Tận mắt xem cảnh cạy răng, lấy nọc độc mãng xà miền Tây
Để lấy được nọc rắn lục đuôi đỏ điều chế huyết thanh, nhân viên trại giữ chặt đầu rồi áp miệng rắn vào ly để nó phóng nọc vào bên trong. Hai chiếc răng của rắn lục đuôi đỏ rất dài. Khi cắn vào thành ly, nọc sẽ theo răng chảy ra.
Nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 9km, Trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là “vương quốc” rắn của Việt Nam, với hơn 400 loài trong đó có những loại rắn cực độc và nằm trong sách đỏ.
Hàng trăm con rắn đu trên nhánh cây ở Trại rắn Đồng Tâm
Nơi bảo tồn rắn “khủng”
Trại rắn Đồng Tâm được thành lập từ năm 1977 với mục đích nuôi rắn lấy huyết thanh kháng nọc cứu người. Sau gần 40 năm, trại rắn phát triển lớn mạnh và có tên chính thức là “Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9” với nhiều chức năng: Nuôi rắn sinh trưởng, sinh sản; sản xuất huyết thanh; cấp cứu và điều trị rắn cắn… Năm 2005, Bảo tàng rắn của trại rắn Đồng Tâm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên và là nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam.
Từ chỗ chỉ có 0,5 ha khi mới thành lập, đến nay, trại rắn Đồng Tâm đã mở rộng lên thành 12 ha, bảo tồn hàng chục loài rắn, trong đó có nhiều loài rắn qúy hiếm như: Mai gầm, hổ đất, hổ mang chúa, cạp nia… Nổi tiếng nhất và được xem là “con cưng” của trại là loài hổ mang chúa.
Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương - Phó Giám đốc trại rắn nói: “Từ năm 1999 đến nay, công tác bảo rồn gien các loài rắn độc đã được Trung tâm đặc biệt quan tâm đưa vào chương trình bảo tồn gien quốc gia. Với mô hình nuôi bảo tồn các loại rắn độc của trung tâm hiện nay đã kết hợp chặt chẽ giữa nuôi bảo tồn và khai thác nguồn gien quí hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội”.
“Xuất phát từ việc nguồn rắn độc ở nước ta ngày càng hiếm do nạn săn bắt, tận diệt của con người và môi trường sống của chúng dần bị thu hẹp. Vì thế, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo tồn các loài rắn, đặc biệt là hổ mang chúa”, trung tá Lương giải thích.
Hiện trại rắn Đồng Tâm đang nuôi dưỡng 4 con hổ mang chúa “khủng”, từ 10 đến 16 tuổi. Mỗi con nặng hơn 12kg và dài gần 4m và hàng trăm con hổ mang chúa từ 3 tuổi trở lên.
“Những con hổ mang chúa này là con “cưng” của trại vì hằng năm chúng cho lượng nọc độc rất lớn dùng để sản xuất huyết thanh và dược liệu. Do được nuôi từ nhỏ lại thường xuyên tiếp xúc với con người nên những con hổ mang chúa không hung dữ như cùng loại ở ngoài tự nhiên”, nhân viên trại rắn thông tin.
Ngoài rắn hổ mang chúa cực độc, trại rắn Đồng Tâm còn có hàng ngàn con rắn hổ mèo, có thể phun nọc độc xa tới 2m. Bên cạnh đó, rắn mai gầm, cạp nong, cạp nia, rắn lục đuôi đỏ… đang được nuôi dưỡng chăm sóc với số lượng rất lớn.
Để lấy được nọc rắn lục đuôi đỏ điều chế huyết thanh, nhân viên trại giữ chặt đầu rồi áp miệng rắn vào ly để nó phóng nọc vào bên trong. Hai chiếc răng của rắn lục đuôi đỏ rất dài. Khi cắn vào thành ly, nọc sẽ theo răng chảy ra. Lúc loài này mang thai, nọc của chúng độc hơn nhiều so với bình thường. Một lần lấy nọc diễn ra chưa đầy 1 phút/con.
Mớm mồi cho rắn cực độc ăn
Dù rắn hổ mang chúa, hổ mèo… là những loại rắn cực độc, có khả năng phun nọc xa 2m nhưng hàng tuần những người chăm sóc rắn ở đây vẫn bất chấp nguy hiểm, kiểm tra cẩn thận sức khỏe từng con một.
Rắn hổ mèo có thể phun nọc độc xa 2m
Trung tá Lương cho biết, mỗi khi rắn bị thương hoặc bị bệnh đều được đội ngũ cán bộ nhân viên chăm sóc tận tình như chăm người ốm vậy. Rắn cũng bị bệnh như: viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa hoặc bị ký sinh trùng. Chỉ cần nghe tiếng thở hoặc nhìn phân rắn thải ra là biết nó bệnh gì. Ví như rắn thở xì xì mạnh là nó đang ho viêm phổi phải cho uống thuốc liền.
“Nhiều con rắn không ăn, đích thân những người như chúng tôi phải bắt nó ra đút từng con mồi như cho trẻ ăn. Tuy nhiên, mọi việc làm phải cẩn thận vì những con này khi bị tác động trở nên hung dữ”, anh Nguyễn Hữu Viên người chăm sóc rắn ở trại nói.
Theo anh Viên, công việc chăm sóc rắn độc khó nhất là những con rắn bị người dân bắt và đưa về trại. Bởi ngay khi không bị thương, những con rắn độc này vẫn không chịu ăn mồi vì vẫn còn bản tính sống ngoài tự nhiên.
Anh Viên kể giữa năm 2015, con rắn hổ mang chúa nặng 6kg và dài 3,1m được người dân Đồng Tháp bắt. Để bắt được con rắn này, người dân đã dùng cây, chĩa, chích điện vào con rắn khiến nó bất tỉnh. Sau đó, lo sợ rắn phun nọc độc bà con đã dùng 2 đoạn dây thép khâu miệng con rắn lại. Mấy ngày sau khi được đưa về Trại rắn Đồng Tâm, con hổ mang chúa này gần như đã sức cùng lực kiệt với vết thương trên cơ thể và không thể ăn được vì miệng bị nhiễm trùng.
Do vậy, để chữa trị, các chuyên gia của Trại rắn Đồng Tâm phải chích thuốc, sát trùng vết thương và đặc biệt là đút mồi đến tận miệng thì nó mới có thể ăn được. Và sau 2 tháng điều trị sức khỏe hổ mang chúa này đã hồi phục bình thường.
Cảnh lấy nọc độc rắn lục đuôi đỏ
Trại rắn Đồng Tâm có nhiều loài rắn qúy hiếm như: Mai gầm, hổ đất, hổ mang chúa, cạp nia… Nổi tiếng nhất và được xem là “con cưng” của trại là loài hổ mang chúa.
Cận cảnh chăm sóc rắn hổ mang chúa bị khâu miệng bằng dây thép ở trại
Hiện sức khỏe con rắn này đã hồi phục nhưng không lấy nọc được vì hai răng nanh đã bị hư khi bị người dân khâu thép buộc miệng
Khuôn viên Trại rắn Đồng Tâm
----------------------
Ngoài nuôi dưỡng, lấy nọc độc của rắn phục vụ điều chế huyết thanh cũng như dược liệu, mỗi năm Trại rắn Đồng Tâm cứu cả ngàn người bị rắn độc cắn, trong đó có những ca“thập tử, nhất sinh”. Đón đọc kỳ tới: “Khắc tinh” của mãng xà ở miền Tây" vào lúc 19h ngày 1.5