Tận thấy bộ xương cá voi khổng lồ được dân làng coi như báu vật
Nhiều năm qua, người dân vùng biển xã Đa Lộc (Thanh Hóa) lưu giữ bộ xương cá voi kích thước lớn trong lồng kính như là bùa hộ mệnh cho bà con đi biển được bình an và sản lượng nhiều.
Ở làng biển Hùng Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có một ngôi đền được người dân nơi đây cho rằng rất linh thiêng. Tại đây lưu giữ một bộ xương cá voi nặng hàng tấn, của một con cá chết trôi dạt vào bờ cách đây hơn 15 năm.
Ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Hùng Thành cho biết, đầu năm 2005, trong lúc đi biển, người dân địa phương phát hiện một con cá voi nặng gần 20 tấn đã chết, nằm cách bờ biển gần 500m. Người dân liền kéo vào bãi vẹt. “Tôi nhớ lúc đó gần 30 chiếc tàu đánh cá và hơn 400 người hợp sức kéo ông cá vào. Ngày kéo ông cá vào bãi, người dân phấn khởi như mở hội”, ông Hải kể lại.
Ngay sau đó, ngư dân đắp bùn, dùng lưới vây quanh thân cá. Hơn 1 năm sau, xác cá phân hủy, bà con huy động thuyền đánh cá ra biển đưa bộ xương cá voi khổng lồ vào bờ và thực hiện các nghi lễ, sau đó đưa bộ xương về thờ tại Phủ Gảnh trong làng. Ông Hải cho hay, thời điểm đó, có một doanh nhân đến hỏi mua bộ xương với giá cao nhưng dân làng không bán.
Theo Trưởng thôn Hùng Thành, đến năm 2015, người dân trong vùng và con em đi làm ăn xa về quê góp tiền xây dựng một ngôi đền thờ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Bộ xương cá được bảo quản trong lồng kính.
Đã hơn 15 năm trôi qua, bộ xương vẫn được bảo quản khá nguyên vẹn. Người dân trong làng thay nhau trông coi, quét dọn vệ sinh.
Theo đó, bộ xương Ông cá voi có chiều dài khoảng 12m, khung xương rộng gần 2m, được bảo quản trong tủ kính, sắp xếp theo thứ tự từ đầu đến đuôi, với 40 đốt xương sống, 2 xương mang và 24 chiếc xương sườn, xương hình cánh quạt, xương hình cánh cung.
Do khí hậu nóng ẩm, một số khúc xương đã bị mốc nhưng vẫn còn khá chắc chắn.
Phần đầu cá voi có hai chiếc xương vi rất to được đặt ở hai bên bị phủ rêu xanh.
Điều đặc biệt, bộ xương không cần phải cố định bằng khung gỗ hay inox như những bộ xương cá voi ở nơi khác. Người dân chỉ cần ghép đúng các vị trí, bộ xương sẽ hoàn chỉnh như ban đầu của cá.
Ông Hải chia sẻ: “Nơi đây có nghề đi biển cả trăm năm nay nên đền thờ ông cá voi như bùa hộ mệnh cho bà con đi biển. Chuyến đi nào mà gặp cá ông là điềm may mắn. Nếu gặp nạn, cá ông sẽ sẵn sàng cứu giúp”.
Hằng năm, vào dịp 19/1 và 12/2 (Âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ hội cầu ngư ở đền. Đây là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với thần linh và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, tàu thuyền ra khơi an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]