Tận thu cũng không đủ tiền bảo trì đường bộ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói: “Nếu không thu phí bảo trì đường bộ thì không có nguồn nào để sửa chữa đường bộ”.
Trước đây, qua trạm thu phí, mỗi năm thu chưa được 1.000 tỷ đồng. Dự kiến nếu thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013, mỗi năm thu được 3-4 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Trường, với xe máy sẽ giao cho địa phương thu (thôn, bản, tổ dân phố sẽ thống kê rồi thu và kinh phí một phần sẽ được trích lại). Ban đầu xe máy chưa thể thu đồng loạt được, ước tính đạt khoảng 50%, còn ô tô sẽ thu qua đăng kiểm định kỳ. Nếu thu cực đại theo đề án, mỗi năm có thể đạt 6.000 tỷ đồng. Nhưng cũng không đủ để bảo trì đường bộ.
Đường trên cao của Hà Nội
Khi được hỏi, xe máy điện cần khuyến khích để bảo vệ môi trường, cũng như không tác động nhiều tới hạ tầng giao thông nhưng vẫn thuộc đối tượng dự kiến sẽ thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Theo định nghĩa, xe máy điện là một loại xe máy chạy bằng điện, người điều khiển phải đội mũ bảo hiểm, khi mất điện không thể đạp được. Phân khối có loại 100, tốc độ có thể lên tới 80 Km/h. Nó khác hoàn toàn xe đạp điện, khi mất điện có thể đạp bằng chân và người điều khiển không phải đội mũ bảo hiểm”.
Mức thu phí như đề xuất của Bộ Tài chính có khả thi với xe máy và xe máy điện, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay? “Vấn đề không phải mức thu ít hay nhiều, mà muốn người tham gia giao thông ý thức trong việc đóng góp cho hạ tầng giao thông. 100 nghìn đồng/năm/xe cũng không phải lớn với một cá nhân. Trong khi đó, với 62 huyện nghèo, Chính phủ đã chủ trương sẽ miễn giảm”, ông Trường nói.
Theo Dự thảo Thông tư về phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính, mức thu với xe máy điện, xe có phân khối từ 50-100 cm3 là 50.000-100.000 đồng/năm/xe. Dự kiến thu từ ngày 1-1-2013.
Kiểm tra lại một số hạng mục đường trên cao Trọng Đảng |