Tăng giá xăng từ 28/8: Mới chỉ cho tăng… 50%

Sự kiện: Giá xăng

Chiều 28/8, cùng thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu tiên tăng giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tổ chức họp báo để giải đáp về cơ chế điều hành giá xăng dầu.

“Mới cho tăng 50% giá”

Theo diễn biến của thị trường, kể từ 6 giờ chiều hôm qua, các doanh nghiệp đã chính thức tăng giá bán xăng thêm 650 đồng/lít, dầu diesel (DO) tăng 300 đồng và dầu hỏa tăng 450 đồng/lít, riêng dầu madút không tăng. Saigon Petro tăng giá đầu tiên, sau đó đến Petrolimex. Như vậy, từ đầu năm tới nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít, trong khi mức tăng đã tới 5.400 đồng/lít.

Tăng giá xăng từ 28/8: Mới chỉ cho tăng… 50% - 1

Giá xăng dầu tăng, ví tiền của người tiêu dùng lại “nhẹ” thêm

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh: “Giá xăng dầu thế giới biến động tăng và đang đứng ở mức cao. Đây là tình hình khách quan, không phải do lỗi điều hành của cơ quan quản lý, đặt giá xăng dầu trong nước trước quyết định phải tăng”.

Theo ông Thỏa, trước khi tăng giá, chênh lệch giữa giá xăng dầu cơ sở với giá bán hiện hành đối với mặt hàng xăng là 1.482 đồng/lít, dầu diesel là 947 đồng/lít, dầu hỏa là 1.088 đồng và madút là 754 đồng/lít.

Trước thực tế này, để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, Liên bộ đã quyết định cho phép doanh nghiệp xăng dầu được tăng giá kèm theo điều kiện không được tính lợi nhuận định mức vào giá cơ sở và tính đúng mức chi phí 600 đồng theo quy định của Nghị định 84 mà không được phép tính cao hơn, kể cả khi trong thực tế mức chi phí cao hơn mức 600 đồng.

Để bù đắp cho doanh nghiệp và ngăn giá không tăng cao quá, liên bộ thống nhất cho tăng mức sử dụng quỹ bình ổn với xăng từ 300 đồng/lít hiện nay lên 500 đồng/lít. Mặt hàng dầu, sau nhiều năm không được bù lỗ, cũng sẽ được trích 300 đồng/lít từ Quỹ Bình ổn giá. Doanh nghiệp bắt đầu được sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp với thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ. Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định: Trong lần tăng giá này, doanh nghiệp mới chỉ được phép tăng 50% giá, còn 50% còn lại là Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng.

Nên rút giấy phép cây xăng “găm” hàng

Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu phải bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng, dầu cho toàn hệ thống phân phối của mình (bao gồm cả tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ). Bộ này cũng yêu cầu kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, nhất là đối với các hành vi găm hàng, ngừng bán không rõ lý do, vi phạm về đối tượng mua bán xăng, dầu, vi phạm về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng, dầu, vi phạm về dự trữ xăng, dầu.

Trả lời câu hỏi của báo chí đặt ra xung quanh đề xuất giảm một số loại thuế, phí (hiện lên tới 6.000 đồng/lít) để hạn chế việc tăng giá xăng dầu liên tục trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết:

Các mức thuế đối với xăng dầu hiện đang thấp hơn mức quy định. Đồng thời trong năm 2012 này, nhiều khoản thuế đã được dãn, giảm nên việc giảm thuế đối với xăng dầu không khả thi.

Tuy nhiên, ông Thỏa cho biết, nếu thời gian tới giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục biến động tăng cao thì Bộ Tài chính sẽ xem xét, cân nhắc để sử dụng đồng bộ các công cụ để hạn chế việc tăng giá.

Xung quanh vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận về việc các cây xăng, doanh nghiệp đầu mối “găm” hàng chờ tăng giá, ông Thỏa cho biết: Bộ Tài chính cũng không loại trừ có hiện tượng “chờ giá”. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này rất khó.

“Theo tôi, nên mạnh dạn rút giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn bởi giải pháp phạt vài chục triệu đồng cho thấy không đem lại hiệu quả vì lợi nhuận sau đó đủ lớn để bù đắp” - ông Thỏa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Thủy (Dân Việt)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN