Tâm sự của điều dưỡng quay cuồng trong bão sởi
24 tuổi đời và 3 năm tuổi nghề, đây là lần đầu tiên từ khi bước chân vào nghề điều dưỡng, Nguyễn Thị Yến - Khoa Nhi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mới thấm thía hết những vất vả của nghề “làm dâu trăm họ” trong cơn dịch sởi “càn quét” qua thành phố này…
“Đã hơn 3 tháng nay, em cùng với các đồng nghiệp của mình chưa ngày nào được ngơi chân, ngơi tay đúng nghĩa. Hôm nay em thấy vui hơn vì các cháu đã đỡ, nhanh nhẹn hơn không còn li bì như tháng trước đây.
Ngày trước đi làm về cơm nước, tắm rửa xong là có thể đi chơi với bạn, nhưng từ ngày có dịch sởi, công việc vất vả nên chỉ thèm ngủ vùi. Chẳng có thời gian để nghỉ ngơi và trò chuyện hay đi chơi với bạn bè nữa.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Yến
Công việc của nhân viên y tế trong thời gian này rất áp lực, ngoài công việc chuyên môn còn là vấn đề tâm lý khi mọi ánh mắt đang “soi” vào ngành mình. Dẫu biết rằng lúc con cái ốm đau là lúc cha mẹ thường lo lắng, hoang mang và mất bình tĩnh nhất.
Nhớ vừa rồi có một cháu bé điều trị ở tuyến dưới lên, cánh tay cháu đã chi chit những vết lấy ven tím bầm, nhìn xót xa lắm. Khi em yêu cầu mẹ bế cháu đặt ở vị trí để dễ lấy ven nhất thì bà mẹ chỉ tay vào mặt em mắng luôn. Nhưng em vẫn nhẫn nại, và thật may, chỉ một lần là em lấy ven thành công. Sau đó chị ấy cũng bình tĩnh hơn và gặp em xin lỗi.
Nhiều người, nếu mình mà nhỡ lấy ven 1-2 lần không được thì họ sẵn sàng nổi xung lên với mình. Đúng xót con thật, chính mình cũng thấy xót nhưng không phải lúc nào cũng lấy ven một lần là xong được. Có nhiều người chứng kiến các nhân viên y tế làm việc vất vả họ cũng thông cảm lắm. Có thể ngày đầu họ chưa hiểu nhưng sống vài ngày trong viện họ cũng trở nên dễ tính với mình hơn.
Các điều dưỡng viên tiêm cho các cháu bé đang điều trị sởi tại Khoa Nhi BV Nhiệt đới Trung ương
Dường như càng ngày xã hội càng đòi hỏi mình cao hơn khiến mình phải hoàn thiện minh hơn, nhưng cũng có người đòi hỏi quá đáng.
Khi các điều dưỡng viên phải ưu tiên những việc cấp cứu trước, nhưng vì sốt ruột mà họ phải bắt mình làm những việc có thể làm sau. Họ nói: “Cấp cứu là việc cấp cứu, còn cô phải rút truyền để cho con tôi ngủ…”.
Mình lại phải giải thích, truyền đã được đặt kim luồn, có thể khóa lại rồi rút sau cũng không ảnh hưởng gì, trong khi phải xử lý bé khác phải cấp cứu gấp... Nói vậy thôi chứ nhiều khi mình phải đặt mình vào vị trí của người ta để mà thông cảm cho họ thế mới không bị ức chế.
Nhiều người tới viện chăm con nhưng ý thức của họ chưa tốt. Họ ném đầy bỉm sau khi dùng cho con vào nhà vệ sinh, có khi chất đầy một đống trong khi thùng rác thì họ không chịu bỏ vào. Giấy ướt khi lau xong họ cũng ném vào bồn cầu gây tắc. Rồi khi nhà vệ sinh tắc họ lại gọi điện cho đường dây nóng để phản ánh.
Có những hôm bệnh nhân vào đông quá mà lại thường nhập viện vào ban đêm nên những ai trực khó mà chợp mắt được. Có khi đang có cho 3 bệnh nhân thở ô xy thì có tiếp một bệnh nhân nhi khác cũng nhập viện vì sởi cũng cần phải thở ô xy. Có người không phải phiên trực nhưng khi có sự huy động mọi người vẫn phải đến dù đó là đêm khuya hay đang ngủ ngon.
Nhiều chị trong khoa còn bị chồng trách vì cả mấy tháng nay không đưa đón con đi học lại còn suốt ngày đi sớm về muộn. Nhưng rồi may mà các ông chồng cũng hiểu và thông cảm cho.
Em có hôm đi làm về mệt quá nằm khóc, muốn chuyển khoa hoặc công việc khác cho đỡ vất vả. Nhưng khóc xong lại thấy yêu công việc của mình vì em thực sự thích trẻ con. Có nhiều phụ huynh cũng quý mến khi con họ ra viện rồi họ còn xin số điện thoại, hỏi tên Facebook để kết bạn. Rồi em nhận ra rằng chẳng có nơi nào phù hợp với mình như ở nơi đây, như công việc mình đang làm. Bạn trai em biết công việc em vất vả nhưng anh ấy cũng rất tự hào về công việc mà em đang làm.
Em cũng cảm thấy, từ ngày làm việc chăm sóc cho bệnh nhân nhi, mình rèn luyện được tính nhẫn nại, tinh thần phục vụ người khác. Điều này nó ảnh hưởng rất tốt tới cuộc sống của mình và giúp ích được cho nhiều người khác….”