Tăng lương bao nhiêu người Việt mới đủ sống?

“Tôi không hài lòng với mức lương tối thiểu 3,1 triệu mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua”.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000 - 350.000 đồng.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Quang Điều –Trưởng ban Kinh tế xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - người từng là Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, (Tổng Liên đoàn Lao động) đơn vị đã khảo sát về vấn đề tiền lương của người lao động.

Tăng lương lên 3,1 triệu vẫn chưa đủ sống

Thưa ông, Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa nhất trí với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 300.000-400.000 đồng so với năm 2014. Ví dụ, đề xuất lương tối thiểu vùng 1 là 3,1 triệu đồng/người/tháng, trong khi mức cũ là 2,7 triệu đồng. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Trước hết tôi không đồng tình và không hài lòng với mức lương tối thiểu mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua. Mức lương này đưa ra thấp hơn so với mức thấp nhất mà Tổng Liên đoàn Lao động có thể chấp nhận được là 3%, tương đương với 100 nghìn đồng.

Ví dụ, vùng 1, chúng tôi đề xuất tăng từ 2,7 lên là 3,4 triệu. Như vậy, mức lương do Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra còn thấp hơn so với mức ban đầu Tổng Liên đoàn đề xuất 300.000 đồng.

Một điều nữa, tiền lương tối thiểu vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu. Theo tính toán của Viện công nhân Công đoàn, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu của người lao động.

Hai nữa là tiền lương tối thiểu tăng chậm sẽ tác động đến nguồn thu của quỹ bảo hiểm xã hội vì hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội thu dựa trên nền lương tối thiểu. Nếu duy trì lương tối thiểu thấp như vậy sẽ tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội. Theo tính toán, quỹ bảo hiểm xã hội chỉ còn đủ để chi đến năm 2030.

Lợi ích của tăng lương tối thiểu đối với người lao động như thế nào? Theo ông tăng lương bao nhiêu nữa mới phù hợp với mức sống hiện nay của người lao động?

Trước hết phải đưa ra lộ trình tăng lương. Lộ trình từ nay đến năm 2017 vẫn còn thiếu khoảng 30% lương tối thiểu. Để bù đắp được 80% mức sống của người lao động phải tăng lên 3,4 triệu chứ không phải 3,1 triệu.

Nhà nước đưa ra lộ trình tăng lương tối thiểu đủ mức sống tối thiểu và đã đề ra nhiều mốc thời gian để phấn đấu. Tuy nhiên liên tục các mốc thời gian đã bị lùi, đến giờ không thể lùi được nữa vì Luật lao động đã quy định, phải sớm tăng lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu.

Cần thống nhất quan điểm chi cho tiền lương là chi cho đầu tư phát triển chứ nếu ta nghĩ chi cho tăng lương là giảm lợi nhuận là không đúng.

Nếu doanh nghiệp tăng lương phù hợp với công sức mà người lao động bỏ ra uy tín sẽ cao hơn, doanh nghiệp sẽ phát triển hơn. Nếu doanh nghiệp so kè với người lao động, trả lương rẻ mạt họ chỉ làm tạm bợ.

Tăng lương bao nhiêu người Việt mới đủ sống? - 1

Tiến sĩ Đặng Quang Điều, Trưởng ban Kinh tế xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tiền lương trả đủ cống hiến với người lao động thì doanh nghiệp sẽ được họ gắn bó hơn. Người lao động khỏe thì doanh nghiệp khỏe. Sức khỏe của năng suất lao động tốt, sức khỏe của doanh nghiệp tốt.

Doanh nghiệp đừng ngại tăng lương cho người lao động mà ngược lại dùng nó là đòn bẩy để kích thích cho năng suất lao động tăng lên, doanh nghiệp sẽ phát triển.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động, mức lương tối thiểu 3,1 triệu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Theo điều tra khảo sát của Viện công nhân Công đoàn, mức sống của người lao động hiện nay vào khoảng 3,6 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi đã khảo sát mức sống tối thiểu này từ khoảng 60 doanh nghiệp khác nhau.

Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Tiền lương Quốc gia thống nhất 3,1 triệu rõ ràng mới đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu. Như vậy còn thiếu 25 % tiền lương tối thiểu nữa mới bù được mức sống tối thiểu.

