Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Chưa thỏa mãn

Mức tăng 12,4% chỉ mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Sau gần 1 tháng với 3 phiên họp, sáng 3.9, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 bình quân 12,4%, tương ứng với mức tăng 400.000-350.000-300.000-250.000 đồng từ vùng I đến vùng IV. Cuộc họp diễn ra hết sức căng thẳng, kéo dài từ 8 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút.

Mới đáp ứng 80% mức sống tối thiểu

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), ông Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết phiên họp thứ 3 của hội đồng tiếp tục thương lượng giữa đại điện của 3 bên để tiếp tục phân tích các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thành tích điều hành của Chính phủ cũng như thực trạng của doanh nghiệp (DN); những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển. Hội đồng thống nhất là năm 2016 tiếp tục tăng LTT để phấn đấu đạt mục tiêu LTT đáp ứng mức sống tối thiểu theo Bộ Luật Lao động đã quy định nhưng mặt khác cũng chú ý đến điều kiện thực tế của DN trong quá trình hội nhập và phát triển. Để hài hòa được những yếu tố này, sau khi phân tích, hội đồng đã lựa chọn một phương án để bỏ phiếu đề xuất tăng LTT vùng năm 2016. Cụ thể, vùng I tăng 400.000 đồng so với hiện nay, vùng II tăng 350.000 đồng, vùng III tăng 300.000 đồng và vùng IV tăng 250.000 đồng.

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Chưa thỏa mãn - 1

Người lao động rất quan tâm đến vấn đề tăng lương tối thiểu vùng Ảnh: Vĩnh Tùng

“Hội đồng có 14/15 thành viên tham gia bỏ phiếu, có 1 thành viên đi vắng, số phiếu hợp lệ là 14 và số phiếu đồng thuận với phương án đưa ra là 92,8%. Đây là phương án đã được các thành viên của hội đồng đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua. Mức điều chỉnh tiền lương năm 2016 bằng mức điều chỉnh của năm 2015. Với mức tăng này, LTT sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ)” - ông Huân cho biết.

Cũng theo ông Huân, từ năm 2016, ngoài thực hiện điều chỉnh LTT, các DN phải thực hiện đóng bảo hiểm theo Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Do đó, các DN phải bố trí sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí để dành nguồn nhằm điều chỉnh LTT cho NLĐ và đóng bảo hiểm cho NLĐ.

Chấp nhận được

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về mức tăng 12,4%, sau cuộc họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng mức đề xuất tăng 16,8% của Tổng LĐLĐ Việt Nam được NLĐ quan tâm, rất ủng hộ. Tuy nhiên, qua trao đổi, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có sự nhượng bộ và đã đi đến quyết định là mức tăng lương năm 2016 ít nhất cũng phải bằng mức tăng của năm 2015, tức là phải tăng ở mức 14,3%. Dù vậy, với mức tăng 12,4% mà hội đồng đã bỏ phiếu thông qua thì dù chưa đạt được mức tăng theo tỉ lệ phần trăm mà Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn nhưng cũng bằng mức tăng tuyệt đối của năm 2015. “Dù không thỏa mãn với mức tăng trên nhưng đây là con số mà chúng tôi có thể giải thích được với NLĐ và NLĐ cũng có thể chia sẻ được với những khó khăn của DN, còn nếu mức tăng thấp hơn thì tôi nghĩ là rất khó” - ông Chính nói.

Nói về việc chia sẻ khó khăn với DN, ông Chính cho biết thực tế hiện nay, phần lớn DN đang trả lương cho NLĐ cao gấp 1,5 lần LTT. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nắm trong tay danh sách nhiều DN ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội trả lương bình quân cho NLĐ là từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, tôi nghĩ với mức tăng lương ở vùng I năm 2016 lên 3.500.000 đồng là không ảnh hưởng gì. “Chỉ có điều khi tăng LTT, DN phải điều chỉnh mức đóng BHXH, chẳng hạn trước đây họ chỉ đóng ở mức 3,1-3,2 triệu đồng nhưng nay họ phải điều chỉnh mức đóng lên 3,5-3,6 triệu đồng. Tôi nghĩ họ chỉ bị tác động ở việc này mà thôi” - ông Chính cho biết.

Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Chưa thỏa mãn - 2

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức tăng LTT vùng năm 2016 như trên đã vượt quá khả năng chi trả của DN vì DN đang khó khăn. Tuy nhiên, hội đồng đã quyết định, DN không còn cách nào khác là phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để tăng khả năng hội nhập cũng như để đáp ứng khả năng chi trả này dù đây là nhiệm vụ khó khăn.

Ông Phòng cũng cho biết thêm VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các DN để kiến nghị nhằm có thể điều chỉnh giảm mức đóng BHXH hoặc xin giãn lộ trình thực hiện mức đóng BHXH theo Luật BHXH (sửa đổi) để DN có thể chịu đựng được áp lực trên. “Tôi cũng mong khi cơ quan chức năng nhận được những kiến nghị này, cần nhanh chóng xem xét để tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm bảo đảm việc tăng khả năng chi trả cũng như tăng LTT cho NLĐ” - ông Phòng nói. Cũng theo ông Phòng, giữa nhu cầu tăng LTT và khả năng thực tế của DN là có khoảng cách, do vậy DN sẽ không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực đổi mới khoa học - công nghệ, năng lực quản trị để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu tăng lương.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng phương án tăng LTT do Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra với mong muốn làm sao để mức LTT phải bảo đảm được mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động. Còn vấn đề chi phí cũng như tác động của DN mà VCCI là đại diện đưa ra thì “giữa mong muốn và thực tế là có khoảng cách”. Ông Huân nhận định cả 2 phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI đưa ra đều có lý và chính đáng. Hội đồng đã lựa chọn phương án cuối cùng để trình Chính phủ. Có thể Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chưa hài lòng vì mong muốn lộ trình tăng lương nhanh hơn nhưng cũng nên lắng nghe DN; còn phía sử dụng lao động thì rõ ràng nhiều DN sẽ gặp khó khăn.

DN cần phải tiết kiệm các chi phí, tăng năng suất lao động, tìm các đơn hàng để có tiền chăm lo cho NLĐ bởi NLĐ là của cải, là nguồn lực rất lớn để DN tồn tại, ổn định và phát triển” - ông Phạm Minh Huân bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN