Tân Sơn Nhất mất điện, đã có đài ở Hà Nội chỉ huy

Mất điện đài kiểm soát không lưu khiến sân bay không cấp được huấn lệnh cho máy bay hạ cánh hay cất cánh. Điều này có uy hiếp an toàn bay?

Xung quanh sự cố mất điện đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) ngày 20/11 dẫn đến không lưu mất quyền điều hành bay và khiến 50 chuyến bay bị gián đoạn, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Sâm - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không.

Tân Sơn Nhất mất điện, đã có đài ở Hà Nội chỉ huy - 1

Theo ông Nguyễn Tiến Sâm, nếu đài kiểm soát không lưu mất điện, sân bay không cấp được huấn lệnh cho máy bay hạ cánh hay cất cánh, do đó, mát bay không thể cất hay hạ cánh (Ảnh minh họa: Giaothongvantai.com.vn)

Máy bay không hạ cánh được

Theo ông Sâm, sự cố mất điện đài kiểm soát không lưu có thể xảy ra ở các sân bay. Có nhiều nguyên nhân gây mất điện đài kiểm soát không lưu. Nếu mất điện mạng, sân bay đã có máy phát điện dự phòng. Theo đó, sự cố có thể khắc phục trong khoảng nửa tiếng.

"Tôi chưa rõ sự cố tại Tân Sơn Nhất như thế nào. Nhưng trường hợp sập điện hệ thống mất cả tiếng đồng hồ là hãn hữu." - Ông Sâm nói.

Ông Sâm cho biết, đài kiểm soát không lưu có vài trò quan trọng trong điều hành hoạt động bay. Nó có chức năng kiểm soát, cho huấn lệnh cất cánh, hạ cánh, độ cao, hướng bay,... Đài kiểm soát không lưu điều hành tất cả chuyến bay của hàng không dân dụng đi qua.

"Nếu đài kiểm soát không lưu mất điện, sân bay không cấp được huấn lệnh cho máy bay hạ cánh hay cất cánh." - Nguyên Cục trưởng Cục Hàng không cho hay.

Theo đó, máy bay đang đến sân bay không thể hạ cánh được. Nhưng theo ông Sâm, sự cố hôm qua tại sân bay Tân Sơn Nhất không đến mức uy hiếp an toàn bay. Vì khi đó, đài kiểm soát ở Hà Nội có thể chỉ huy vào trong Sài Gòn. Máy bay chỉ phải chuyển hướng sang sân bay dự bị. Hoạt động của máy bay vẫn được kiểm soát. Cụ thể, hôm qua, một số chuyến đã bay về Cam Ranh, Cần Thơ,...

Khi được hỏi về trường hợp máy bay đang trên đà hạ cánh xuống sân bay, ông Sâm cho rằng "cứ hạ cánh bình thường". Bởi vì khi đó, mọi hoạt động trên đường băng đều đã được sắp xếp, lên kế hoạch.

Chủ yếu gây thiệt hại thương mại

Tuy nhiên, ông Sâm không phủ nhận, trường hợp hy hữu vẫn có thể uy hiếp an toàn bay. Đó là khi mất điện đài kiểm soát không lưu ở Tân Sơn Nhất và các sân bay khác cũng không liên lạc được với phi công. Lúc này, cơ quan chức năng không có cách nào thông báo cho phi công để thay đổi lịch trình, kế hoạch hạ cánh.

Mặc dù vậy, trường hợp tất cả sân bay cùng mất liên lạc với máy bay rất khó xảy ra. Vì một máy bay bay trên trời, không những đài kiểm soát 2 đầu mà đài ở các sân bay khác cũng có thể kết nối liên lạc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, trong những tháng năm công tác trong ngành hàng không, ông chưa nghe nói sự cố mất điện đài kiểm soát gây hậu quả đáng tiếc nào. Những nguyên nhân chủ yếu của tai nạn hàng không nằm ở phi công, kỹ thuật máy móc trên máy bay và khí tượng,...

Theo ông Sâm, mất điện đài kiểm soát không lưu khiến kế hoạch khai thác của ngành hàng không bị ảnh hưởng, trong đó có thiệt hại về thương mại của các hãng hàng không.

"Khắc phục càng sớm, ngành hàng không càng giảm được thiệt hại" - người có nhiều năm hoạt động trong ngành hàng không nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN