Tạm ngừng tìm 2 chiếc Su-22, phi công vẫn mất tích
Đến 21h tối 16.4, công tác tìm kiếm 2 chiếc Su-22 và 2 phi công gặp nạn khi đang diễn tập gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã tạm ngừng do trời tối và tầm nhìn hạn chế.
Trao đổi với PV qua điện thoại lúc 20h55, ông Tạ Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, công tác tìm kiếm 2 chiếc Su-22 và 2 phi công đã tạm ngừng do trời tối và tầm nhìn hạn chế. "Đến lúc này, dấu vết phát hiện được chỉ là những vết dầu loang và các thùng dầu phụ. Ngày mai các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tìm kiếm", ông Nhựt nói.
19h30: Theo thông báo số 543/TM-T của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực hoạt động tại hiện trường nhưng mới phát hiện và vớt được 3 thùng dầu phụ; chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.
Hai chiếc Su-22 được xác định rơi gần đảo Phú Quý (huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận). Ảnh đồ họa: Ngọc Phạm
Cũng theo thông báo trên, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm cứu nạn 2 phi công, đồng thời xác định khu vực máy bay rơi.
19h15: Theo nguồn tin riêng từ Trung đoàn 937 (tỉnh Ninh Thuận), công tác tìm kiếm vẫn được tiến hành trong đêm với sự hỗ trợ của cả lực lượng hải quân. Danh tính của 2 phi công gặp nạn cùng 2 chiếc Su-22 là Trung tá Lê Văn Nghĩa và Đại úy Nguyễn Anh Tú.
Cũng theo nguồn tin trên, 2 chiếc Su-22 đã xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) để tập ném bom. Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ tai nạn trên biển này.
18h: Các nguồn tin đều cho biết chưa tìm thấy 2 chiếc Su-22 gặp nạn cũng như 2 phi công lái 2 máy bay này. Ngoài ra, thông tin 2 chiếc Su-22 tự va chạm với nhau khi đang tập luyện cũng chưa được các lực lượng chức năng xác nhận.
17h50: Hiện trực thăng cứu hộ của Trung đoàn 917 đã vào lại đảo Phú Quý, chưa rõ có tiếp tục bay ra vị trí 2 chiếc Su-22 gặp nạn hay không. Riêng một tàu cứu hộ gồm 10 chiến sĩ của đồn biên phòng trực thuộc đảo Phú Quý vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 2 chiếc Su-22 và 2 phi công.
Trước đó, trực thăng cứu hộ nói trên đã tiếp nhiên liệu 2 lần vào 14h và 15h. Theo quan sát của CTV Dân Việt có mặt tại đảo Phú Quý, đội cứu hộ trên trực thăng của Trung đoàn 917 gồm 4 người.
16h50: Trực thăng cứu hộ đã quần đảo quanh khu vực nghi hai chiếc su-22 rơi nhiều giờ nhưng chưa tìm thấy 2 máy bay gặp nạn. Sau đó, trực thăng cứu hộ đã quay lại đảo Phú Quý để tiếp nhiên liệu.
Theo nguồn tin của Dân Việt, 2 chiếc Su-22 đã bị mất liên lạc với đài kiểm soát vào khoảng 11h30 sáng nay (ngày 16.04.2015). Hiện đã có trực thăng của Trung đoàn 917 ra hiện trường.
Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cũng kêu gọi tàu thuyền cùng hỗ trợ tìm kiếm hai máy bay và 2 phi công. Thông tin ban đầu, hai phi công tên Nghĩa và Tú.
Máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam. Ảnh minh họa
Trao đổi với PV vào 16h40, Thiếu tá Vũ Thọ Sinh - Chỉ huy trưởng Quân sự đảo Phú Quý cho biết: "Hiện tôi chưa cập nhật được thông tin về việc các lực lượng chức năng đã tiếp cận được máy bay gặp nạn hay chưa. Thông tin sẽ cập nhật sau".
16h30: Trao đổi với phóng viên, ông Võ Đình Tịnh, Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, khoảng 11h35 ngày 16.4, trong lúc diễn tập, hai chiếc máy bay Su -22 của Sư đoàn Không quân 370 đã gặp sự cố tại khu vực cách tây bắc đảo Phú Quý 7 hải lý.
“Khi nhận được thông tin có máy bay gặp sự cố ở gần đảo Phú Quý, khoảng 12h ngày 16.4, chúng tôi đã điều tàu cứu hộ cứu nạn của huyện đảo Phú Quý ra khu vực nghi máy bay rơi cứu hộ cứu nạn. Một chiếc trực thăng của sư đoàn 370 đang tìm kiếm ngoài khu vực đó. Tôi thấy anh em báo về là đã tìm thấy 3 thùng dầu của máy bay và thấy có vết dầu loang ở khu vực máy bay rơi”, ông Tịnh nói.
Ông Tịnh cho biết thêm, hiện tại chưa rõ thông tin về hai phi công nhảy dù xuống biển hay đi cùng máy bay. Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm hai máy bay gặp sự cố trên.
Được biết, chiến đấu cơ tiêm kích Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Từ 1989 tới nay, tiêm kích Su-22 giữ nhiệm vụ chính trong việc bay tuần tra chính, bảo vệ Trường Sa.