Tân Tổng Cục trưởng Đường bộ hứa gì khi nhậm chức?

Ông Nguyễn Văn Huyện, người vừa trúng tuyển Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi nhậm chức ông sẽ ưu tiên xây dựng quy chế điều hành con người, bảo trì đường bộ, siết chặt việc kiểm soát xe trọng tải…

Trong hai ngày 25, 26/4, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức việc thi tuyển chọn ra người lãnh đạo giỏi nắm giữ các vị trí then chốt. Kết quả ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ đã giành số điểm cao nhất 169,33 điểm và trúng tuyển.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huyện sau buổi lễ công bố kết quả cuộc thi tuyển tại Bộ GTVT.

Ông đạt số điểm cao nhất (169,33) ở cả hai phần thi viết và chương trình hành động, ông có bất ngờ về kết quả này?.

Trước khi đi thi tôi khá bình tĩnh và cũng tự hứa với bản thân sẽ làm hết khả năng. Sau khi thi xong phần lý thuyết và thực hành tôi cảm thấy tự tin hơn. Do vậy, việc đón nhận kết quả tốt tôi cũng không mấy bất ngờ.

Tân Tổng Cục trưởng Đường bộ hứa gì khi nhậm chức? - 1

 Ông Nguyễn Văn Huyện, người vừa trúng tuyển Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam

Ông sẽ ưu tiên công việc nào đầu tiên khi ngồi vào ghế  Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam. Ông sẽ đặt ra tiêu chí, nhiệm vụ nào để thay đổi cách quản lý làm việc của Tổng cục từ trước đến nay?

Đối với lĩnh vực ở Bộ GTVT, bản thân tôi nhận thấy có nhiều lĩnh vực đã tốt, tuy nhiên vẫn có một số lĩnh vực như về vận tải, an toàn giao thông thì mới khởi sắc.

Thế nhưng để Tổng cục tốt hơn tôi đã chia ra phát triển 6 lĩnh vực, với  trên 10 nhiệm vụ, chức năng cần phải làm ngay. Lĩnh vực tôi ưu tiên đầu là xây dựng quy chế quản lý con người. Tôi không thể nói thay hết cán bộ, nhân viên chuyên viên được mà sẽ xây dựng quy chế nội bộ rõ ràng, phân trách nhiệm rõ ràng cho từng người. Nếu phân công việc cho cán bộ thì họ phải làm. Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Như vậy điều hành tốt thì bộ máy hoạt động tốt. Trong chương trình đổi mới về con người đề ra, tôi sẽ điều chỉnh cán bộ trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm. Tiêu chí là lấy công việc đánh giá thực chất con người.

Ưu tiên tiếp theo là công tác bảo trì đường bộ. Tôi sẽ cho cán bộ đánh giá lại hiệu quả của công tác bảo trì đường bộ trong những năm qua. Đặc biệt, sẽ cho đấu thầu chọn ra các đơn vị, công ty có năng lực tốt. Đơn vị nào có công nghệ cao, hiện đại, tin cậy sẽ được tham gia bảo trì đường bộ.

Tôi ví dụ như bây giờ Tổng cục ủy quyền 48% km đường quốc lộ cho các tỉnh nhưng có thể nói là hầu như các tỉnh này chưa nắm bắt, kiểm soát được vốn đó tiêu có đúng không, chất lượng công trình được bảo trì có được đảm bảo không…

Việc cấp giấy phép lái xe hiện nay còn lỏng lẻo, nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực. Ông sẽ đưa ra giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên?

Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất các trung tâm sát hạch lái xe. Yêu cầu tất cả các trung tâm đào tạo sát hạch phải công bố lịch thi lên trên mạng. Trong những ngày thi lực lượng chức năng sẽ bất ngờ kiểm tra. Nếu mà thấy học viên bỏ về, có biểu hiện bất thường thì chắc chắn có tiêu cực và sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay.

Hiện nay xe dù, bến cóc vẫn hoạt động rầm rộ, giá vé lại tăng gấp đôi tình trạng này tiếp diễn mạnh nhất vào ngày nghỉ, lễ. Vậy ông sẽ có giải pháp gì?

Khi là Chánh thanh tra tôi là người tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng và tôi là người đã xử lý rất nhiều đơn vị vận tải vi phạm. Việc tăng giá vé, có đơn vị tăng cao nhất là 200%. Cũng có những trường hợp kinh doanh không lành mạnh, khi đó tôi cho lực lượng chức năng ở 2 tỉnh bám theo gần 7h đồng hồ nhưng cuối cùng không phải. Tuy nhiên, việc này tôi sẽ giao lại cho các tỉnh quản lý. Trong đợt tới chúng tôi sẽ có những giải pháp mạnh tay hơn.

Việc kiểm soát xe trọng tải đang là vấn đề “nóng” đối với Bộ GTVT. Đặc biệt, nhiều người dân kêu than đường xấu, hỏng vì bị xe quá tải làm hỏng. Vậy ông làm gì để ngăn chặn việc này trong thời gian tới?

Việc kiểm soát xe quá tải chúng tôi sẽ làm liên tục và làm triệt để trong thời gian tới. Tất nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ chủ trì trong việc đó. Các bộ ban ngành địa phương cũng phải vào cuộc. Tôi cũng biết rằng nếu xe tải chở quá tải gấp 2 lần thì sẽ làm tuổi thọ của đường giảm . Nhưng nếu chở quá tải 10 lần thì còn nguy hiểm hơn, công trình chỉ 1 năm là bị phá, hư hỏng. Do vậy, các địa phương cần phải phối hợp với Tổng cục quyết liệt hơn trong việc kiểm soát xe quá trọng tải.

Ông có ý định áp dụng việc thi tuyển các lãnh đạo cục, vụ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam giống như kỳ thi Bộ GTVT vừa tổ chức không?.

Về phía Bộ GTVT tôi nghĩ Bộ trưởng sẽ có nhiều cuộc thi tuyển lãnh đạo như vậy trong thời gian tới. Theo tôi, Bộ làm được việc thi tuyển thì Tổng cục vẫn làm được nhưng phải lộ trình thế nào cho phù hợp.

Trước đó, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam thông báo thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng  Cục Đường bộ Việt Nam. Danh sách 4 ứng viên được Bộ GTVT phê duyệt gồm: ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam; ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải; ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải. Cuộc thi tuyển diễn ra tại Bộ Giao thông vận tải trong 2 ngày, từ ngày 25 đến 26/4/2014.

Các ứng viên đã trải qua phần thi viết và bảo vệ chương trình hành động. Ông Huyện giành số điểm cao nhất với 169,33 điểm; ông Nguyễn Xuân Cường đạt 163,14 điểm; ông Phạm Hồng Sơn đạt 161,40 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN