Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch

"Tôi muốn trước khi chết mình được cấp quốc tịch Việt Nam" - Đó là mong cầu của một Việt kiều 90 tuổi sinh ra tại Biển Hồ (Campuchia) vừa về hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) định cư.

“Bà con người Việt mình kéo về đây sống mà không có giấy tờ gì cả. Tôi cũng vậy. Ở trên đất nước mình nhưng không có quốc tịch thì đi tới đi lui thiếu tự tin. Tôi muốn trước khi chết mình được cấp quốc tịch Việt Nam” - cụ Trần Minh Diện, 90 tuổi, nói.

Cụ Diện cho biết ông nội cụ sinh ra ở Việt Nam nhưng trôi dạt qua Biển Hồ (Campuchia). Từ đó đến nay nhiều thế hệ nhà cụ sinh ra và phiêu dạt trên Biển Hồ. Nhưng rồi nắng nóng cùng cực, Biển Hồ khô cạn hơn, nghề đánh bắt cá liên tục mất mùa. Nhiều người gốc Việt bên Campuchia bị thu thuế đánh bắt cá, xử phạt vì không giấy tờ tùy thân nên cả nhà cụ kéo về nước dựng chòi sống bám gần lòng hồ Dầu Tiếng (xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 1

Cụ Diện 90 tuổi, vừa thấy phóng viên cụ liền mặc áo vào để trò chuyện. Cụ bảo mong ước của mình là được chính quyền cấp quốc tịch Việt Nam để tự tin sống những ngày cuối đời tại cố hương

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đến nay đã có hơn 5.000 Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về nước trong đó chỉ hơn 20 người có giấy tờ tùy thân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một lượng lớn Việt kiều Campuchia cũng đã tìm về cố quốc. Họ sống lay lắt tại Long An, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp.

Nếu di cư bằng đường bộ thì rất nhanh nhưng nhiều người chọn cách đi ghe. Lý do là họ tiếc những chiếc ghe cũ – “căn nhà nổi” của họ ở xứ Biển Hồ. Trong ghe có cả bàn thờ tổ tiên và bao ký ức đầy sóng gió, họ không dễ vứt bỏ. Từ Biển Hồ về Tây Ninh phải mất 7 ngày. Nhiều ghe thủng mục, họ phải thức đêm tát nước ghe mới khỏi chìm.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 2

Ông Hai Mệnh khẳng định chiếc ghe của mình sẽ cắm mãi trên đất liền Việt Nam

Mang danh là Việt kiều nhưng hàng loạt hộ hồi hương mà không có nổi tiền để mua cái giường để ngủ. Như anh Hai Ngọc cùng vợ và 4 con phải mượn người quen chiếc giường kê tạm bên mép hồ Dầu Tiếng để ngủ qua đêm.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 3

Anh Hai Ngọc vừa về nước được vài ngày. Anh phải nhờ bà con người Việt cho mượn giường để có chỗ cho vợ và 4 con ngủ. Anh bảo tụi nhỏ rất mê ngủ giường vì xưa giờ toàn ngủ ghe, cứ lắc lư

Những gia đình hồi hương trước anh Ngọc thì được chỗ khô ráo hơn để dựng nhà ở tạm. Nơi đây gọi là xóm Việt kiều, đầu xóm luôn treo cờ tổ quốc – dù họ chưa hề được cấp quốc tịch Việt Nam!

