Tăng giá điện từ 1/8

Từ 1/8, Giá bán điện bình quân sẽ tăng từ mức 1.437 đ/kWh hiện nay lên 1.508,85 đ/kWh.

Ngày 31/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19 quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, kể từ ngày 01/8/2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đ/kWh).

Việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than.

Lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.

Với biểu giá bán điện ban hành kèm theo Thông tư số 19 của Bộ Công Thương, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi.

Các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đ/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đ/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đ/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đ/tháng.

Một ngày trước đó (30/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại phiên họp báo thường kỳ tháng 7/2013 cho biết, có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường.

Bộ trưởng cho biết, đầu vào giá điện có than, nhưng giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác. Từ đó, có tình trạng buôn lậu than bán cho nước ngoài. Nếu giá điện của Việt Nam thấp, tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện. Như vậy dẫn đến nước ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư.

Bộ trưởng khẳng định, sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo. Thay vì hỗ trợ chung cho điện thì Chính phủ hỗ trợ cho người dân. Ví dụ, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo được bao cấp một số điện nhất định.

“Chúng ta tiến tới cơ chế thị trường kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Chính phủ huyến khích bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, và tiết kiệm năng lượng hơn”, ông Đam nói.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, ông Vũ Đức Đam, Chính phủ yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN