Tận thấy cây Trôm 150 năm tuổi đẹp như tranh được công nhận di sản Việt Nam
Cây Trôm trong sân trường ở Bình Dương xác định hơn 150 năm tuổi, được công nhận là di sản Việt Nam. Cây Trôm nằm bên đường Bạch Đằng giáp ranh sông Sài Gòn tạo điểm nhấn, thu hút sự chú ý của người dân với khung cảnh đẹp.
Ngày 1/3, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thầy Lê Quang Lợi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương cho biết, vào ngày 8/3 tới đây, trường sẽ tổ chức lễ trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam - Cây Trôm tại khuôn viên trường. Cũng trong ngày này, trường phối hợp với Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương tổ chức khai mạc Trưng bày sản phẩm Sơn mài truyền thống.
Dù nằm trong khuôn viên trường song cơ quan chức năng xác định cây Trôm ra đời trước khi xây dựng trường. Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương thành lập từ năm 1901, khoảng 123 năm, riêng cây Trôm có tuổi đời hơn 150 năm. Việc xác định độ tuổi của cây chủ yếu theo sự truyền miệng của người dân, từ lời kể của các bậc cao niên và nhà giáo lão thành.
Cây Trôm có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m. Thân cây Trôm với bề mặt gồ ghề, xù xì được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi, cây có nhiều nhánh rất to hướng về các phía, phần rễ hướng về sân trường, nguyên do trước đây cây Trôm nằm sát sông, nên phần rễ bám vào đất liền.
Đến nay, bờ sông Sài Gòn được thành phố Thủ Dầu Một xây dựng đường Bạch Đằng, làm phố đi bộ, cây Trôm nằm ở vị trí sát tuyến đường này. Cây Trôm phát triển mạnh mẽ, xanh tốt, được các thế hệ thầy và trò chăm sóc, Nhà trường gìn giữ và bảo vệ hết sức cẩn thận.
Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương tiền thân là Trường Mỹ nghệ bản địa Thủ Dầu Một, đây là trường Mỹ nghệ ứng dụng ra đời sớm nhất ở khu vực 3 nước Đông Dương, do chính quyền Pháp thành lập từ năm 1901. Nhà trường được bảo tồn và công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.
Thầy Lê Quang Lợi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương chia sẻ, cây Trôm đã gắn liền với sự hình thành và phát triển của Nhà trường. Hiện nay, cây Trôm là điểm nhấn nổi bật tại địa phương, vì cây Trôm là cây duy nhất có tán rộng, cao to và có tuổi đời lớn nhất trên đoạn đường Bạch Đằng nối dài, là nơi có cảnh đẹp được nhiều người đến chụp ảnh lưu niệm.
Đầu năm mới cây Trôm ra hoa kết trái.
Bờ sông Sài Gòn được thành phố Thủ Dầu Một xây dựng đường Bạch Đằng, làm phố đi bộ, cây Trôm nằm ở vị trí sát tuyến đường này.
Theo thầy Lợi, việc công nhận cây Trôm trong khuôn viên trường là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và xã hội, đồng thời nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng loài cây, bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo mảng xanh đô thị.
Cây gạo "đại thụ" ước chừng hơn 500 tuổi được người dân xem là báu vật thiêng liêng, vô giá, gắn bó biết bao thăng trầm của lịch sử vừa được công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
Nguồn: [Link nguồn]