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 4

Lá cờ tổ quốc treo đầu xóm Việt kiều

Việt kiều nơi đây kiếm sống chủ yếu bằng cách đi đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng. Hàng ngàn người bám vào hồ mà sống khiến con cá thưa dần nhưng mỗi kg cá được bán chỉ với giá tầm 15 ngàn đồng! Bình quân một ngày mỗi người chỉ kiếm được khoảng vài chục ngàn, nhiều nhất là 200 ngàn đồng.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 5

Rất nhiều Việt kiều hồi hương để đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng khiến nghề này ngày càng thất thu

Thu nhập thấp nên bữa cơm của Việt kiều rất đạm bạc. Nhiều đứa trẻ vì vậy mà bị chứng còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh tật

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 6

Bữa cơm của gia đình ông Ba Phước. Về nước hơn 1 năm rồi cả nhà vẫn còn khốn khó. Do không có giấy tờ tùy thân nên các con của ông Phước nhiều lần bị từ chối khi xin làm công nhân ở TP HCM, Bình Dương

Nghèo khó đến cùng cực nhưng người Việt lưu lạc xứ Biển Hồ lại “đẻ như cái máy”. Bà Nguyễn Thị Hoang, 68 tuổi, vừa trở về từ Biển Hồ cho biết con gái bà đẻ 9 đứa con. Nhưng chẳng thấm tháp gì vì cụ biết có người Việt sinh đến 25 con! Nuôi không nổi, nhiều cha mẹ phải cho con!

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 7

Bà Hoang đang giữ bầy cháu ngoại

Đau lòng nhất là cảnh nhiều đứa trẻ té ghe chết trên Biển Hồ. Chúng đang tuổi tập bò, tập đi nhưng xung quanh toàn sông nước còn ba mẹ chúng thì mải miết mưu sinh.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 8

Bé Muội 10 tuổi với đôi mắt buồn. Bé không được đi học mà phải ở nhà trông em. Khi còn sống ở Biển Hồ, một đứa em của Muội trong lúc tập bò đã té ghe chết nước

Những đứa trẻ về từ xứ Biển Hồ hầu hết thất học. Ban ngày, chúng giữ em cho ba mẹ đi đánh cá. Ban đêm là lúc chúng nô đùa. Do không học hành, ít được chỉ bảo, nhiều trẻ không biết kiểm soát, chỉ cần một lời nói khích là lao vào đánh nhau.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 9

Bọn trẻ chơi đùa rồi chửi nhau giữa đêm trên bãi đất sát hồ Dầu Tiếng

Mong ước của hàng ngàn Việt kiều lúc này là trẻ con được đến trường miễn phí còn người lớn được cấp quốc tịch Việt Nam, CMND, hộ khẩu, để đi làm công nhân nuôi đàn con!

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 10

Không xin được việc làm, anh Nguyễn Văn Tửng, phải ở nhà ru con ngủ

Việt kiều không thể bám mãi vào sông nước mà sống. Họ cũng đã chán cuộc sống rày đây mai đó như thời ở Biển Hồ. Họ quyết lên bờ mưu sinh trên đất Việt.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 11

Biển Hồ là nơi anh Chi để lại cánh tay mình. Anh kể mình đang đánh cá thì bị máy ghe cắt lìa cánh tay. Anh không muốn quay lại đó mà quyết về Việt Nam tìm cách mưu sinh

Việt kiều đang tràn đầy hy vọng được nhập quốc tịch vì vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp làm việc với các địa phương để xem xét giải quyết vấn đề này. Cơ quan chức năng cũng đã đến Tây Ninh khảo sát việc này.

Trả lời Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho hay sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi đó, tỉnh sẽ áp dụng giải quyết cho các trường hợp chưa có quốc tịch, hộ khẩu, CMND.

Ông Ngọc cho biết thêm trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh cũng đã chủ động xác minh, làm rõ nguồn gốc của nhiều Việt Kiều và cũng đã cấp CMND, hộ khẩu, công nhận quốc tịch cho hàng chục Việt kiều.

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch - 12

Ông Lê Văn Lẹ, một trong những Việt kiều được chính quyền công nhận quốc tịch Việt Nam. Trong ảnh là tờ giấy khai sinh ông vừa được cấp, phần quê quán ghi: "Campuchia", phần quốc tịch ghi "Việt Nam". Nhờ tờ giấy này, ông làm được CMND, hộ khẩu, các con được đi học, đi làm. Đến nay ông đã xây được nhà đàng hoàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Phú (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN