Tận diệt đào rừng vì thú chơi… tao nhã

Cận Tết Nguyên đán, nhiều con phố ở Thủ đô Hà Nội lại tràn ngập đào rừng từ khắp các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn… đổ về.

Tận diệt đào rừng vì thú chơi… tao nhã - 1

Đào rừng từ Mộc Châu (Sơn La) được bày bán khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: P.Bình

Thú chơi tao nhã này của người miền xuôi càng được ưa chuộng cũng đồng nghĩa, việc “tàn sát” đào rừng càng nhiều hơn, khiến những cây đào cổ thụ đang bên bờ vực bị tận diệt…

“Xẻ” núi săn đào rừng

Những ngày cuối năm, thời tiết trên đỉnh đèo Cao Bắc (nối liền giữa Cao Bằng và Bắc Kạn) lạnh tê tái, phủ kín sương mù. Nhưng đã hơn một tuần nay, ngày nào cũng như vậy, Nông Văn Hải (19 tuổi) phải luôn dậy từ rất sớm, rồi vác dao, vác xẻng cùng với người em trai lên rừng tìm kiếm những cành đào mới bắt đầu hé nụ.

Hải tâm sự, 3 năm nay, nhờ những cây đào rừng mà em và gia đình đã có được một khoản tiền kha khá để lo cho cái Tết được chu đáo hơn. Chàng trai người dân tộc Tày này cho biết: “Ngày xưa đào rừng nở hoa rồi ra trái, người dân lên hái ăn hoặc nó rụng đầy cả chân núi. Còn mấy năm nay, do người miền xuôi thích dùng nó để trang trí ngày Tết nên bọn mình vào tìm để bán. Cây càng to, thế đẹp thì giá càng cao. Mấy năm trước, nhiều người lên đây thuê mình vào rừng để chặt rồi vận chuyển ra ngoài quốc lộ để đưa về xuôi. Bây giờ mình không làm thuê nữa mà tự đưa xuống đây để bán cho ai có nhu cầu”.

Theo Hải, mỗi gốc đào rừng có giá từ 200.000 - 1 triệu đồng, với những gốc đào cổ thụ thì giá còn cao hơn. Hải bảo: “Ở đây bây giờ nhiều người biết dễ kiếm tiền nên đua nhau vào rừng để tìm đào. Trước đây chỉ đi hai bên đường đã thấy đào nở đỏ cả một góc rừng, nhưng nay thì hiếm rồi. Muốn có đào đẹp thì phải đi xa”.

Khác với Cao Bằng, Bắc Kạn, ở những nơi được xem là “thủ phủ” và có tiếng hơn về đào rừng như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) thì những ngày này đã trở thành “ngày hội” của những người đi săn tìm đào rừng. Ngày xưa thì chặt đào ở ven các vách núi, giờ đây hiếm hơn, họ len lỏi vào những nơi xa hơi, nguy hiểm hơn để cố gắng kiếm được cho những cành đào, gốc đào “độc”.

Còn tại Hà Nội, khoảng gần một tuần nay, đào rừng đã rải rác được các tiểu thương đem về tập kết tại nhà hoặc các khu đất trống để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Các gốc đào tại đây tùy thuộc vào “thế” và số tuổi mà có những mức giá khá phong phú. Cụ thể, gốc đào có tuổi đời khoảng 10-15 năm có giá giao động 4 - 5 triệu đồng; gốc đào 20 - 30 năm có giá khoảng 8-10 triệu; gốc đào trên 30 năm có giá trên 15 triệu đồng. Đa số đào đều chưa ra hoa, hoặc lác đác vài nụ hoa nhỏ.

Chị Hồ Thị Hương, một tiểu thương tập kết đào rừng ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) chia sẻ, để đưa được các gốc đào này về Thủ đô, trước đó các tiểu thương đã phải lặn lội hàng tháng trời lên các vùng Tây Bắc tìm kiếm, thu gom và vận chuyển về xuôi để kịp bán cho người dân dịp Tết Nguyên đán. “Do trên Sơn La, Hòa Bình thời tiết khá lạnh nên hoa đào nở muộn. Chúng tôi tìm cách vận chuyển cả gốc về đây, hi vọng thời tiết nắng ấm hoa sẽ nở đều. Có như vậy thì mới có giá và dễ bán hơn”, chị Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Ba, một tiểu thương với kinh nghiệm 4 năm đưa đào rừng từ Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn về Hà Nội tiết lộ: “Giá gốc đào mỗi năm phụ thuộc vào thị trường cung cầu. Nhưng nói chung, mỗi mùa, chúng tôi cũng kiếm được dăm bảy chục triệu đồng. Tuy nhiên, cái giá để đưa được các gốc đào về đây là chúng tôi phải bỏ ra hàng tháng trời lên vùng cao như Mộc Châu (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mai Châu (Hòa Bình)… tìm kiếm các cây đào mọc sâu trên núi, rồi thuê người và phương tiện vận chuyển về xuôi. Có những gốc đào chúng tôi phải mất nhiều ngày mới đưa từ trên lưng chừng núi cao xuống đường quốc lộ từ đó vận chuyển về xuôi”.

Theo anh Ba, vài năm trở lại đây, do nhu cầu chơi đào rừng của mọi người tăng lên nên số lượng các gốc đào to và đẹp đã giảm đáng kể. Anh Ba cho biết thêm: “Có những gốc đào trước kia chỉ cần lên khoảng 10 - 15m trên núi là có thể tìm thấy thì nay để có được những gốc đào này cần đi lên cao hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Mặt khác, năm nay chi phí thuê nhân công, phương tiện đều cao hơn năm ngoái, nên việc giá đào rừng năm nay chắc chắn sẽ tăng”.

