Tân Bí thư Yên Bái: Cuối tuần, ngày nghỉ, tôi dành thời gian đi cơ sở
“Như tôi, ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan hoặc đi theo chương trình công tác. Những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ tôi dành thời gian để đi cơ sở, đi nắm bắt tình hình, như thế mới có thể hiểu biết được”, tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nói.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ về cảm xúc khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cách đây 3 năm và thời điểm hiện nay, khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái?
Cách đây 3 năm, khi được Ban Bí thư điều động lên làm việc tại Yên Bái, lúc đó tôi ý thức được việc bản thân được Ban Bí thư tin tưởng giao trọng trách đảm nhiệm cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh Yên Bái. Một mặt tôi thấy vinh dự, tự hào nhưng tôi cũng thấy trọng trách rất nặng nề khi đến một địa bàn mới, một vị trí công tác mới, nhất là trong bối cảnh tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở.
Chính vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi rất nỗ lực học hỏi kinh nghiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ, trong Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các cán bộ, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người đi trước, các cán bộ cấp cơ sở và bà con nhân dân để sớm có được đầy đủ thông tin về địa phương, về cơ sở, về những thuận lợi những khó khăn. Từ đó, tôi cũng định hướng được thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trình độ dân trí, các khó khăn, thuận lợi để từ đó xác định các chương trình kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn.
Cảm xúc của tôi lúc đó, tựu chung là rất là vinh dự, tự hào nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm rất nặng nề, cùng với những băn khoăn lo lắng nhất định “liệu rằng, mình có sớm tiếp cận công việc không, mình có sớm hoàn thành và hoàn thành tốt công việc không?”.
Còn khi được Đại hội XIX tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành và được Ban Chấp hành bầu làm Bí thư thì đầu tiên, tôi cũng cảm thấy rất vinh dự, rất tự hào, nhưng cũng nhận thức được trọng trách rất lớn lao, nhất là trên cương vị người đứng đầu của Đảng bộ tỉnh. Mọi vấn đề, quyết định của mình sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng – anh ninh, công tác xây dựng Đảng của một địa phương có truyền thống lịch sử cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Yên Bái. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng rất lớn vào Đại hội lần này, vào Ban Chấp hành khoá XIX nên bản thân tôi cũng thấy được trọng trách rất lớn lao.
Thứ hai, mục tiêu chúng tôi đặt ra là mục tiêu rất cao nên đây cũng là áp lực rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tự tin. Bản thân tôi thấy tự tin vì chúng tôi đã hiểu rất rõ Yên Bái đang ở đâu trong khu vực, đang ở đâu trên bình diện quốc gia, Yên Bái có tiềm năng thế mạnh gì, Yên Bái có khó khăn thách thức gì. Vấn đề nữa là Đại hội cũng đã xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, phù hợp để vượt qua những khó khăn thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế để đưa tỉnh Yên Bái phát triển đi lên nên sự tự tin là lớn hơn so với trước đây.
Là cán bộ từ trung ương về địa phương, ông thấy chủ trương luân chuyển cán bộ như thế nào? Ông thấy lợi thế và khó khăn gì?
Tôi cho rằng chủ trương luân chuyển cán bộ giữa Trung ương và địa phương là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Là một cán bộ từ Trung ương về có thuận lợi là có tư duy bao quát về quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và cũng có những phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Một điểm rất tốt của việc đưa cán bộ Trung ương về địa phương là việc sâu sát, gắn bó, lăn lộn với cở sở sẽ giúp tích luỹ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản ý nhà nước, cũng như tổng kết thực tiễn để nâng tầm lên thành lý luận trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để phát triển cho một địa phương, một khu vực.
Và chúng tôi, những cán bộ được luân chuyển từ Trung ương về địa phương, vẫn trao đổi với nhau rằng, khi về địa phương, thời gian để trưởng thành nhanh hơn rất nhiều nếu chỉ làm việc ở một vị trí hoặc chỉ làm việc ở một bộ ngành Trung ương.
Đó là một thuận lợi để đào tạo cán bộ, không chỉ về kiến thức kỹ năng, phương pháp lãnh đạo mà còn cả về bản lĩnh chính trị cũng như khả năng giải quyết những vấn đề, khó khăn thách thức đặt ra trong thực tiễn. Những cán bộ luân chuyển được đào tạo và trưởng thành hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn. Đó là cán bộ từ Trung ương về địa phương cần phải có thời gian tìm hiểu, đi sâu đi sát cơ sở để nắm vững được những thuận lợi những khó khăn và những vấn đề mà thức tiễn đang đặt ra đối với địa phương, đơn vị, từ đó mới xác định được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết cụ thể. Còn cán bộ từ địa phương trưởng thành lên nắm rất vững những nội dung này.
Cán bộ từ Trung ương về cần có thời gian để nghiên cứu, đi sâu đi sát cơ sở, cho nên đòi hỏi những cán bộ luân chuyển như chúng tôi phải hết sức nỗ lực làm việc quên ngày, quên giờ, không có ngày nghỉ. Như tôi ngày bình thường có thể điều hành công việc ở cơ quan, đi theo chương trình. Những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ tôi dành thời gian để đi cơ sở, đi nắm bắt tình hình, như thế mới có thể hiểu biết được.
Với những vấn đề của Yên Bái, chúng tôi lăn lộn với thực tế và hiện nay thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, giao nhiệm vụ từ Bí thư Tỉnh uỷ trở xuống. Trong các chương trình hành động của chúng tôi đều ghi rõ “Bí thư Tỉnh uỷ làm việc gì? Bao giờ xong? Chủ tịch làm việc gì, bao giờ xong?” và như vậy, có thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và cũng là một điều kiện để cán bộ phải hết sức nỗ lực, phải gắn bó với cở sở, phải lăn lộn vào công việc thì mới có thể hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Còn nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải kiểm điểm trước cấp uỷ, trước chính quyền.
Trong danh sách 48 người của BCH Đảng bộ tỉnh Yên Bái khoá mới, không có tên Bí thư Tỉnh uỷ khoá XVIII Phạm Thị Thanh Trà.
Nguồn: [Link nguồn]