Tăng mức xử phạt, có giảm vi phạm giao thông?

Đó là câu hỏi được đặt ra tại ngày làm việc thứ hai (28/9) của phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Pháp luật Quốc hội về “Thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải” ghi nhận trong ba năm (2009-2011) tổng tiền phạt lên tới hơn 6.500 tỉ đồng, hàng chục nghìn ôtô và hàng triệu môtô bị tạm giữ có thời hạn...

Đoàn giám sát cho rằng số vụ vi phạm về giao thông phát hiện được trong ba năm liên tục tăng, kể cả ở các thành phố cho phép áp dụng mức phạt tiền cao hơn so với các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Súy - phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội - lại đặt vấn đề phạt nhiều nhưng có góp phần cải thiện trật tự an toàn giao thông không? Một số ý kiến khác đề nghị cần làm rõ vì sao tăng mức xử phạt nhưng vi phạm vẫn tăng?

Ông Chu Sơn Hà, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, lưu ý dư luận về “mức phạt càng cao, cưa đôi càng dễ”. Ông cho rằng vấn đề cơ bản là cần đánh giá sâu hơn hiệu lực của công tác quản lý nhà nước và đội ngũ thực thi công vụ ở lĩnh vực giao thông. Ông Trần Hồng Hà, chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết cử tri Vĩnh Phúc phản ảnh tình trạng xe quá tải qua cầu vô tư (vượt quá tải trọng cho phép của cầu) trong khi lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông đứng cách đó không xa.

Ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định phạt là để răn đe, còn nếu xem phạt là một nguồn thu để có tiền làm việc này việc khác hay cải thiện đời sống các lực lượng thực thi công vụ là không được. Một số ý kiến khác cho rằng dường như vấn đề không nằm ở mức phạt cao hay thấp, mà ở chỗ phạt có nghiêm hay không.

Tại buổi làm việc có nhiều ý kiến phản đối quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt ở lĩnh vực giao thông, nhất là dùng khoản tiền này để chi hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông và trang bị phương tiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Thanh (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN