Tâm sự của những phiên dịch viên “xông pha” vào khu cách ly
Trong những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số phiên dịch viên tự nguyện tới hỗ trợ giao tiếp cho người nước ngoài tại các khu vực cách ly trên địa bàn Hà Nội.
Huệ (áo hồng) và bạn trong khu cách ly tại Bệnh viện Công an TP Hà Nội
Trong những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số phiên dịch viên đã tự nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ miễn phí cho những người nước ngoài tới Việt Nam đang ở khu cách ly tập trung. Dù không lương nhưng tất cả những phiên dịch này vẫn nhiệt tình “xông pha”, góp một phần công sức nhỏ bé của mình với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Huệ với trang phục bảo hộ khi làm việc trong khu cách ly
Phạm Thị Huệ (SN 1990, ở Nam Định, phiên dịch tiếng Hàn), từng là hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm. Cô là người đầu tiên tự nguyện đến khu cách ly ở Bệnh viện Công an TP Hà Nội, giúp đỡ cơ quan chức năng giao tiếp với người nước ngoài.
Huệ bảo, vài ngày trước, cô có đọc được thông tin trong các hội nhóm du lịch thấy Sở Ngoại vụ Hà Nội đang kêu gọi những hướng dẫn viên du lịch tình nguyện vào khu cách ly để phiên dịch cho người nước ngoài. Khi đó, công việc của cô cũng không ổn định vì từ khi xuất hiện dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng rất lớn. Có nhiều thời gian rảnh cộng với suy nghĩ cần làm gì đó cho đất nước, nên cô đã quyết định đăng kí làm tình nguyện viên trong khu cách ly.
Công việc của Huệ tại đây cũng không vất vả, hằng ngày, cô chủ yếu giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về quy định của khu cách ly, chia sẻ những gì cần thiết về y tế và thông báo kết quả xét nghiệm.
Người dân được đưa về khu cách ly tập trung
“Ngày 17/3, có một công dân người Hàn Quốc vào khu cách ly. Người này bay từ Thái Lan sang Việt Nam, chờ ở sân bay từ sáng đến tối mới về khu cách ly. Lúc đầu, người này rất sợ hãi và hoang mang, họ yêu cầu ở khách sạn hoặc tự cách ly tại nhà. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về các quy định ở đây, họ đã bình tĩnh trở lại”, Huệ nói.
Sau khi được Huệ tư vấn, giải thích, công dân người Hàn này đã hiểu được vấn đề và nghiêm chỉnh chấp hành. Họ không hề phàn nàn về quy trình chăm sóc mà chỉ hỏi về các vật dụng cá nhân thiết yếu.
Cô bảo, khi vào đây làm việc cô thấy vui vì được đóng góp một phần nhỏ công sức vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Những công dân nước ngoài khi hết cách ly họ rất vui vẻ và nói cảm ơn đất nước Việt Nam khiến cô thấy tự hào.
Phương Anh chia sẻ một ngày làm việc của cô không có thời gian cố định, tùy vào nhu cầu và các đợt cách ly.
Còn Phương Anh (SN 1989, ở Lạng Sơn, phiên dịch tiếng Anh, Tây Ban Nha), đang làm việc tại khu cách ly trường quân sự Sơn Tây (Hà Nội) vui vẻ cho biết, một ngày làm việc của cô không có thời gian cố định, tùy vào nhu cầu và các đợt cách ly.
Chia sẻ về những khó khăn khi tình nguyện tại đây, Phương Anh tâm sự, cô không phải đối tượng cách ly vì không về vùng có dịch. Các khu cách ly càng về sau càng trở nên nguy hiểm bởi sẽ có những ca dương tính ở đấy. Tuy nhiên, Phương Anh tiết lộ, dù có nguy hiểm thì cô vẫn tiếp tục đăng ký ở cơ sở khác khi người nước ngoài ở khu vực cô làm việc kết thúc cách ly.
Phương Anh chia sẻ thêm, cô làm việc tại đây là hoàn toàn tự nguyện, không nhận tiền công mà chỉ muốn giúp lực lượng chức năng giao tiếp dễ dàng với người nước ngoài.
Khu vực cách ly tập trung tại trường quân sự Sơn Tây (Hà Nội)
Công dân nước ngoài trong khu cách ly được Phương Anh trợ giúp phiên dịch
Đoàn Xuân Hiệp (SN 1993, ở Hà Nội), đang tình nguyện phiên dịch tại khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng mong muốn giúp thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Thời gian đầu, khi những người nước ngoài đến khu cách ly, Hiệp giúp họ check-in, nhận phòng cách ly. Còn hiện tại, khi mọi người đã ổn định nơi ở thì hằng ngày Hiệp đi cùng đội ngũ y tế để đo nhiệt độ, hỏi thăm tình hình sức khoẻ và giải đáp thắc mắc của những người nước ngoài.
Đoàn Xuân Hiệp trong khu cách ly tại trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Một câu chuyện cảm động trong số những trường hợp Hiệp từng hỗ trợ khiến cậu không thể quên, đó là một Việt kiều người Mỹ ( khoảng 60 tuổi) về Hà Nội ngày 18/3.
“Cô này về Việt Nam để thăm bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối ở Huế. Nhưng vì đang bị cách ly nên cô ấy không thể đến Huế. Vài ngày sau thì bố cô ấy mất. Cô ấy buồn nhưng lại rất thông cảm với chính sách cách ly của chính phủ Việt Nam nên không phàn nàn gì cả”, Hiệp kể.
Theo đại diện Sở Ngoại vụ Hà Nội, việc tìm kiếm phiên dịch viên trên địa bàn thành phố từng gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết mọi người từ chối vì lí do phải cách ly 14 ngày tại khu cách ly và phải đồng hành cùng người cách ly. Tuy nhiên, vẫn có những tấm gương điển hình, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Chia tay khu cách ly để trở về nhà, nhiều người đã gửi lời cảm ơn và cho biết sẽ nhớ mãi sự chăm sóc tận tình của...
Nguồn: [Link nguồn]