Tận diệt đào rừng vì thú chơi… tao nhã - 2

Những gốc đào rừng hàng chục năm tuổi được săn từ trong rừng đang chờ bán trên đèo Cao Bắc.

Những tiếng kêu “rỉ máu” của đào rừng

Với việc đào rừng nườm nượp kéo nhau về xuôi phục vụ nhu cầu người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán thì cũng đồng nghĩa ở các khu rừng trở nên hoang tàn, xơ xác. Bởi để săn được những cành đào đẹp, đào to, người ta sẵn sàng chặt phá mọi thứ để săn đào cho bằng được.

Những cành đào rừng, thậm chí là cả cây đào rừng bị đào tận gốc đã rời núi rừng về thành phố để thỏa mãn thú chơi của nhiều người. Một số người dân địa phương vì hám lợi và kém hiểu biết thì cho rằng đó là “lộc rừng” nên nghe theo lời các tiểu thương, kẻ vác dao, người vác cưa vào rừng “xẻ thịt” cây đào để mang ra đường bán. Nhiều năm trước Tây Bắc vốn là thiên đường hoa đào với những khu rừng bạt ngàn hương sắc của các cây đào rừng bung nở mỗi dịp xuân về thì nay, chỉ sau vài năm, nơi đây chỉ còn lại chỏng chơ những mô đất trống, những gốc đào rỉ nhựa đỏ như máu, quặt quẹo, nham nhở đến quặn lòng.

Anh Nguyễn Văn Cơ, một thầy giáo bản ở nông trường Mộc Châu (Sơn La) đau xót: “Cứ mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, chứng kiến cảnh người dân vào rừng săn đào mà thắt lòng. Tiếng máy cưa, tiếng dao, cùng với tiếng cười nói của các tiểu thương và những người dân bản địa vào rừng săn đào dịp cuối năm đã trở thành những âm thanh ám ảnh biết bao người dân gắn bó với mảnh đất này”.

Anh Ly A Khá (ở huyện Mộc Châu), một người bạn học cũ của chúng tôi khi được hỏi về đào rừng, bảo: “Trước đây, đào mọc khắp nơi, người dân không cần đi đâu xa, ngay cạnh nhà là có thể nhìn thấy đào rừng bung nở rồi. Đào thường nở trắng cả khu rừng rất bắt mắt. Trước đây còn có nhiều người đi “phượt” tò mò thích thú ghé qua ngắm đào. Nhưng vài năm nay, đào trên này được chuyển phần lớn về xuôi nên việc thấy đào rừng nở là điều hiếm gặp. Chắc phải đi sâu lên núi may ra mới thấy”.

Anh Khá cũng cho biết, những thương lái chủ yếu tìm chọn những cây đào có dáng đẹp nên không thương tiếc chặt hết những cành đào không có giá trị kinh tế do không đẹp về thẩm mĩ. Cùng chung suy nghĩ với anh Khá, ông Hà Văn Rền (Mai Châu, Hòa Bình) đau xót: “Còn đâu là không khí Tết của vùng Tây Bắc nữa các anh ơi. Đào người ta thi nhau mang vác về xuôi cả rồi, chỉ còn trơ trụi lại là núi đá cằn cỗi, lạnh lẽo thôi”.

Ông Rền cũng bảo, với nạn khai thác đào rừng ngày càng “thô thiển” như hiện nay, nguy cơ đào rừng bị xóa xổ chỉ còn là câu chuyện thời gian. Nhưng để ngăn chặn được việc này thì không phải là dễ. Đào rừng hiện không nằm trong danh sách các cây cần bảo tồn nên việc ngăn chặn nguy cơ tận diệt đào rừng ở các địa phương vẫn tỏ ra khá lung túng và chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Đây chính là thách thức lớn đối với các địa phương vùng núi Tây Bắc.

Ông Hà A Tý (Mai Châu, Hòa Bình) tâm sự: “Trước kia, khoảng vườn trước sân của mỗi nhà đều có cây đào nở báo hiệu mùa xuân đến thì nay chẳng còn. Không khí xuân ở đây vì thế cũng vơi dần. Chắc đến thế hệ con cháu chúng tôi sau này sẽ chẳng còn biết đến đào rừng từng là một góc văn hóa và sự riêng biệt của xứ Tây Bắc là như thế nào nữa. Xót xa lắm”.

Anh Ly A Khá (trú tại Mộc Châu, Sơn La) cho biết: “Mỗi năm có đến hàng trăm chiếc xe tải lớn nhỏ đổ về đây thu mua đào rừng đem về xuôi. Khung cảnh diễn ra nhộn nhịp cho đến cận Tết Nguyên đán. Không chỉ có người lớn, mà ngay cả trẻ em trong bản cũng tham gia săn đào rừng đem bán. Trước đây, đám thanh niên trong làng còn hẹn hò, tình tự quây quần bên mỗi gốc đào mỗi dịp xuân về thì bây giờ, để kiếm một gốc đào rừng cổ thụ trong bản quả thực rất hiếm. Người dân kém hiểu biết và cũng vì mưu sinh nên họ cứ vô tư chặt phá tất cả miễn sao là có tiền”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân – Phùng Bình (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN