Tận mắt thấy lâm tặc "khoắng" gỗ quý trong rừng
Nhờ người dẫn đường, chúng tôi vào khu rừng đặc dụng tại xã Sảng Mộc – Võ Nhai (Thái Nguyên), tận mắt thấy cảnh lâm tặc tuồn gỗ ra ngoài.
Công khai chuyển gỗ
Theo chân người dẫn đường tên K, chúng tôi bắt đầu băng qua quả núi cao thuộc địa phận xã Nghinh Tường (huyện Võ Nhai). Đập vào mắt chúng tôi là một bãi tập kết hàng chục thanh gỗ, ván gỗ ngay bên vách núi. Anh K cho biết, đó là những thanh gỗ lý, quý ngang với gỗ nghiến.
Những thanh gỗ này có vết cưa còn rất mới. Bùn đất còn bám trên gỗ khi chúng bị kéo trên núi xuống. Anh K bảo, gỗ này vừa được trâu rừng kéo ra. Đợi đến chiều, lâm tặc sẽ dùng dây buộc chắc một đầu rồi thả dây xuống chân núi.
Bãi tập kết gỗ nghiến ở rừng đặc dụng
Tiếp tục tiến sâu vào rừng thuộc địa phận thôn Tân Lập (xã Sảng Mộc), chúng tôi tận mắt chứng kiến những cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ, cắt xẻ nằm ngổn ngang.
Vác gỗ trong rừng đặc dụng đưa ra ngoài
Chợt có tiếng dân tộc quát tháo phía trước. Chúng tôi vội nấp xuống dưới những tán cây, hướng ánh mắt chăm chú sang phía bên kia dốc núi. Một chú trâu đang hì hục kéo gỗ. Một người đàn ông to béo, cởi trần đang cầm roi thúc trâu kéo gỗ...
Tiến sâu vào rừng, càng bắt gặp thêm nhiều cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ, cưa xẻ, nằm la liệt. Những thanh nghiến, khúc nghiến và thớt nghiến đã thành phẩm chất đống chờ được vận chuyển ra ngoài. Trong đó, có cả những gốc nghiến bắt đầu mọc rêu vì bị chặt từ lâu.
Khai thác gỗ trái phép ngay tại rừng
Theo anh K, những thân gỗ bị đốn hạ này đã có chủ. Lâm tặc ở đây có một luật bất thành văn, chúng đánh dấu và chặt cây nào thì người khác không được đụng đến.
Lâm tặc trắng trợn đến mức lập cả những “xưởng cưa mini” ngay tại gốc nghiến để “phanh thay” thân cây.
Lẩn khuất trong những con đường mòn, chúng tôi vẫn thấy bóng dáng lâm tặc khuân vác những thanh gỗ nghiến vừa xẻ. Thậm chí, chúng còn dựng gỗ ven đường ngồi hút thuốc, nói chuyện rôm rả.
Một trong số những người đó nói với anh K rằng, họ chỉ là người vác thuê. Vác một thanh nghiến dài khoảng 2m xuống tận chân núi được trả 100 nghìn đồng.
Cạn kiệt
Anh K cho biết, khoảng bảy năm trước, nơi đây nhiều cây đinh, nghiến đại thụ, đường kính thân hai đến ba mét. Tuy nhiên, với lợi nhuận “ngang ma tuý”, khoảng năm năm trở lại đây, lâm tặc ra sức “xẻ thịt” rừng.
Ban đầu, chúng dùng cưa tay và đốt gốc ba, bốn ngày mới hạ được một cây nghiến. Khoảng ba năm trở lại đây, lâm tặc mua cưa xăng “hành nghề”. Chỉ khoảng 30 phút, chúng hạ được một cây nghiến đại thụ. Vì thế, gỗ đinh, nghiến cứ dần dần cạn kiệt trong rừng đặc dụng.
Một thân nghiến vừa bị "xẻ thịt"
Tại một vạt rừng ngay sát thôn Tân Lập (xã Sảng Mộc), anh K cho biết, tính đường chim bay, từ đây đến thôn Tân Lập, xuống trạm kiểm lâm Sàng Mộc chỉ khoảng một cây số. Đi bộ từ thôn Tân Lập đến đây mất khoảng 40 phút. Hàng ngày, tiếng rít của cưa xăng vẫn vang vọng xuống dưới.
Người dẫn đường cho hay, lâm tặc và những người vác gỗ thuê ở khu vực này chỉ làm trong ngày. Sáng họ lên chặt, chiều vác gỗ xuống núi. Một số ít các nhóm nghiến tặc dựng lán trại để “tăng ca” mỗi khi đầu nậu cần lượng hàng lớn.
Theo anh K, chân núi thôn Tân Lập là điểm tập kết gỗ lớn nhất. Tại đây các đầu nậu trực mua gỗ tấp nập và công khai như… mua rau.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ khẩn trương yêu cầu lực lượng kiểm lâm, chính quyền huyện Võ Nhai báo cáo sự việc.
Tỉnh sẽ thành lập một tổ công tác liên ngành truy quét lâm tặc, trước mắt phải giữ rừng và kiểm đếm lại toàn bộ số gỗ bị đốn hạ.
“Với những cán bộ tiếp tay cho lâm tặc, không làm tròn nhiệm vụ, quan điểm của tôi là xử lý một cách nghiêm khắc, đúng người đúng tội”, ông Long khẳng định.