Tâm sự những người làm nghề lấy tử thi
Sài Gòn không khó tìm một công việc mưu sinh, nhưng duyên nợ đã đưa đẩy một số người gắn bó công việc “lạnh tanh”, buồn nhiều hơn vui: nghề lấy tử thi.
Hơn 4 giờ chiều, tiếng chuông điện thoại dồn dập, anh Đỗ Thanh Bình, đội trưởng đội lấy tử thi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) nghe thông báo của công an có nhiệm vụ phải làm. Anh Bình dập máy, ra hiệu cho anh em khoác nhanh chiếc áo đồng phục, tức tốc lên xe đi về hướng quận Bình Thạnh để vớt một thi thể đang trôi trên sông.
Đội của anh Bình trong bộ đồng phục xanh đứng tính toán cách đưa thi thể người mất lên bờ sao cho toàn vẹn. Với kinh nghiệm của mình, anh Bình đoán người trên sông mất đã lâu nên việc chuyển xác lên bờ cũng không dễ dàng.
Từng động tác cẩn thận, nhịp nhàng, anh Bình và đồng đội khiêng xác người xấu số lên băng ca, đẩy vào xe công năng. Chiếc xe lao nhanh về Bình Hưng Hòa, nơi lưu giữ tử thi để chờ cơ quan chức năng khám nghiệm.
“Việc vớt xác trôi sông tôi đã thực hiện nhiều rồi. Có những ca rất khó đưa lên bờ nhưng làm nhiều năm, chúng tôi đã quen, xử lý cũng nhẹ nhàng. Khi làm, tôi chỉ mong người mất được toàn vẹn, sớm được đưa về với gia đình”- anh Bình nói.
Hơn 10 năm làm công việc này, không ít lần phải băng sông suối, rừng rậm…để thực hiện nhiệm vụ, anh Bình cho biết nghề nhặt tử thi không đơn thuần chỉ là công việc mưu sinh bình thường, nó đòi hỏi người ta phải can đảm, có cái đầu lạnh và trái tim nóng.
Nhớ lại những ngày đầu khi anh mới bước chân vào nghề, gia đình ai cũng đều e ngại, hàng xóm xì xầm nhưng rồi từ từ với thái độ cần mẫn với công việc, anh đã cho họ thấy đây là một công việc mang nhiều ý nghĩa.
“Những lần lao tới hiện trường, chúng tôi đều cố gắng tranh thủ thật nhanh để làm nhiệm vụ. Hành động phải thật chuẩn xác từng li, từng tí để không làm ảnh hưởng đến hiện trạng của tử thi, đồng thời đây là cách chúng tôi tôn trọng người đã mất.
Ngoài cái đầu lạnh, trái tim nóng, người hành nghề nhặt xác như anh em chúng tôi luôn ai cũng giữ một chút tâm linh, đến hiện trường làm việc đều khấn một tiếng cho người đã mất: “Anh/ chị cho phép chúng em mang anh chị về!”. Ngoài ra phải thật nhẹ nhàng để tránh gây đau lòng cho người thân của họ” – anh Bình chia sẻ.
Theo anh Bình, nghề nào cũng có khó khăn riêng. Cái khó của nghề lấy tử thi không chỉ nằm ở chướng ngại tâm lý mà còn khó ở nhiều tình huống lúc ở hiện trường. Anh Bình nhớ lại một lần khi được cơ quan chức năng gọi đi lấy tử thi ở Gò Vấp. Tuy nhiên, gia đình người mất lại không chấp nhận để đội của anh mang thi thể người thân đi.
“Những tình huống như vậy chúng tôi chỉ biết kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu. Vận chuyển thi thể là nhiệm vụ của chúng tôi, còn quyết định mang đi hay để lại là của cơ quan chức năng, xin gia đình đừng giận dữ với chúng tôi.
Đi nhiều, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh, tôi hiểu rằng cú sốc mất người thân chưa bao giờ dễ dàng vượt qua. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm phải đối đãi thật tử tế với người xấu số và cả người thân của họ” – anh Bình bày tỏ.
Kể lại với chúng tôi về chuyện nghề, anh Lê Thành Huy (đội lấy tử thi, công ty CITENCO) chia sẻ: Hơn 10 năm anh gắn bó với công việc này, khi mới làm có rất nhiều bỡ ngỡ và sợ hãi. Thế rồi anh cũng quen việc, nỗi sợ cũng vơi dần và làm đến giờ.
“Ai cũng có một công việc để chia sẻ với gia đình mỗi khi mệt mỏi. Tuy nhiên, việc của tôi thì tôi không bao giờ kể với người thân, mà có kể chắc cũng không ai muốn nghe, vì nó có vui gì đâu cô.”- anh Huy bùi ngùi nói.
Đôi mắt ngấn lệ nhìn xa xăm, anh Huy kể: “Nhiều trường hợp người mất rất bi thương. Tôi nhớ nhất chắc là câu chuyện cách đây vài năm ở một cánh đồng đầy cỏ, có ba người tự tử. Trời hôm đó trời tối lắm, tụi tôi cùng với công an phải vạt cỏ năng để lấy tử thi của ba người. Khi thấy họ, tim tôi như thắt lại! Rất thương!. Trong công việc, tôi chứng kiến nhiều chuyện bi thương lắm cô ơi!”
Ngoài lấy tử thi của những người bị tai nạn, mất không rõ nguyên nhân, không rõ danh tính… đội còn phụ trách nhận xác của những người nhiễm HIV, những thi hài trẻ nhỏ ở các bệnh viện theo một ngày định kỳ trong tuần hoặc trong tháng.
“Mỗi người mỗi nghề. Nghề của chúng tôi ai cũng sợ nhưng làm rồi tôi mới thấy rất ý nghĩa, tôi không bao giờ ngại. Khi bước chân vào nghề này, anh em trong đội chúng tôi đều quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận". Do đó, công việc có vất vả đến đâu chúng tôi vẫn luôn cống hiến hết khả năng của mình như bao nghề khác"- Anh Bình bộc bạch.
Nguồn: [Link nguồn]