“Tăng lương mà không đuổi kịp tăng giá thì còn khổ hơn”
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng tăng lương mà không giảm lạm phát thì vô nghĩa.
Nhiều đại biểu Quốc Hội cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Nếu không làm cho người lao động có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không thể thành công. Nhưng nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm lại nghĩ khác.
Thưa ông vì sao nợ công có xu hướng tăng nhanh?
Nợ công là khoản tiền chúng ta vay nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp và các khoản bội chi ngân sách để trang trải tất cả các khoản bao gồm mua sắm, xây dựng…và sau này ngân sách sẽ phải trả các khoản đó.
Sở dĩ nợ công đang có xu hướng tăng nhanh là do: Thứ nhất, chúng ta vay dàn trải cho xây dựng cơ bản. Thứ hai, do nhu cầu phát triển chúng ta cũng phải vay nợ nhiều để đầu tư, xây dựng cầu cảng, hệ thống hạ tầng giao thông…
Thứ ba, việc mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan công sở từ địa phương tới trung ương cũng ngốn một khoản tiền không hề nhỏ. Cuối cùng, nạn tham nhũng, việc quản lý các khoản tiền vay nước ngoài chưa chặt chẽ cũng dẫn tới sự dàn trải, khấu hao, lãng phí, thậm chí thâm hụt ngân sách khá nhiều.
Bên cạnh đó, việc các đoàn đi công tác nước ngoài nhiều, quy hoạch treo, nợ thuế… cũng là những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh bởi tiền đó cũng chi từ ngân sách ra. Nói cách khác, chi nhiều, hiệu quả kém chính là nguyên nhân đẩy nợ công tăng cao.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Tiền Phong
Muốn giảm nợ công phải xử lý tận gốc những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém trên. Cụ thể, chúng ta phải đầu tư có chọn lọc, tập trung. Cũng cần chống bệnh “sỹ”, bệnh thành tích, tránh hiện tượng cứ vay bừa phứa vào để mua sắm máy móc, thiết bị, xe cộ, xây dựng trụ sở mới… Ngoài ra cũng cần kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu, tránh lãng phí làm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, do dự trữ ngân sách nước ta hiện rất thấp nên không có nguồn để chi cho việc điều chỉnh tăng lương năm 2015. Thế nhưng, nhiều đại biểu Quốc Hội cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là phải tăng lương cho người lao động do sức ép của lạm phát đang gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của họ. Khi lạm phát không ngừng leo thang, thu nhập của họ ngày một giảm xuống, đời sống của người lao động không được đảm bảo thì đòi hỏi tăng lương là hợp lý.
Trong bối cảnh dự trữ ngân sách rất thấp như hiện nay, chúng ta không có điều kiện để đồng loạt tăng lương cho người lao động thì phải nghĩ ra cách giảm lạm phát. Nếu chỉ tính đến chuyện tăng lương mà không lo giảm lạm phát thì dù có tăng cao đến mấy đời sống của họ cũng càng tụt xuống. Nói cách khác, tăng lương sẽ trở nên vô nghĩa.
Vậy theo ông giải pháp hay để cải thiện đời sống của người lao động trong thời gian tới là gì?
Nếu không thể tăng lương cho mọi đối tượng thì trước tiên nhà nước phải chọn ra những thành phần khó khăn nhất như những người về hưu có lương thấp, những công nhân ở khu vực thực sự khó khăn, bức bách… để tăng lương cho họ trước.
Cùng với tăng lương phải kéo lạm phát xuống người dân mới được hưởng lợi, sức mua mới tăng lên chứ tăng lương mà không đuổi kịp tăng giá thì còn khổ hơn.
Tăng lương mà không giảm lạm phát thì vô nghĩa.
Với công chức, có đại biểu Quốc hội đề xuất chúng ta phải giảm biên chế, không thể hoãn tăng lương thì đời sống của họ mới đảm bảo, sức lao động mới được tái tạo. Nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương lại cho rằng hiện nay, bao nhiêu cán bộ công chức không làm được việc vẫn chưa xác định được. Theo ông cần giảm bao nhiêu % biên chế và làm thế nào để xác định được các đối tượng cần phải giảm?
Tôi nghĩ phải giảm từ 30 – 50% biên chế mới hợp lý. Họ là những đối tượng “thừa thãi”, không làm được việc hoặc năng suất lao động quá kém. Ít nhất cũng phải giảm 1/3 tổng số công chức hiện có.
Làm gì có chuyện chúng ta chịu bó tay khi xác định công chức không làm được việc?! Có rất nhiều cách chẳng hạn chúng ta tiêu chuẩn hóa các tiêu chí cụ thể với công chức. Phân loại công chức theo bậc 1, 2, 3… Căn cứ vào đó ta theo dõi, giám sát, ai không làm được việc là biết ngay và phải loại bỏ luôn chứ không thể để hòa cả làng mãi như thế được.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 23/10, các đại biểu đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu. Theo ông có nên không?
Nếu cứ để cách tính như hiện nay tôi nghĩ không còn phù hợp. Khi tính lương hưu phải tính tới thời hạn nghỉ hưu, đồng thời phải thu gọn các bậc lương hưu lại. Lương hưu cũng phải sát với năng suất lao động của từng loại đối tượng lao động để tạo động lực cho người ta phấn đấu, phát huy, không nên theo chủ nghĩa cào bằng.
Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra quy định, người đóng bảo hiểm xã hội tối đa không quá 20 lần tiền lương cơ sở là chấp nhận được bởi nó sẽ tránh được sự chênh lệch bất hợp lý về lương hưu giữa các đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, lao động hợp đồng 1 tháng cũng phải đóng bảo hiểm xã hội vì đó là quyền lợi chính đáng của người ta và doanh nghiệp sẽ không tận dụng được kẽ hở trong luật pháp như hiện nay để tước đi quyền lợi này của người lao động.
Xin cảm ơn ông!