Tan cửa nát nhà vì hội thánh tự xưng: Lật tẩy chiêu trò quái đản
Trước những hoạt động tà đạo của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ", Chính phủ nêu rõ quan điểm xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, gây phương hại đến nhân dân
Tại văn bản vừa ký gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Mục sư Nguyễn Đức Đồng, Phó hội trưởng Hội Thánh Tin Lành miền Bắc, kịch liệt phản đối các tổ chức, cá nhân tuyên truyền giáo lý sai lạc, mê tín dị đoan, trong đó có "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ".
Hoạt động tà đạo, trái pháp luật
Mục sư Nguyễn Đức Đồng khẳng định "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" là tà đạo. "Đức Chúa Trời Mẹ" do Ahn Sahng-hong (1918-1985) sáng lập năm 1964 có nguồn gốc từ Hàn Quốc với tên gọi World Mission Society Church of God (Hội thánh Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo thế giới). Năm 1985, Ahn Sahng-hong qua đời, để lại quyền lãnh đạo cho vợ là Jang Gil-ja. Bà này tự xưng mẹ Thiên Thượng, kể từ đó hội giáo này có tên gọi mới là "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ". "Một số giáo lý của tà đạo này cũng lấy ra từ Kinh Thánh giống với đạo Tin Lành nhưng họ lại diễn giải lệch lạc trái ngược với Kinh Thánh. Điểm sai lạc nghiêm trọng nhất là họ tin rằng Jang Gil-ja là "Đức Chúa Trời Mẹ". Đây là điều không có trong Kinh Thánh" - Mục sư Đồng diễn giải.
Du nhập Việt Nam từ năm 2001, đến nay, "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" lan rộng trên 20 tỉnh, thành. Trước những hệ lụy gây ra tại địa phương, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Tuyên Quang đã khuyến cáo người dân cảnh giác với tổ chức tà đạo này.
Một tụ điểm sinh hoạt của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" bị công an phát hiện tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Ảnh: Quảng Văn
Theo khuyến cáo, "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" xâm nhập Tuyên Quang khoảng giữa năm 2016 và đến nay đã lôi kéo được khoảng trên 50 người. Cuối tháng 10-2017, qua nắm tình hình, lực lượng công an phát hiện Công ty Giedidia (trụ sở chính tại biệt thự BT2, khu đô thị Vân Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) mở chi nhánh kinh doanh tại địa bàn TP Tuyên Quang, trong đó đa số nhân viên là người tham gia hội thánh.
Vươn vòi khắp nơi, bằng những chiêu trò mê tín dị đoan quái đản, các đối tượng cầm đầu, "chấp sự" của hội thánh mặc sức dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia. Họ thường tổ chức theo nhóm khoảng 2 người đến các trường học, công viên hoặc các nơi công cộng để tuyên truyền, rao giảng giáo lý tà đạo, làm cho người bị lôi kéo rơi vào trạng thái mê hoặc. Đại tá Trần Xuân Hương, Trưởng Phòng Chống phản động và Chống khủng bố Công an tỉnh Thanh Hóa - địa bàn có đông điểm nhóm tuyên truyền tà đạo, cho biết lực lượng công an toàn tỉnh đang khẩn trương thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để xem xét xử lý hình sự một số đối tượng cầm đầu.
Vừa qua, ở Nghệ An xảy ra hàng loạt vụ lừa gạt, biến sinh viên, giáo viên, người dân nghèo thành nạn nhân của hội thánh này. Đại tá Phan Văn Sửu, Trưởng Phòng An ninh xã hội (PA88) - Công an tỉnh Nghệ An, khẳng định nhiều gia đình tan nát, đổ vỡ chỉ vì có người thân theo tín đồ tà đạo. "Bên cạnh tăng cường đấu tranh, xử lý những nhóm người hoạt động trái phép, cơ quan công an phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng khác tổ chức tuyên truyền để người dân nhận thức rõ và tránh xa những hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" - ông Sửu nói.
Kiên quyết loại bỏ
Trước lo lắng của người dân về hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ", tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ mới đây, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định các vấn đề về tự do tôn giáo đã được thể chế hóa trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), do vậy, tất cả tôn giáo hoạt động phải chấp hành pháp luật. "Chúng ta kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức, tránh xa những lời tuyên truyền, xúi giục của các đối tượng trong hội này" - ông Mẫn nhấn mạnh.
Công an tỉnh Thanh Hóa lập biên bản xử lý một người truyền đạo trái phép Ảnh: Minh Tuấn
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Hội Sinh viên Việt Nam cũng như nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã ra các thông báo, yêu cầu cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh không được tham gia các tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật cho phép hoạt động, nhất là "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" đang nhắm vào môi trường học đường. Riêng tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) - Công an Hà Nội triển khai các biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn sinh viên, học sinh bỏ học theo tà đạo.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Công đoàn cấp sở, các trường đại học, cao đẳng, đề nghị chủ động tuyên truyền, kịp thời ngăn chặn, không để giáo viên, sinh viên, học sinh bỏ dạy, bỏ học tham gia các hoạt động tôn giáo phi pháp.
Liên quan đến "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ", chiều 3-5, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp Chính phủ cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập vấn đề này.
Theo người phát ngôn của Chính phủ, Đảng và nhà nước luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho đồng bào. Tuy nhiên, chúng ta cũng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống; ứng xử thô bạo với tín ngưỡng truyền thống, trái truyền thống thờ cúng ông bà. "Những tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do tôn giáo để tuyền đạo trái phép, gây phương hại đến nhân dân, làm mất an ninh, trật tự xã hội thì phải kiên quyết loại bỏ" - ông Dũng nhấn mạnh.
"Tinh thần của Thủ tướng là yêu cầu các bộ, các cơ quan, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, cơ quan chức năng, địa phương, phải rà soát, xem xét, đánh giá lại, chấn chỉnh những hoạt động không hợp pháp của tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Mai Tiến Dũng thông tin.
Ma lực quái đản của "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ" đã khiến nhiều người dân nhẹ dạ tin theo.