Tiêu chí xác định mức sống tối thiểu là gì, thưa ông?

Hiện nay chưa có tiêu chí thống nhất để xác định mức sống tối thiểu. Do đó, các cơ quan vẫn đưa ra mức sống tối thiểu tương đối khác nhau nên dẫn đến cách tính tiền lương tối thiểu khác nhau. Có cơ quan dựa vào 45 mặt hàng hóa, có cơ quan dựa vào khảo sát...

Chúng tôi rất muốn Nhà nước thống nhất cách tính và giao cho cơ quan nào đó để tính mức sống tối thiểu. Theo tôi nên giao cho Tổng cục thống kê để tính mức sống tối thiểu của người lao động.

Là cơ quan đại diện của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động áp dụng cách tính thế nào?

Hiện nay chúng tôi đưa ra mẫu khảo sát dựa trên lượng calo người lao động tiêu thụ hàng ngày. Hiện nay quy định chung của người Việt Nam tiêu thụ trong 1 ngày là 2.300 calo/ngày. Tương ứng, người lao động phải sử dụng bao nhiêu rau, thịt, nước để người lao động đủ sức làm công việc bình thường nhất. Chúng tôi tính như thế đã rất sát với cuộc sống hàng ngày của người lao động.

Doanh nghiệp đừng so kè với người lao động

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tăng lương không phụ thuộc vào nghiên cứu của tổ chức nào đó mà phụ thuộc vào năng suất lao động. Vậy, đề xuất tăng lương lần này Tổng Liên đoàn lao động dựa vào đâu, thưa ông?

Tăng lương lần này có đưa ra công thức để tính cho việc tăng lương. Công thức này là mức tăng lương hàng năm bằng chỉ số CPI (giá tiêu dùng) cộng với năng suất lao động hàng năm. Hiện nay năng suất lao động hàng năm là 3% và cộng với số tiền lương còn thiếu hụt so với mức sống tối thiểu. Rõ ràng việc tính lương tối thiểu đã căn cứ 1 phần vào năng suất lao động.

Tăng lương bao nhiêu người Việt mới đủ sống? - 2

Tăng lương nhưng người lao động vẫn không đủ sống.(Ảnh: Tất Định)

Thời điểm này có phù hợp để tăng lương tối thiểu hay không trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn họ khó khăn và thua lỗ?

Theo tôi, bất cứ lúc nào doanh nghiệp cũng kêu, không doanh nghiệp nào nói có lãi. Tăng lương tối thiểu mỗi năm đã được tính toán và quy định. Mỗi năm đều được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tế số doanh nghiệp năm nay thành lập nhiều hơn năm trước. Số vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng cao hơn số vốn của doanh nghiệp cùng thời gian này năm trước.

Năm nay hàng tồn kho cũng giảm nhiều, thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Đây là yếu tố rất thuận lợi để tăng lương chứ không phải khó khăn.

Ông có lo ngại đề tăng lương tối thiểu ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp cắt thưởng và các khoản phụ khấp khác của người lao động?

Tất cả tiền thưởng, phụ cấp khác doanh nghiệp đã được thỏa thuận với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cắt đi là vi phạm quy chế với người lao động.

Với phương án tăng lương tối thiểu là 3,1 triệu, nhiều người lo doanh nghiệp phải sa thải nhân viên. Vậy, ông có lo ngại  tỷ lệ thất nghiệp tăng lên?

Các nhà kinh tế đã nghiên cứu, tăng lương không phải là nguyên nhân sa thải người lao động. Vậy, việc tăng lương không phải là lý do để sa thải nhân viên.

Là một nhà nghiên cứu, ông áp dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới?

Ở nước ngoài họ cũng có phương pháp tính tăng lương hàng năm. Tuy nhiên, ở nước ngoài tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu rồi. Nhưng họ tính chỉ dựa vào chỉ số CPI cộng với năng suất lao động để điều chỉnh mức tăng lương hàng năm.

Tại Việt Nam, tiền lương tối thiểu không bằng mức sống tối thiểu nên tăng lương không thể áp dụng như nước ngoài mà phải cộng thêm thiếu hụt giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN