xuất xưởng” từ 20 – 30 thùng và chủ yếu là các mối quen trong khu vực nội thành.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 6

Một tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết, trung bình một ngày sạp của chị có thể bán được hơn 20 thùng táo (tương đương khoảng 200 kg)

Nếu nhìn bằng mắt thường, rất khó phát hiện loại táo này có nguồn gốc từ nước nào. Chỉ có người trong nghề mới phân biệt được. Chị L – một tiểu thương ngay đầu cổng chợ mách cho tôi cách phân biệt: “Táo Fuji có màu đỏ hồng lợt, trái lớn và tròn, trong khi táo Fuji New Zealand có màu đỏ sọc, trái nhỏ và thon. “Táo đường” có quanh năm nhưng “rộ” nhất là vào mùa hè. Thấy tôi thắc mắc khi mua loại táo này về buôn, nếu không bán hết rất dễ bị hỏng, chị L. trấn an: “Loại táo này, em cứ để vô tư, bao nhiêu chứ 15 – 20 ngày thì thoải mái không vấn đề gì”.

Dạo quanh một số sạp hoa quả: Pháo Đài Láng, Đội Cấn, Nguyễn Chí Thanh,… táo Fuji cũng được bày bán rất nhiều. Khi được hỏi, thời gian gần đây có thông tin loại táo này có chất bảo quản độc hại, tại sao vẫn nhập về bán, thì đa phần chủ các sạp hàng đều nói là không biết, do thị trường có nhu cầu thì họ vẫn nhập về bán.

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 7

Táo Trung Quốc được tiêu thụ mỗi năm tại Hà Nội...

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 8

…và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 9

Với số lượng lớn thường không ghi rõ thương hiệu và xuất xứ của sản phẩm

Táo độc nhập khẩu: Khó "bắt tận tay" - 10

Chủ đại lý hoa quả này cho hay: Người tiêu dùng nên sử dụng hoa quả có xuất xứ rõ ràng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Yến - Tuyết Ninh - Chí Linh ([Tên nguồn])
Điểm mặt thực phẩm Trung Quốc cực độc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN