Tam giác quỷ Bermuda: Chuyến bay định mệnh

Sự biến mất bí ẩn của Chuyến bay số 19 đã mở ra một câu chuyện huyền bí về Tam giác quỷ Bermuda, nghĩa địa khổng lồ trên Đại Tây Dương.

Ngày 4/1/2013, một chiếc máy bay nhỏ chở nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Vittorio Missoni và 5 hành khách cất cánh từ đảo Los Roques, băng qua vùng biển Caribe để tới Venezuela thì bất ngờ biến mất trên màn hình radar và không để lại một dấu vết nào.

Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn được tổ chức rầm rộ trong suốt nhiều tuần lễ sau đó, nhưng người ta không thể nào phát hiện được dấu tích của chiếc máy bay và thi thể của các nạn nhân.

Ngay lập tức, báo chí và dư luận bắt đầu râm ran tin đồn rằng hiếc máy bay và các hành khách của nó có thể đã trở thành nạn nhân tiếp theo của “lời nguyền Los Roques” - hay còn gọi là lời nguyền Tam giác quỷ Bermuda.

Năm 2008, 14 người thiệt mạng khi một chiếc máy bay thực hiện hành trình tương tự từ Los Roques biến mất. Từ đó đến nay, người ta không thể tìm thấy bất kỳ chiếc máy bay đắm nào, và chỉ một thi thể được tìm thấy - theo VolarenVenezuela, trang web hàng không dân dụng tại Venezuela cho biết.

Những vụ tai nạn và mất tích máy bay trên vùng biển này khiến người ta nhớ đến một câu chuyện đầy kỳ bí về bí mật của vùng biển ngoài khơi Bermuda, và bí mật này bắt nguồn từ một chuyến bay định mệnh của hải quân Mỹ từ năm 1945 mang tên Chuyến bay số 19.

Một buổi chiều nắng đẹp ngày 5/12/1945, một phi đội gồm 5 chiếc máy bay ném bom của Hải quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Fort Lauderdale ở bang Florida để thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện như thường lệ mang tên Chuyến bay số 19.

Năm chiếc oanh tạc cơ Avenger trang bị ngư lôi với phi hành đoàn 14 người cất cánh lúc 2:10 phút chiều và nhanh chóng hướng ra phía biển. Dưới sự chỉ huy của trung úy Charles Taylor, phi đội thực hiện hành trình bay theo hình tam giác để thực hiện một số bài huấn luyện ném bom tại bãi cạn Hen và Chickens.

Tam giác quỷ Bermuda: Chuyến bay định mệnh - 1

5 chiếc oanh tạc cơ Avenger trong chuyến bay định mệnh số 19

Tuy nhiên ngay sau khi thực hiện xong bài tập ném bom, sĩ quan chỉ huy Taylor bị mất phương hướng và không thể xác định được đường bay về căn cứ. Trong thời kỳ Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) chưa ra đời, các phi công lái máy bay bay biển đều phải tự mình xác định phương hướng bằng la bàn và kinh nghiệm bản thân để biết mình đang bay theo hướng nào và ở tốc độ bao nhiêu.

Có vẻ như chiếc la bàn trên máy bay của trung úy Taylor đã bị hỏng một cách bí ẩn. Các cuộc đàm thoại vô tuyến giữa máy bay trong phi đội được ghi lại cho thấy Taylor không mang theo đồng hồ trong chuyến bay này, và anh không biết được thời gian cụ thể. Trong khi đó, việc xác định phương hướng bằng các dấu mốc là vô hiệu giữa đại dương bao la rộng lớn.

Máy bay chỉ huy của Taylor dẫn cả phi đội bay từ hướng này sang hướng khác để tìm đường về căn cứ, trong khi thời tiết trên biển dần một xấu đi và trời càng lúc càng tối.

Đài kiểm soát không lưu tại căn cứ nghe thấy Taylor vạch ra một kế hoạch mạo hiểm cho toàn phi đội, đó là ngay khi mức dầu của chiếc máy bay đầu tiên xuống dưới vạch 40 lít, tất cả 5 máy bay trong phi đội sẽ hạ cánh xuống biển.

Và đó là những lời cuối cùng mà người ta nghe thấy từ Taylor và các thành viên trong Chuyến bay số 19. Toàn bộ 5 chiếc máy bay và 14 phi công đều biến mất một cách bí ẩn trên biển, không để lại bất cứ dấu vết nào.

Tam giác quỷ Bermuda: Chuyến bay định mệnh - 2

5 chiếc máy bay biến mất không để lại dấu vết

Các chỉ huy ở căn cứ Fort Lauderdale vô cùng lo lắng. Họ đều biết rằng oanh tạc cơ Avenger là những chiếc máy bay vô cùng ngỗ ngược. Các phi công vẫn thường gọi đùa chúng là những “con chim sắt”, hay “đồ sắt của Grumman”, bởi những chiếc máy bay này có trọng lượng rất nặng, lên tới hơn 4,5 tấn khi không mang theo vũ khí và nhiên liệu.

Sử gia Mark Evans thuộc Viện Lịch sử Hàng không Hải quân Mỹ cho biết: “Máy bay ném bom Avenger được chế tạo giống như những cỗ xe tăng. Đã rất nhiều lần chúng bị tấn công dữ dội trong các trận không chiến và vẫn có thể trở về được căn cứ. Phi công rất thích loại máy bay này.”

Với trọng lượng nặng như vậy, khi hạ cánh xuống biển, máy bay Avenger sẽ va chạm rất mạnh và nhanh với mặt nước, và nguy cơ máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ là rất cao. Ngoài ra, cơ hội sống sót của các phi công hạ cánh giữa biển trong nhiệt độ lạnh giá ban đêm gần như bằng không, và rất có thể xác của họ sẽ bị dạt vào bờ.

Ngay lập tức, một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn đã được tiến hành cả trên biển và trên đất liền với sự tham gia của một lực lượng rất hùng hậu của hải quân, tuy nhiên họ không tìm thấy bất cứ thi thể hay mảnh vỡ nào của máy bay, cứ như thể cả 5 chiếc Avenger đã bốc hơi vào không khí.

Không chỉ có thế, một trong những chiếc máy bay cứu nạn tham gia chiến dịch này cũng biến mất một cách bí ẩn cùng với 13 thành viên phi hành đoàn tại vùng biển trên. Một chiếc tàu chở hàng ở gần đó cho biết họ nhìn thấy một quả cầu lửa và một vệt dầu loang tại vùng biển mà chiếc máy bay PBM Mariner này biến mất, tuy nhiên lực lượng cứu nạn không hề tìm thấy xác của chiếc máy bay đó.

Trong báo cáo cuối cùng của mình, Hải quân Mỹ cho rằng 5 chiếc oanh tạc cơ trong Chuyến bay số 19 gặp nạn là do lỗi của phi công, tuy nhiên gia đình của trung úy Taylor đã phản đối quyết liệt, và sau vài lần xem xét, phán quyết cuối cùng được đưa ra là “do những nguyên nhân không rõ”.

Sự biến mất đầy thảm khốc và bí ẩn của phi hành đoàn Chuyến bay số 19 đã khiến dư luận nước Mỹ bàng hoàng, và vô vàn câu hỏi đã được đặt ra về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Sau vụ tai nạn thảm khốc này, người ta mới lật lại những vụ việc đầy bí ẩn khác cũng xảy ra tại cùng một khu vực.

Tháng 3/1918, hải quân Mỹ cũng đã chịu tổn thất tại khu vực này khi chiếc tàu chiến USS Cyclops bỗng nhiên bị chìm một cách bí ẩn trong vùng biển nói trên. Đầu năm 1918, tàu Cyclops được cử đến Brazil để tiếp nhiên liệu cho một số tàu chiến Anh đang hoạt động ở phía nam Đại Tây Dương, và sau đó khởi hành từ Rio de Janiero để trở về Mỹ.

Tam giác quỷ Bermuda: Chuyến bay định mệnh - 3

Sự mất tích của tàu chiến USS Cyclops là một trong những bí ẩn lớn nhất của biển cả

Tuy nhiên sau khi đi tới Barbados vào ngày 3/3, người ta không nhận được bất cứ tín hiệu liên lạc nào của của Cyclops. Sự mất tích không để lại bất cứ dấu vết nào của Cyclops cùng toàn bộ 306 thủy thủ và hành khách là một trong những bí ẩn lớn nhất của biển cả.

Một bí ẩn khác liên quan đến vùng biển nguy hiểm ngoài khơi nước Mỹ là vụ tàu chở hàng SS Marine Sulphur Queen “bốc hơi” cùng 39 thủy thủ và 15.260 tấn lưu huynh lỏng ở phía nam bờ biển Florida vào năm 1963.

Ngày 4/2/1963, con tàu gửi tín hiệu cuối cùng về đất liền khi đi ngang qua Florida, và sau đó mọi liên lạc với con tàu hoàn toàn bị cắt đứt. Các lực lượng cứu hộ đã phát động chiến dịch tìm kiếm nhưng không hề phát hiện ra dấu tích nào của con tàu và các thủy thủ, ngoài một số mản vỡ và áo phao cứu nạn, như thể con tàu đã biến mất vào không khí.

Mặc dù nhiều giả thuyết đã được đặt ra, nhưng nhiều năm sau vẫn không ai có thể giải thích được nguyên nhân của những vụ mất tích tàu và máy bay bí ẩn này. Đến một ngày tháng 8 năm 1964, nhà văn Vincent Gaddis viết một câu chuyện đăng trên tạp chí Argosy lật lại vụ mất tích bí ẩn của Chuyến bay số 19 và đưa ra thuật ngữ “Tam giác quỷ Bermuda” để giải thích cho nguyên nhân của những tai nạn này.

Tam giác quỷ Bermuda: Chuyến bay định mệnh - 4

Vùng biển bí ẩn mang tên Tam giác quỷ Bermuda

Bài báo này ngay lập tức đã làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới, và “Tam giác quỷ Bermuda” trở thành chủ đề bàn luận vô cùng sôi nổi trên rất nhiều tờ báo, tạp chí, sách và phim ảnh trong thời gian sau đó. Tam giác quỷ Bermuda dần dần được coi là vùng biển nguy hiểm nhất, bí hiểm nhất và mang màu sắc huyền thoại nhất thế giới, với vô số giả thuyết được đặt ra để giải thích cho những hiểm nguy rình rập những con tàu và máy bay đi qua đây.

Vậy “Tam giác quỷ Bermuda” là gì, và những giả thuyết được đặt ra về sự nguy hiểm và huyền bí của vùng biển này ra sao, mời các bạn đón đọc kỳ 2: “Bermuda: Từ quái vật đến người ngoài hành tinh”.

________________

Mời xem tiếp kỳ sau, Bermuda: Từ quái vật đến người ngoài hành tinh, vào tối 1/3/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN