Tân Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng “ra mắt” QH, trả lời về an ninh mạng, sim rác

Sự kiện: Thời sự

Cùng với nêu giải pháp quản lý thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn của QH còn nói rõ: “Mạng xã hội giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi, không nên bỏ trống trận địa này”.

Chiều nay 31-10, tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng , người vừa được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ TT-TT vào đầu kỳ họp thứ 6 này của Quốc hội (QH), đã "ra mắt" QH với phần trả lời chất vấn liên quan đến quản lý thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và sim rác.

Cần công cụ "quét rác"

Các đại biểu (ĐB) trong phiên chất vấn ngày hôm nay đã nhắc đến vấn đề đáng lo ngại là quản lý thông tin trên mạng xã hội. Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 27-10, ĐB đoàn TP HCM - Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ Quân khu 7 - cũng nêu rõ: Liên quan đến việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, từ ngày 21 đến 27-9, trên mạng xã hội có 36.004 bài viết, 174.921 bài bình luận xuyên tạc, nói xấu chế độ. Ngoài ra, có hiện tượng đưa tin kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đất đai Thủ Thiêm chưa rõ ràng, thiếu minh bạch; tấn công Luật An ninh mạng, dự án Luật Đặc khu; đẩy cao chiến dịch kêu gọi, kích động người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng…

Trả lời chung cho nhóm vấn đề gây băn khoăn trong các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, đến nước lớn như Mỹ cũng gặp phải. Tình trạng này được ghi nhận là ngày càng nặng hơn.

Tân Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng “ra mắt” QH, trả lời về an ninh mạng, sim rác - 1

Tân Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh chụp màn hình

"Chúng ta sống trên không gian mạng mới chục năm, kinh nghiệm chưa nhiều. Trong khi đời sống thực, ta lại có kinh nghiệm nhiều ngàn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang áp dụng vào không gian ảo để xử lý câu chuyện thông tin sai" - tân Bộ trưởng Bộ TT-TT nói.

Để giải quyết, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thứ nhất, phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai dựa trên các quy định pháp luật? Với việc này, phải sửa một số quy định pháp luật.

Thứ 2, cần có công cụ giám sát, phân tích đánh giá. Tức, phải sử dụng công nghệ. "Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, chúng ta không thể dùng người được. Bộ TT-TT đã bước đầu xây dựng được trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc được 100 triệu tin mỗi ngày, phân tích, đánh giá, phân loại" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Tiếp theo, vị "tư lệnh" ngành TT-TT cho rằng phải có công cụ "quét rác". Đây cũng là câu chuyện vừa liên quan đến công nghệ vừa liên quan đến pháp luật. Theo ông, Chính phủ phải quyết định một đầu mối xử lý việc này. "Cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới, phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin. Việc này có thể học tập kinh nghiệm quốc tế, EU, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng là kiên quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý người đăng thông tin sai trên mạng" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT-TT, "mạng xã hội giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này". Đặc biệt, người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn nữa trên không gian mạng, "cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi". Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân là thông tin trên mạng xã hội không phải cái gì xem cũng tin ngay.

Tích hợp sim vào CMND

ĐB Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, nêu tình trạng sim rác dù có giảm nhưng vẫn tồn tại. "Nay ta có một Bộ trưởng Bộ TT-TT xuất thân từ một nhà mạng. Vậy xin hỏi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là có chấm dứt được tình trạng sim rác không?" - ông Cương đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gốc của vấn đề quản lý sim rác nằm ở chỗ phải có cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định mối quan hệ của người đăng ký gắn vào sim và chứng minh nhân dân (CMND)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều nước "cài" vào CMND thông tin duy nhất liên quan đến công dân như như ảnh, vân tay. Khi đăng ký sim, nhà cung cấp chỉ cần kiểm tra thông tin CMND được người đăng ký sim cung cấp để nắm được các thông tin, chứng minh chủ sở hữu sim và tích hợp với cơ sở dữ liệu.

"Đây là giải pháp căn cơ nhất. Vừa qua, ta chưa làm căn cơ được nhưng đã dùng khá nhiều biện pháp để quản lý. Song, để căn cơ được thì nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, như thế còn giúp phục vụ cho cả mục tiêu Chính phủ điện tử" - ông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu trả lời trước QH trên cương vị Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Đại biểu QH đặt vấn đề về tính nghiêm minh trong xử lý 12 đại dự án thua lỗ

“Chắc chắn không có sự bao che, không có lợi ích nhóm trong xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương” - Bộ trưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN